Tin mới

Những điều đáng sợ về siêu bão Yutu sắp đi vào Biển Đông

Thứ hai, 29/10/2018, 15:06 (GMT+7)

Trung tâm dự báo thời tiết AccuWeather (Mỹ) cho biết, siêu bão Yutu có lúc sức gió đạt đến 290km/h. Đây là cơn bão được đánh giá có sức gió mạnh nhất từng tấn công vào lãnh thổ nước Mỹ tính từ năm 1935.

Trung tâm Dự báo thời tiết AccuWeather (Mỹ) cho biết, siêu bão Yutu có lúc sức gió đạt đến 290km/h. Đây là cơn bão được đánh giá có sức gió mạnh nhất từng tấn công vào lãnh thổ nước Mỹ tính từ năm 1935.

Siêu bão Yutu, cơn bão mạnh nhất kể từ năm 1950 tấn công nước Mỹ hôm 24/10, đổ bộ lên 2 hòn đảo Saipan và Tinian thuộc quần đảo Bắc Mariana, phá hủy nhiều nhà cửa, gây mất điện và nước trên diện rộng, ảnh hưởng tới cuộc sống của hàng ngàn người dân. 

Sau khi càn quét quần đảo này, Yutu đã tăng lên cấp 5/5, cấp mạnh nhất trong thang bão Saffir – Simpson với vận tốc gió lên tới 286 km/h, trở thành cơn bão mạnh nhất kể từ đầu năm tới nay. 

Cả hai hòn đảo Saipan và Tinian đều phải hứng chịu sức gió cấp 5 mạnh khủng khiếp. Thậm chí, hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy, mắt bão Yutu rộng khủng khiếp đã “nuốt trọn” hòn đảo Tinian rộng 100km2 khi nó đi qua đây.

Siêu bão Yutu “nuốt trọn” hòn đảo Tinian rộng 100km2. (Ảnh: Cục Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA).

Mặc dù được dự báo sẽ suy yếu trong những ngày tới, Yutu vẫn sẽ giữ ở cấp 3 hoặc cấp 4 khi đổ bộ vào đất liền trong đầu tuần tới và nhiều khả năng gây thiệt hại lớn tại những nơi mà nó đi qua. 

Sau khi đổ bộ vào Philippines và Đài Loan, Yutu được dự kiến sẽ di chuyển vào Trung Quốc và quần đảo Ryukyu của Nhật Bản vào cuối tuần tới. 

Theo Bloomberg, tính đến nay có 7 siêu bão đã hoạt động ở phía Tây Thái Bình Dương trong năm 2018. Yutu có thể là cơn bão mạnh nhất, bên cạnh siêu bão Mangkhut đã khiến nhiều người thiệt mạng tại Philippines trước khi tấn công Hong Kong hồi tháng 9.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia (Việt Nam), hồi 13 giờ ngày 29/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,8 độ Vĩ Bắc; 125,2 độ Kinh Đông, cách đảo Lu-Dông (Phi-líp-pin) khoảng 320km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-165km/giờ), giật cấp 16. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 320km tính từ vùng tâm bão; Phạm vi gió mạnh cấp 10 trở lên khoảng 120km tính từ vùng tâm bão.  

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km. Đến 13 giờ ngày 30/10, vị trí tâm bão ở khoảng 16,7 độ Vĩ Bắc; 120,2 độ Kinh Đông, ngay trên bờ biển phía Tây đảo Lu-Dông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (115-150km/giờ), giật cấp 15. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 280km tính từ vùng tâm bão; Phạm vi gió mạnh cấp 10 trở lên khoảng 100km tính từ vùng tâm bão.

Vị trí và đường đi của bão Yutu. Ảnh NCHMF

Do ảnh hưởng của bão, ở vùng biển Đông Bắc Biển Đông từ sáng mai (30/10) có mưa bão, gió mạnh cấp 7-9, từ chiều mai mạnh dần lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12-13, giật cấp 15; biển động dữ dội.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (vùng gió mạnh cấp 6 trở lên): phía Bắc vĩ tuyến 14,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 117,5 độ Kinh Đông.

Cấp độ rủi ro thiên tai ở khu vực Đông Bắc Biển Đông: cấp 3.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km. Đến 13 giờ ngày 31/10, vị trí tâm bão ở khoảng 17,5 độ Vĩ Bắc; 117,4 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 560km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 14.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km. Đến 13 giờ ngày 01/11, vị trí tâm bão ở khoảng 19,5 độ Vĩ Bắc; 115,5 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 420km về phía Bắc Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100-115km/giờ), giật cấp 13.

Trước đó, trao đổi với PV báo Lao Động, ông Lê Thanh Hải - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn cho biết, nghiên cứu dữ liệu cho thấy, có 2 dự đoán: Một là, bão sẽ vòng lên phía Nam Nhật Bản; hai là có khả năng bão Yutu sẽ vào biển đông nhưng suy yếu dần và tan trên biển. Như vậy, cả 2 dự đoán về bão đều không ảnh hưởng đến Việt Nam.

Tuy nhiên, để chủ động ứng phó với diễn biến của bão, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, TP ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa cùng các đơn vị liên quan, triển khai thực hiện việc thông báo cho chủ và thuyền trưởng các phương tiện, tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết diễn biến, vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng, tránh.

Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

Hà Trang (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news