Tin mới

Trung Quốc xây radar mạnh nhất ở Biển Đông: Siêu vũ khí thời tiết trá hình?

Thứ năm, 07/06/2018, 23:07 (GMT+7)

Trung Quốc đang xây dựng một hệ thống radar cực mạnh ở Biển Đông. Theo giới phân tích, nó có thể vô hiệu hóa các hệ thống liên lạc, can thiệp thời tiết và thậm chí gây thiên tai.

Trung Quốc đang xây dựng một hệ thống radar cực mạnh ở Biển Đông. Theo giới phân tích, nó có thể vô hiệu hóa các hệ thống liên lạc, can thiệp thời tiết và thậm chí gây thiên tai.

Theo tờ SCMP (Hồng Kông), mặc dù nghe như một thứ kỷ lạ trong phim viễn tưởng nhưng thực tế, hệ thống này sử dụng chùm năng lượng để thăm dò và điều khiển các hạt tích điện trong khí quyển tầng cao.

Trung Quốc xây radar mạnh nhất ở Biển Đông: Siêu vũ khí thời tiết trá hình?

Ảnh minh họa vũ khí thời tiết

Nó có nhiều ứng dụng trong cả quân sự-dân sự, và vì thế có thể thách thức ưu thế của Mỹ trong cả 2 lĩnh vực này.

"Vũ khí thời tiết"

Quân đội Mỹ đã nghiên cứu công nghệ "geoengineering" tương tự (có thể hiểu là những can thiệp kỹ thuật một cách trực tiếp để sửa đổi tình trạng địa cầu theo ý con người), song chương trình này đang gây nhiều tranh cãi.

Khoảng 10 năm trước, Mỹ đã xây dựng một chương trình tương tự để nghiên cứu và can thiệp vào tầng điện ly ở Gakona, Alaska gọi là HAARP.

Trung Quốc xây radar mạnh nhất ở Biển Đông: Siêu vũ khí thời tiết trá hình? - Ảnh 1.

Mỹ đã xây dựng chương trình HAARP tại Alaska, và nay Trung Quốc đang có kế hoạch xây dựng một công trình tương tự tại Hải Nam. Ảnh: SCMP

Mục đích của chương trình là nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của vệ tinh và liên lạc tàu ngầm. Tuy nhiên, việc xây dựng một cỗ máy như vậy đặt ra nhiều thách thức về mặt kỹ thuật và nguồn năng lượng khổng lồ mà nó tiêu thụ khiến chi phí tăng vọt.

Sức mạnh của một chùm năng lượng phát ra tương đương vài trăm megawatt - đủ cho hàng nghìn hộ gia đình ở Mỹ dùng

Cho đến nay, mới có 10 hệ thống radar sử dụng công nghệ này được chế tạo, chủ yếu bời Mỹ, Liên Xô và Liên minh châu Âu. Chúng được đặt tại các khu vực ven biển chiến lược như Đại Tây Dương, Thái Bình Dương và Bắc Cực.

Các thiết bị lớn nhất có thể bắn ra sóng năng lượng tần số cực thấp trên một diện tích rất lớn. Do chúng có khả năng xuyên qua nước, vỏ Trái đất và hộp sọ của người nên một số nhà quan sát lo sợ rằng công nghệ này có thể bị lợi dụng để kích hoạt các trận bão, động đất và thậm chí điều khiển não bộ.

Năm 2015, Alan Robock, một nhà khoa học thời tiết tại Đại học Rutgers, New Jersey từng cảnh báo rằng chính phủ nhiều nước có thể sử dụng thứ Công nghệ mới như một "siêu vũ khí", hiện người ta vẫn chưa tìm ra những giới hạn của nó.

Tuy nhiên, hầu hết các nhà khoa học chính thống đã bác bỏ mối lo ngại của Robock và cho biết, đến nay, công nghệ này mới chỉ được sử dụng để nghiên cứu thời tiết trong vũ trụ và hỗ trợ một số chiến dịch quân sự nhất định.

