Tin mới

TT Nhật tìm kiếm sức mạnh ở châu Đại Dương, thêm đòn "răn đe" TQ

Thứ hai, 07/07/2014, 08:37 (GMT+7)

(Tinmoi.vn) Chuyến đi thăm tới 3 nước Australia, New Zealand và Papua New Guinea trong tuần này được đánh giá là nhằm tìm kiếm sức mạnh đối phó với Trung Quốc.

(Tinmoi.vn) Chuyến đi thăm tới 3 nước Australia, New Zealand và Papua New Guinea trong tuần này được đánh giá là nhằm tìm kiếm sức mạnh đối phó với Trung Quốc.

Hôm qua (6/7), Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã lên đường công du ba nước vùng châu Đại Dương. Điểm nhấn quan trọng nhất trong chuyến đi lần này của ông Abe chính là Australia. Ông cũng là Thủ tướng Nhật Bản đầu tiên tiến hành một chuyến thăm chính thức quốc gia này từ năm 2002 đến nay.

Tại Canberra, Thủ tướng Nhật Bản và người đồng nhiệm Australia sẽ thông qua một số quyết định nhằm củng cố thêm quan hệ quốc phòng giữa hai bên, trong đó có việc Australia tìm mua vũ khí của Nhật.

Chuyến thăm diễn ra chỉ vài ngày sau khi ông Abe tuyên bố là quân đội Nhật Bản phải có quyền tham chiến để bảo vệ đồng minh, một động thái đã được Canberra hoan nghênh, nhưng bị Bắc Kinh lên án là mang nặng ý nghĩa bành trướng.

Theo nhận định của hãng tin Pháp AFP, từ ngày lên nắm quyền ở Úc vào tháng 9/2013, Thủ tướng Tony Abbott đã tìm cách "ve vãn" Nhật Bản về các vấn đề an ninh và thương mại, nhấn mạnh đến tính chất "đặc biệt" của quan hệ Australia - Nhật, vào lúc toàn châu Á đang rà lại Chính sách trước thái độ quyết đoán ngày càng mạnh của Trung Quốc trong khu vực.

Cả Nhật và Australia đều mong muốn củng cố, tăng cường mối quan hệ chiến lược

Mong muốn của Thủ tướng Úc đi theo cùng một chiều hướng với chuyển biến chiến lược mới của Tokyo từ ngày ông Abe lên cầm quyền, và Thủ tướng Nhật cũng rất muốn tăng cường và củng cố quan hệ với Australia trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Bắc Kinh và các nước láng giềng về vấn đề Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Ông Abe cũng sẽ tham dự một cuộc họp của Ủy ban An ninh Quốc gia, và sẽ là Thủ tướng Nhật đầu tiên đọc diễn văn tại Nghị viện Australia, một cử chỉ mang ý nghĩa biểu tượng rất cao.

Việc Australia tăng cường quan hệ an ninh, quốc phòng với Nhật Bản tuy nhiên cũng tạo ra một số phản ứng dè dặt nơi các nhà quan sát. Trả lời hãng tin Pháp AFP, ông Hugh White một chuyên gia phân tích quốc phòng lưu ý rằng mọi động thái của Canberra nhằm củng cố thêm quan hệ an ninh với Tokyo sẽ bị Trung Quốc - đối tác kinh tế chủ chốt của Australia - xem là trái với lợi ích chiến lược của họ trong bối cảnh quan hệ Nhật-Trung đang căng thẳng.

New Zealand là một trong ba điểm đến của Thủ tướng Abe nhằm "tìm kiếm" sức mạnh quốc phòng

Trước khi đến Australia, ông Abe sẽ thăm New Zealand vào hôm nay (7/7), gặp gỡ Thủ tướng John Key và tưởng niệm các nạn nhân bị động đất ở Christchurt. Ông của ngài Abe là thủ tướng Kishi cũng từng thăm New Zealand năm 1957 và bản thân ông Abe cũng từng đến New Zealand cách đây 17 năm khi còn là thành viên của chính phủ Nhật. Chuyến thăm của ông Abe sang New Zealand sau rất nhiều năm ngoài việc bàn về các hợp đồng kinh tế thì một việc không thể không nhắc là tình hình an ninh tại Thái Bình Dương và đặc biệt là ở biển Đông cũng như Hoa Đông.

New Zealand không có tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc, nhưng họ cũng tỏ ra khó chịu khi Trung Quốc đang tranh giành ảnh hưởng của New Zealand ở Thái Bình Dương như ở Tonga, Samoa...

Trước đó, khi tới Washington hồi tháng 6, Thủ tướng John Key ủng hộ kế hoạch "xoay trục châu Á"- một chiến lược nhằm tăng cường kiểm soát của Mỹ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và chuẩn bị cho cuộc chiến chống lại Trung Quốc.

Điểm dừng chân cuối cùng của ông Abe là Papua New Guinea, một nước thuộc châu Đại dương nhưng có biên giới chung với Indonesia. Cuộc họp với Thủ tướng Papua New Guinea Peter O'Neill của ông Abe vào thứ Tư sẽ chủ yếu bàn về chuyện xuất khẩu dầu mỏ của nước này sang Nhật.

Nhật bắt đầu nhập khí đốt tự nhiên từ Papua New Guinea từ tháng trước. Trong hoàn cảnh biển Đông đang bất ổn về an ninh, Nhật rất coi trọng việc nhập khẩu khí đốt từ các quốc gia ở Thái Bình Dương và dự định sẽ nhập khoảng 36 triệu tấn khí đốt vào năm 2019 từ các quốc gia ở khu vực Thái Bình Dương.

Việc kéo Papua New Guinea trở thành một đối tác lớn cũng là con bài của Nhật nhằm phá ý đồ xây dựng chuỗi đảo thứ 2 của Trung Quốc trong hành lang mở rộng ảnh hưởng ở Thái Bình Dương (chuỗi đảo thứ hai kết nối các quần đảo Izu, Saipan và Papua New Guinea).

 

Yên Yên

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news