Tin mới

Trung Quốc đau đầu với "tử huyệt" ngay bên trong lãnh thổ

Thứ ba, 13/09/2016, 11:42 (GMT+7)

Cuộc tấn công vào Đại sứ quán Trung Quốc ở Kyrgyzstan chính là những gì mà Bắc Kinh lo sợ từ lâu: Những chiến binh người Duy Ngô Nhĩ đang tham gia vào mạng lưới khủng bố toàn cầu.

Cuộc tấn công vào Đại sứ quán Trung Quốc ở Kyrgyzstan chính là những gì mà Bắc Kinh lo sợ từ lâu: Những chiến binh người Duy Ngô Nhĩ đang tham gia vào mạng lưới khủng bố toàn cầu.

Vào ngày 30/8, Đại sứ quán Trung Quốc ở vùng ngoại ô thủ đô Kyrgyzstan bị tấn công bởi một kẻ đánh bom liều chết. Tên này đã lái chiếc xe chứa đầy thuốc nổ lao vào các cổng an ninh, khiến 2 nhân viên bảo vệ và 3 nhân viên đại sứ quán bị thương.

Trong khi không có nhóm nào nhận trách nhiệm về vụ tấn công này, Phó Thủ tướng Kyrgyzstan Razakov phát biểu trước báo giới rằng, đây là hành động của những kẻ khủng bố. Bắc Kinh khi đó cũng nhanh chóng đồng tình với ý kiến này và Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã yêu cầu chính phủ Kyrgyzstan tiến hành ngay các biện pháp cần thiết để đảm bảo an toàn cho người dân và trụ sở cơ quan của Trung Quốc tại đây.

Khói bốc lên từ trụ sở Đại sứ quán Trung Quốc sau cuộc tấn công liều chết. Ảnh: Reuters

Những nhà quan sát ở Trung Quốc thì lại đi xa hơn khi khẳng định rằng đây là cuộc tấn công của những kẻ khủng bố người Duy Ngô Nhĩ. Li Wei, một chuyên gia chống khủng bố tại Viện Quan hệ quốc tế đương đại Trung Quốc tuyên bố rằng, nhiều khả năng, chính Đảng Hồi giáo Turkestan (TIP) thực hiện vụ tấn công này.

Ngày 6/9, hãng tin AKIpress của Kyrgyzstan đưa tin, Ủy ban An ninh quốc gia Kyrgyzstan đã tiết lộ tên của kẻ bị nghi thực hiện vụ tấn công vào Đại sứ quán. Theo báo cáo này, kẻ đánh bom liều chết là người Duy Ngô Nhĩ và là một thành viên của Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM). Izzotillo Mashrapovich Sattybayev, người dân tộc Uzbek, từng trải qua khóa huấn luyện thực hiện các hành vi khủng bố, phá hoại ở Syria, cũng bị nghi ngờ đã hỗ trợ cho kẻ đánh bom tự sát ở Đại sứ quán trong việc chế tạo thiết bị nổ và mua sắm những phương tiện khác được sử dụng trong cuộc tấn công. Cuối cùng, báo cáo lưu ý rằng, "vài giờ trước khi xảy ra cuộc tấn công Sattybayev đã rời khỏi đất nước.

Tuy nhiên, cây hỏi còn lại là tối hậu thư của cuộc tấn công này.

Một cái nhìn đơn giản cho thấy cuộc tấn công này là sản phẩm tất yếu của sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc trong một khu vực được bao quanh bởi chủ nghĩa khủng bố. Ngay sau cuộc tấn công, một bài xã luận trên tờ Hoàn cầu Thời báo chỉ đơn giản nói rằng, "Trung Quốc đã trở thành một cường quốc, do đó, ngày càng có khả năng "Trung Quốc sẽ bị lôi kéo vào những tranh chấp quốc tế" và trở thành mục tiêu khủng bố.

Tuy nhiên, đánh giá này đã bỏ qua các Chính sách của Trung Quốc cả ở Tân Cương, Trung Á và Trung Đông - yếu tố kích động các mối đe dọa khủng bố đến các lợi ích của Trung Quốc.

Nhân viên điều tra, quan chức Bộ Nội vụ Trung Quốc tập trung bên ngoài Đại sứ quán sau vụ tấn công ngày 30/8. Ảnh: Reuters

Ở Tân Cương, một khu vực mà trong lịch sử đã bị chi phối bởi các nhóm dân tộc Hồi giáo Turkic như Duy Ngô Nhĩ, Trung Quốc đã theo đuổi chiến lược hội nhập cơ bắp kể từ khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập vào năm 1949. Chiến lược này được xác định bằng cách kiểm soát chặt chẽ chính trị, xã hội và văn hóa.

Mặc dù phương pháp này đã mang lại sự phát triển kinh tế đáng kể cho Tân Cương, song nó cũng làm gia tăng sự đối lập từ những người Duy Ngô Nhĩ, những người luôn chống lại sự pha loãng nhân khẩu học, khuôn khổ chính trị và sự can thiệp của nhà nước vào vấn đề tôn giáo. Đây cũng là những yếu tố khiến cho ngày càng có nhiều người Duy Ngô Nhĩ rời khỏi Trung Quốc, theo con đường hợp pháp hoặc bất hợp pháp.