Họ còn chỉ ra rằng, dù mạnh đến đâu thì những cỗ máy này hiện nay cũng không có đủ năng lượng để can thiệp vào thời tiết ở quy mô lớn tới mức có thể gây ra các thảm họa thiên nhiên.

Trung Quốc xây radar mạnh nhất ở Biển Đông: Siêu vũ khí thời tiết trá hình? - Ảnh 2.

Các an-ten phát sóng trong chương trình HAARP của Không quân Mỹ nơi tạo ra nhiều thuyết âm mưu nhất về siêu vũ khí thời tiết.

Trung Quốc xây radar mạnh nhất ở Biển Đông

Trong khi chương trình của Mỹ (do không quân, hải quân và các trường đại học tài trợ) đang phải đối mặt với một tương lai bất định do ngân sách bị cắt giảm, thì Trung Quốc đã sẵn sàng đẩy nhanh công trình của họ trong lĩnh vực này.

Theo thông tin do tờ SCMP nắm được, Bắc Kinh đã sẵn sàng xây dựng một hệ thống radar cực mạnh ở thành phố Tam Á, đảo Hải Nam, có phạm vi hoạt động đến tận Singapore, cách đó 2.000km.

Đây sẽ là hệ thống radar mạnh nhất ở Biển Đông. Dù có được sử dụng để tạo ra các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt hay không thì nó vẫn sẽ có nhiều ứng dụng trong quân sự, như nâng cao năng lực tác chiến tàu ngầm của Trung Quốc và làm gián đoạn mạng lưới thông tin liên lạc của các quốc gia khác bằng cách tạo ra một "hố đen" trong bầu khí quyển.

Trung Quốc xây radar mạnh nhất ở Biển Đông: Siêu vũ khí thời tiết trá hình? - Ảnh 3.

Hệ thống radar mới sẽ có những khả năng mà hệ thống radar thông thường không thể làm được. Ảnh minh họa: Defence-Blog

Theo thôngtrên website của Học viện Khoa học Trung Quốc, hồi tháng Ba năm nay, ông Li Shushen – Phó chủ tịch học viện, đã đến thăm cơ sở tại Tam Á và rất hài lòng với tiến độ của dự án.

Trạm radar của Trung Quốc hoạt động theo cơ chế phát ra các xung năng lượng điện từ cực mạnh để khuấy động tầng điện ly. Bằng cách phân tích sóng radio dội ngược lại, các nhà nghiên cứu có thể đo chính xác sự nhiễu động ở tầng điện ly gây ra bởi các tác động vũ trụ, như tia mặt trời.

Hệ thống radar của Trung Quốc ở Tam Á sẽ là hệ thống tương tự đầu tiên như vậy xuất hiện ở Biển Đông.

Một nhà nghiên cứu tại cơ sở của dự án Hải Nam cho biết: "Việc tiến hành kế hoạch đã được chính phủ trung ương thông qua. Công trình sẽ được khởi công trước cuối năm nay".

Trong khi đó, một chuyên gia radar cấp cao tại Đại học Xidian (từng làm việc cho Viện Kỹ thuật viễn thông thuộc Quân Giải phóng nhân nhân Trung Quốc), xác nhận rằng dự án Hải Nam sẽ hoạt động theo 2 bộ phận riêng biệt, một cho nghiên cứu dân sự và một cho quân sự.

Trước đó, theo một số báo cáo của các nhà khoa học Trung Quốc, có một thiết bị tương tự đã được Trung Quốc triển khai tại Khúc Tĩnh, tỉnh Vân Nam từ năm 2012. Nó được sử dụng để nghiên cứu tầng điện ly và giám sát, phát hiện các mục tiêu cực nhỏ như vệ tinh nano và mảnh vỡ từ các thiết bị không gian dùng trong cả hai lĩnh vực quân sự, dân sự.

