Tin mới

Truy tìm tung tích “Người đàn ông bật khóc trên ruộng dưa”

Thứ hai, 28/04/2014, 03:36 (GMT+7)

(Tinmoi.vn) Tấm ảnh người đàn ông bật khóc trên ruộng dưa đã làm cộng\nđồng mạng xót xa. Nhiều người không kìm được nước mắt và đặt câu hỏi:\n“Không biết bao giờ nông dân Việt Nam mới hết khổ?”.\nCảm động hình ảnh người cha lam lũ nuôi con tốt nghiệp ĐH\n2 đêm, nông dân mất hơn nửa tỷ đồng\nClip: Cảm động với phim ngắn "Món quà từ cha

(Tinmoi.vn) Tấm ảnh người đàn ông bật khóc trên ruộng dưa đã làm Cộng đồng mạng xót xa. Nhiều người không kìm được nước mắt và đặt câu hỏi: “Không biết bao giờ nông dân Việt Nam mới hết khổ?”.

 

Mới đây, bức ảnh chụp một người đàn ông có gương mặt khắc khổ, đang mếu máo bật khóc trong khi hai tay đang ôm một quả dưa hấu được đăng tải trên báo chí. Tấm ảnh này sau đó đã được chia sẻ, lan truyền trên các trang mạng xã hội và diễn đàn.

Hình ảnh người đàn ông bật khóc trên ruộng dưa và những câu chuyện đằng sau nó khiến nhiều người xót xa.

Xót xa với hình ảnh “Người đàn ông bật khóc trên ruộng dưa”

Tấm ảnh "Người đàn ông bật khóc trên ruộng dưa" khiến nhiều người xót xa.

Theo tìm hiểu, tấm ảnh trên chụp một người nông dân trồng dưa hấu tên Đãng (quê ở Quảng Ngãi). Chứng kiến cảnh ruộng dưa nhà mình hỏng, thối và tình trạng giá dưa hấu “rẻ như bèo”, ông Đãng đã đau xót ôm một quả dưa mà bật khóc nức nở.

Nhiều năm nay nông dân các vùng trồng dưa hấu Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định... từng khóc ròng vì dưa được mùa mất giá, hoặc được giá mất mùa, giá rớt thê thảm từng ngày. Bao nhiêu tiền của, công sức, dãi nắng, dầm mưa chăm bón chờ ngày thu hoạch bỗng mất hết, khiến người nông dân - đối tượng sản xuất chịu nhiều rủi ro nhất của xã hội - ngậm ngùi rơi nước mắt, rơi vào cảnh thua lỗ, nợ nần.
Trồng dưa hấu mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, song cũng như “đánh bạc với trời” khi điệp khúc “được mùa, mất giá - được giá, mất mùa” tái diễn nhiều năm qua.

Nhiều độc giả đã không thể kìm được nước mắt trước cảnh những người nông dân bật khóc bên ruộng dưa hỏng.

Bạn đọc Ước Bùi chia sẻ: “Nông dân khổ đủ đường. Nhà tôi thuần nông nên tôi biết, nếu trồng lúa chỉ đủ ăn đến mùa sau, còn trồng rau, dưa, cà đến dịp thu hoạch không ai mua. Người nông dân còn phải gồng gánh các loại thuế, phí mỗi năm, giá cả hàng hóa tiêu dùng cũng thường xuyên leo thang nên họ chỉ muốn làm vụ mùa nào nhanh chóng mà lợi nhuận cao. Tuy nhiên, khi thiên tai, mất mùa là mất trắng tất cả”.

Còn độc giả Pham Hai Hoc cho biết, quê anh ở Quảng Nam cũng trồng dưa, có năm dưa gần đến đợt thu hoạch bị mưa hư hết. Anh nói, bà con nhìn cảnh những trái dưa do chính mình trồng ra phải mang đổ sông mà khóc không ra tiếng. Trái dưa không thể để lâu như những trái khác. Người làm dưa 11 - 12h trưa vẫn phải ở ngoài đồng. Năm nào dưa được mùa lại mất giá.

Cùng hoàn cảnh, Nguyễn Quốc Việt chia sẻ: “Quá đau lòng! Tôi vẫn còn nhớ cách đây 7 năm, ruộng dưa của ba tôi cũng bị như vậy. Ngày ngày gia đình tôi nhìn ruộng dưa chết dần, thối dần nhưng không ai làm gì được. Không thể diễn tả nỗi buồn của tôi và gia đình như thế nào cho đúng”.

Xót xa với hình ảnh “Người đàn ông bật khóc trên ruộng dưa”

Dưa hấu vứt cho trâu bò ăn vì giá quá rẻ, không ai mua

Không chỉ người lớn xúc động đến bật khóc trước vất vả của người nông dân, cô bé tên Phạm Thị Thanh Như, lớp 4D, trường tiểu học Đống Đa, cơ sở 2, TP.HCM cũng gửi dòng chia sẻ: “Đọc bài về các bác nông dân đã làm em bật khóc. Em mong người nông dân trồng được nhiều dưa hấu, nhưng không bao giờ bị mất mùa như vậy”.

Trần Thanh Tuấn tâm sự: “Tôi muốn khóc khi đọc bài báo này. Hình ảnh chú Đãng khóc làm tôi cũng muốn khóc theo. Chia buồn cùng người nông dân! Buồn lắm”.

Bên cạnh những bạn đọc đồng cảm, thương xót cho người nông dân vì mất mùa, nhiều bạn cũng rất bức xúc khi công sức, thành quả của những con người bán mặt cho đất, bán lưng cho trời bị thương lái ép giá. Như giá xoài ở miền Tây những ngày này đang rớt thảm hại, khi 3kg xoài cát bán chưa được được 10.000 đồng. Nhiều nhà vườn đành bỏ trái chín vàng cây, rụng đầy dưới đất do thương lái không mua.

Độc giả Điều Gì Đó viết: “Sản phẩm nông dân làm ra liên tục bán không được. Đầu tư cho nông thôn, nông nghiệp vẫn chưa thấy hiệu quả. Điệp khúc được mùa thì mất giá. Người nông dân quá tội nghiệp, còn thương lái vẫn là người nắm giá cả”.

Không biết bao giờ người nông dân Việt Nam mới hết khổ? Đó là câu hỏi lớn, đầy khắc khoải và xót xa!

Duy Minh

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news