Bên cạnh đó, cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 ở Mỹ và "cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu" của chính quyền George W. Bush cho phép Bắc Kinh liên kết những vụ việc từ nhóm chống đối Duy Ngô Nhĩ và phong trào bạo lực chống lại nhà nước với ảnh hưởng xấu từ nhóm khủng bố al-Qaeda. Chiến thuật này đã thành công khi tháng 2/2002, chính quyền Bush thừa nhận Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM) được hỗ trợ và tài trợ bởi trùm khủng bố Osama bin Laden - chính là "tổ chức khủng bố quốc tế".

Trong những năm sau đó, Bắc Kinh lặp lại cáo buộc này một cách mạnh mẽ khi liên kết những sự cố ở Tân Cương với ETIM và tổ chức kế nhiệm nó – TIP (thành lập vào năm 2006, trụ sở tại Waziristan, liên kết với nhóm Taliban ở Pakistan, al-Qaeda và Phong trào Hồi giáo Uzbekistan (IMU).

Tuyên bố sự gắn kết của TIP với các cuộc tấn công và sự cố của Bắc Kinh được phát triển sau một số cuộc tấn công cấp cao từ năm 2012, như cuộc tấn công vào Quảng trường Thiên An Môn ngày 28/10/2013, vụ tấn công bằng dao ở nhà ga Côn Minh ngày 1/3/2014, vụ đánh bom liều chết tại ga trung tâm Urumqi ngày 30/4/2014. Những vụ tấn công này phản ánh sự liên kết ngày càng chặt chẽ với al-Qaeda cũng như hoạt động ngày càng tinh ti của TIP.

Song song với sự phát triển này, những địa điểm cốt lõi bên ngoài của người Duy Ngô Nhĩ đã mở rộng ra khu vực Trung Đông, đặc biệt với sự bùng nổ của cuộc khủng hoảng Syria và sự phát triển của Nhà nước Hồi giáo (IS). Từ năm 2012, các quan chức chính phủ Trung Quốc và Syria đã mặc định rằng "Tổ chức khủng bố Đông Turkestan" đang hiện diện ở Syria, và điều này gây ra những phiền hà cho Bắc Kinh.

Cảnh sát Trung Quốc tuần tra ở thủ phủ Urumqi, khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương. Ảnh: Reuters

Trước hết, số chiến binh người Duy Ngô Nhĩ chiến đấu ở Syria đã tăng lên đáng kể từ năm 2012. Sự nguy hiểm đối với Bắc Kinh là những chiến binh này có thể tìm cách quay trở lại Tân Cương hoặc tìm cách chiêu mộ, gây ảnh hưởng tại khu tự trị này, mà vụ tấn công Đại sứ quán hôm 30/8 có thể là một ví dụ điển hình.

Thứ hai, sự tham gia ngày càng tăng của TIP ở Syria đã khiến Bắc Kinh bắt đầu thay đổi phương pháp đối với cuộc khủng hoảng tại quốc gia Trung Đông này. Đáng chú ý nhất, ngày 14/8, Chuẩn Đô đốc Guan Youfei của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã đến thăm thủ đô Damascus, tham dự các cuộc họp với các quan chức quân sự cấp cao của Syria và Nga, bao gồm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Syria Fahad Jassim al-Freij, để thảo luận về tăng cường hợp tác quân sự, bao gồm cả việc chia sẻ thông tin tình báo.

Chuyến thăm của ông Guan cho thấy, Bắc Kinh đã nhận ra rằng, hỗ trợ Bashar al-Assad là lựa chọn hữu hiệu nhất để chống lại một cách hiệu quả sự phát triển của TIP.

Thứ ba, tài liệu về cuộc di cư đáng kể của những người Duy Ngô Nhĩ thông qua mạng lưới buôn lậu người ở khu vực Đông Nam Á từ năm 2009 đã tạo ra vấn đề không chỉ với Bắc Kinh mà còn với nhiều nước khác như Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Thổ Nhĩ Kỳ - điểm đến cuối cùng cho những người di dân Duy Ngô Nhĩ .

Cuối cùng, sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ cho nguyên nhân ly khai của người Duy Ngô Nhĩ kết hợp với các động thái địa chính trị trong cuộc khủng hoảng Syria đã tạo ra những bất đồng giữa Ankara và Bắc Kinh. Từ năm 2003, đã có nhiều báo cáo từ các phương tiện truyền thông Trung Đông khẳng định rằng Ankara đồng lõa trong việc tuyển dụng những người Duy Ngô Nhĩ chạy trốn khỏi Tân Cương vào các nhóm Hồi giáo chống lại chế độ Assad ở Syria. Những cáo buộc này cũng thường xuyên được truyền thông Trung Quốc lặp đi lặp lại.

Tóm lại, cuộc tấn công vào Đại sứ quán hôm 30/8 là đỉnh điểm của "tảng băng trôi" chủ nghĩa khủng bố mang tính toàn cầu nhằm vào Bắc Kinh, không đơn giản chỉ là bị "lôi kéo vào các tranh chấp quốc tế" vì đã trở thành cường quốc như truyền thông nhà nước Trung Quốc tuyên bố.

Lê Huyền (The Diplomat)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news