Tin mới

Vì sao Trung Quốc chịu "ngồi yên" nhìn Mỹ - Ấn khăng khít?

Thứ sáu, 17/06/2016, 15:49 (GMT+7)

Sự bàng quan của Bắc Kinh khi chứng kiến quan hệ Mỹ - Ấn tiến triển dựa trên 3 yếu tố: Chính sách ngoại giao của Ấn Độ là độc lập và tự do trong cam kết chiến lược với các nước khác; Ấn Độ rất thận trọng trong việc xử lý những khác biệt giữa Mỹ và Trung Quốc, đặc biệt trong vấn đề Biển Đông; và cuối cùng, trọng tâm của chính sách đối ngoại Trung Quốc là về phía Đông, không phải phía Nam.

Sự bàng quan của Bắc Kinh khi chứng kiến quan hệ Mỹ - Ấn tiến triển dựa trên 3 yếu tố: Chính sách ngoại giao của Ấn Độ là độc lập và tự do trong cam kết chiến lược với các nước khác; Ấn Độ rất thận trọng trong việc xử lý những khác biệt giữa Mỹ và Trung Quốc, đặc biệt trong vấn đề Biển Đông; và cuối cùng, trọng tâm của Chính sách đối ngoại Trung Quốc là về phía Đông, không phải phía Nam.

Trong vài năm qua, mối quan hệ Mỹ - Ấn ngày càng khăng khít, song động thái này chỉ khơi dậy những phản ứng nghèo nàn từ phía Trung Quốc. Theo đánh giá của The Diplomat, Ấn Độ, nước yếu thế hơn so với Mỹ và Trung Quốc, dường như đang sử dụng chiến lược "nước đôi" nhằm đạt được sự nhượng bộ từ hai đối tác lớn mạnh hơn.

Từ khi Narendra Modi trở thành Thủ tướng Ấn Độ, đã có một sự hội tụ rõ ràng giữa Washington và New Delhi. Nhà lãnh đạo từng bị từ chối nhập cảnh vào Mỹ khi còn giữ chức Thủ hiến bang phía tây Gujarat, đã được đích thân Tổng thống Obama mời đến Washington ngay sau lễ nhậm chức ngày 26/4/2014. Hai nhà lãnh đạo đã thiết lập mối quan hệ cá nhân tốt và kể từ đó, Thủ tướng Modi đã gặp nhà lãnh đạo Mỹ 7 lần. Lần gặp gần nhất giữa hai nhà lãnh đạo là vào ngày 7 - 8/6 ở thủ đô Washington D.C, khi ông Modi được mời tới tham dự một phiên họp chung của quốc hội Mỹ. Trước đó, Tổng thống Obama từng nhận lời mời của Thủ tướng Modi, tới thăm chính thức Ấn Độ vào ngày 26/1/2015 nhân dịp quốc khánh nước này.

Những chuyến thăm qua lại phần lớn đã góp phần tăng cường hợp tác kinh tế và an ninh giữa hai nước. Khi Obama tới Ấn Độ, hai bên đã tăng cường quan hệ an ninh bằng cách kéo dài chương trình quốc phòng song phương được triển khai từ năm 2005. Bên cạnh đó, hai nước cũng ký kết hiệp ước Tầm nhìn Chiến lược chung cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, trong đó lưu ý hai bên sẽ nỗ lực vì sự phát triển và an ninh trong khu vực, đồng thời kêu gọi "đảm bảo tự do hàng hải và các chuyến bay", đặc biệt ở Biển Đông.

Từ khi ông Modi trở thành thủ tướng Ấn Độ, quan hệ Mỹ - Ấn ngày càng khởi sắc. Ảnh: Flickr

Vào tháng 4/2016, trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Ashton Carter đến Ấn Độ, hai bên cũng tiếp tục tăng cường quan hệ quốc phòng bằng bước đột phá trong đàm phán Biên bản Thỏa thuận trao đổi Hậu cần (LEMOA), trong đó quy định khuôn khổ cho việc sử dụng chung cơ sở hạ tầng của nhau.

Hơn nữa, trong chuyến thăm mới nhất của Thủ tướng Modi đến Mỹ, nhà lãnh đạo Ấn Độ đã chứng minh tình hữu nghị của Ấn Độ với Washington, bao gồm cả chuyến thăm biểu tượng đến Nghĩa trang quốc gia Arlington. Khi dự phiên họp chung của quốc hội Mỹ, Thủ tướng Modi đẩy mạnh tăng cường hợp tác an ninh song phương và ghi nhận rằng Mỹ là đối tác thương mại, quốc phòng nổi bật của Ấn Độ.

Tuy nhiên, chứng kiến mối quan hệ ngày càng khăng khít của Mỹ - Ấn, Trung Quốc tỏ ra khá bình tĩnh, trong khi báo Chí Trung Quốc lại dùng những từ ngữ hiếu chiến trong chuyến thăm của Modi. Tờ Hoàn cầu thời báo (một ấn phẩm của tờ Nhân dân nhật báo) cho đến cuối tháng 6 năm ngoái vẫn tỏ ra khá lo ngại về việc Ấn Độ xích gần tới Washington.

