Tin mới

Truyền thông cảnh báo nguy cơ Hàn Quốc bị TQ cho "vào tròng"

Thứ hai, 07/07/2014, 14:40 (GMT+7)

(Tinmoi.vn) Chuyến thăm mới đây của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Hàn Quốc khiến dư luận nước này lo ngại khả năng Tổng thống Park Geun-hye ngả sang bắt tay Trung Quốc tạo liên minh chống Nhật.

(Tinmoi.vn) Chuyến thăm mới đây của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Hàn Quốc khiến dư luận nước này lo ngại khả năng Tổng thống Park Geun-hye ngả sang bắt tay Trung Quốc tạo liên minh chống Nhật.  

 

Trong cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa qua, Tổng thống Park chia sẻ quan ngại cùng Bắc Kinh về những động thái gần đây của Nhật Bản. Tại buổi họp báo chung ngày 3/7, hai nhà lãnh đạo này không hề đề cập tới nước láng giềng. Thế nhưng, chỉ một ngày sau, phía Hàn Quốc đã tiết lộ nội dung cuộc hội đàm giữa Tổng thống Park Geun-hye với Chủ tịch Tập Cận Bình về “nhân tố” Nhật Bản. 

Ngày 5/7, Chosun Ilbo, một tờ báo lớn tại Hàn Quốc bày tỏ nghi ngại khi nói rằng “Mỹ có khả năng sẽ nghi ngờ Hàn Quốc tìm cách dựa vào Trung Quốc”.

Truyền thông Hàn Quốc đưa ra nhiều thông điệp cảnh báo về "cái bẫy" Trung Quốc

Một tờ khác là Dong-A Ilbo thì nhận định Trung Quốc đang cố hủy hoại liên minh Mỹ - Hàn cũng như thế hợp tác chân kiềng Mỹ - Nhật - Hàn và rằng Trung Quốc muốn “lôi kéo” Hàn Quốc vào cuộc chiến chống Nhật. Bắc Kinh cũng không thể giấu giếm dã tâm từng bước thế chân Mỹ, cầm đầu một liên Minh Quân sự tại khu vực Đông Á.

Hàng loạt thông điệp mà truyền thông xứ củ sâm phát đi như: “Hàn Quốc có thể bị Trung Quốc cho vào tròng” , “Mỹ có thể nghi ngờ Hàn Quốc”, cho thấy những mối lo ngại không nhỏ của Seoul với "đối tác mạo hiểm" Trung Quốc. 

Theo các quan chức Hàn Quốc, bà Park Geun-hye và ông Tập Cận Bình thống nhất bày tỏ vẻ bất bình trước một nghiên cứu gần đây của chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe trong tiến trình sửa đổi lại Tuyên bố Kono 1993 - một văn bản mà ở đó Tokyo chính thức thừa nhận hành động “ngược đãi tình dục” mà binh lính Nhật phạm phải trong Thế chiến thứ 2. Đối với bước chuyển đổi then chốt liên quan đến quyền “phòng vệ tập thể”, hai nhà lãnh đạo Hàn-Trung cho rằng Tokyo cần phải minh bạch hơn trong Chính sách an ninh.

Trước đó, hôm 3/7, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tới Seoul cùng phái đoàn thương mại khổng lồ, nhằm củng cố mối quan hệ thương mại giữa hai nước. Đây là chuyến công du phá vỡ truyền thống lâu nay của lãnh đạo Trung Quốc, khi thăm Hàn Quốc trước Triều Tiên.

Chính những nỗ lực của Trung Quốc để gia tăng ảnh hưởng địa chính trị của mình trong thời gian qua đã khiến Seoul cảnh giác với ý định thực sự của Bắc Kinh khi hợp tác với láng giềng.

Các nhà phân tích không cho rằng ông Tập sẽ từ bỏ hoàn toàn Triều Tiên và Seoul vẫn trung thành với một liên minh với Washington, vốn đã giúp bảo vệ Hàn Quốc khỏi sự gây hấn của Triều Tiên và cho phép Seoul xây dựng một nền kinh tế ấn tượng.

Chuyến thăm của ông Tập tới Seoul còn là một phép thử đối với quan hệ giữa Mỹ và Hàn Quốc và Nhật Bản mà Bắc Kinh tin rằng đã được sử dụng để kiềm chế sức ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc.

Đối với Washington và khu vực, chuyến thăm đã cho thấy sức ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc đối với Hàn Quốc. Bắc Kinh, vốn có tranh chấp lãnh thổ với một loạt các quốc gia châu Á, có thể coi chuyến thăm của ông Tập là một cơ hội để thúc đẩy sự ảnh hưởng với một nước láng giềng vốn có quan điểm tích cực về Trung Quốc.

 

Yên Yên

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news