Tam Á là căn cứ hải quân chủ lực của Trung Quốc và tại đây Bắc Kinh đã bố trí một hạm đội tàu ngầm hạt nhân. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vẫn lo ngại rằng nguồn cung ứng năng lượng của đảo Hải Nam có thể sẽ không đủ cho hệ thống radar mới, do nơi đây thiếu các nhà máy phát điện lớn.

Ông Zhao Biqiang, nhà nghiên cứu thuộc Viện Địa lý và Vật lý địa cầu tại Bắc Kinh cho biết, chi tiết về hệ thống radar mới có lẽ phải 2-3 năm sau mới được công bố.

Chương trình Tam Á chính thức được phát động vào năm 2015, với nguồn vốn ban đầu gần 15,7 triệu USD, do chính phủ trung ương cung cấp.

"Mục đích chính của chương trình là nghiên cứu tầng điện ly trên Biển Đông. Hiện nay chưa có thiết bị nào như vậy trong khu vực. Dữ liệu thu được từ radar sẽ bổ sung cho những lỗ hổng trong kiến thức của chúng tôi".

"Hiện có nhiều cơ sở tương tự đang được xây dựng ở đại lục với công suất lớn hơn nhiều so với cái chúng tôi đang tiến hành" – ông Zhao cho hay.

Được biết, công nghệ radar mới do Học viện Khoa học Trung Quốc, Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc và Đại học Nam Xương hợp tác phát triển. Cả 3 đơn vị này đều có mối liên hệ chặt chẽ đến quân đội Trung Quốc.

Họ đã cho ra đời một nguyên mẫu với kích cỡ nhỏ hơn, và nó đã bắt đầu thu thập dữ liệu trong vài năm qua.

Ngoài ra, dẫn dắt dự án là Giáo sư Wan Weixing – nhà nghiên cứu từng giành giải thưởng trong nhiều dự án quốc phòng liên quan đến tầng điện ly.

Theo SCMP, trong những năm qua, quân đội Trung Quốc đã đầu tư vào một lượng lớn công trình nghiên cứu các loại vũ khí tầng điện ly. Trong đó có một thiết bị hàng không có thể giải phóng lượng lớn hoát chất vào khí quyển tầng cao để tạo ra "hố đen" liên lạc phía trên các lực lượng đối phương.

Trong trường hợp này, hóa chất sẽ can thiệp vào tầng điện ly, khiến sóng radio bị chặn. Chúng cũng có thể được thiết kế để cho phép một số tín hiệu nhất định, như loại sóng tần số cực thấp do vệ tinh phát ra, lọt qua tầng điện ly và truyền xuống tàu ngầm.

Đã có những lo ngại về an toàn khi Trung Quốc triển khai các thiết bị điện từ cực mạnh ở đảo Hải Nam – một địa điểm du lịch nổi tiếng, được ví như Hawaii của Trung Quốc.

Liu Wenlong, Giáo sư vật lý tại Trường Môi trường và Vũ trụ, Đại học Beihang ở Bắc Kinh cho biết, chùm năng lượng của hệ thống radar trên mặt đất có thể chiếu trúng vào các máy bay bay ngang qua, trong khi khu vực này lại có mật độ lưu thông trên không khá cao.

Mặc dù không cho rằng chùm tia này đủ mạnh để xuyên thủng các lớp bảo vệ của máy bay và đốt cháy con chip bên trong (do để làm được điều đó, hệ thống radar cần có nhiều năng lượng hơn mức mà Trung Quốc có thể cung cấp hiện nay) nhưng theo ông Liu, cần phải kiểm tra kỹ lưỡng để đảm bảo rằng nó không ảnh hưởng tới đường dây liên lạc giữa máy bay với trạm kiểm soát không lưu.

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu tại Đại học Xidian cho biết, cơ sở này sẽ có thêm một radar riêng để cảnh báo các máy bay bay ngang qua hoặc sẽ có cơ chế để dừng tất cả các hoạt động nếu có máy bay bay vô tình bay vào phạm vi hoạt động của nó.

QS

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news