Sự thay đổi này của Trung Quốc nhiều khả năng bắt nguồn từ động thái gần đây của New Delhi khi hướng tới cân đối quan hệ với Bắc Kinh và Washington. Trước tiên, Ấn Độ từ chối đề nghị tuần tra chung ở châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương của Mỹ, một bước đi khiến Trung Quốc dịu đi phần nào những lo ngại. Một bái báo trên tờ Giải phóng nhật báo của Trung Quốc thậm chí còn mạnh dạn nói rằng nhờ sự từ chối này, Bắc Kinh sẽ không còn phải lo lắng về việc Ấn Độ ký kết LEMOA với Mỹ.

Thứ hai, sự trao đổi cấp cao giữa Trung Quốc và Ấn Độ trong chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar và Cố vấn An ninh quốc gia Ajit Doval đến Bắc Kinh (diễn ra vào khoảng giữa thời gian chuyến đi của Carter đến New Delhi và Modi đến Mỹ) dường như đã thành công trong việc xây dựng lòng tin lẫn nhau. Truyền thông Trung Quốc nhấn mạnh rằng các mối quan hệ song phương được cải thiện và Ấn Độ không có tư tưởng thù địch chống lại Trung Quốc.

Thủ tướng Ấn Độ Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters

Thứ ba, một thông cáo được đưa ra bởi Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj và người đồng cấp của bà ở Nga và Mỹ hồi tháng 4/2016 có đề cập đến lập trường phản đối việc quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông và những người ủng hộ nói rằng vấn đề nên được giải quyết bởi các quốc gia liên quan. Lập luận này giống hệt với những gì mà Trung Quốc đang theo đuổi nhằm giành quyền kiểm soát vùng biển này.

Thứ tư, một bài viết gần đây trên một trang tin Trung Quốc Cankai Xiaoxi có đề cập đến việc các phương tiện truyền thông nước ngoài nói rằng Modi lưu tâm đến cân nhắc của Trung Quốc khi lựa chọn không đề cập đến vấn đề Biển Đông trong chuyến thăm đến Washington, trong khi quyết tâm ủng hộ "tự do hàng hải trên biển"của Thủ tướng Ấn Độ có thể được hiểu như một sự ám chỉ ngầm đối với thái độ của Trung Quốc trong vấn đề này.

Cuối cùng, thực tế là LEMOA không được ký kết trong chuyến thăm tháng 6 củaThủ tướng Modi và sự phát triển chậm chạp của "Bản Ghi nhớ Thỏa thuận An ninh Liên lạc" (CISMOA) cho thấy Ấn Độ sẽ thận trọng khi tham gia các thỏa thuận chiến lược với Mỹ. Điều này tiếp tục ám chỉ rằng Trung Quốc không cần phải lo lắng về việc Ấn Độ tăng cường quan hệ với Mỹ. Tuy nhiên, nếu LEMOA hoàn tất ký kết, nó sẽ cho phép các bên tham gia sử dụng căn cứ của nhau, đánh dấu bước phát triển quan trọng trong quan hệ quân sự Mỹ - Ấn.

Ấn Độ được cho là đang áp dụng chính sách "nước đôi" trong mối quan hệ với Mỹ và Trung Quốc. Ảnh: Economic Times

Lấy vấn đề Biển Đông làm ví dụ để hiểu được phần nào chiến lược chính sách đối ngoại của Ấn Độ. Các thông điệp ngầm liên quan đến "tự do hàng hải" trong bài phát biểu của ông Modi, cùng với tuyên bố của Ngoại trưởng Ấn - Trung - Nga, có thể hiểu rằng Ấn Độ đang áp dụng lập trường có chọn lọc về vấn đề Biển Đông, cho phép nước này giành được sự quan tâm, ưu ái của cả Washington và Bắc Kinh mà không làm "mếch lòng" cả hai.

Bằng cách đưa ra một lập trường mâu thuẫn về quốc tế hóa các tranh chấp, Ấn Độ ủng hộ quan điểm giải quyết với từng bên liên quan của Trung Quốc, nhưng điều đó không cho thấy New Delhi ủng hộ yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc trong khu vực. Mặt khác, Ấn Độ cũng không hoàn toàn xao lãng lập trường của Mỹ khi nhắc lại cam kết tự do hàng hải. Ấn Độ rõ ràng đang đi những bước thận trọng giữa hai đối tác lớn, tùy thuộc vào mức độ ảnh hưởng của những hành động từ phía Mỹ - Trung đối với Ấn Độ như thế nào.

Ấn Độ gần như chắc chắn sẽ sử dụng chiến lược này để giành lấy sự bảo trợ của Trung Quốc đối với vai trò thành viên của Ấn Độ trong Nhóm các nhà cung cấp hạt nhân và đưa Ấn Độ trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Trên con đường trở thành một cường quốc, Ấn Độ sẽ tiếp tục duy trì sự linh động để có được sự nhượng bộ từ cả Mỹ và Trung Quốc.

Lê Huyền (The Diplomat)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news