Tin mới

Manh mối nào giúp nhà khoa học tìm ra "thủ phạm" làm cá chết hàng loạt?

Thứ bảy, 02/07/2016, 18:50 (GMT+7)

Vệt nước màu đỏ từng nhìn thấy ở Quảng Bình không phải tảo nở hoa hay phù sa mà là lớp màng sắt chính là manh mối giúp các nhà khoa học tìm ra "thủ phạm" làm cá chết hàng loạt.

Vệt nước màu đỏ từng nhìn thấy ở Quảng Bình và Hà Tĩnh không phải tảo nở hoa hay phù sa mà là lớp màng sắt chính là manh mối giúp các nhà khoa học tìm ra nguyên nhân, "thủ phạm" chính xác gây cá chết hàng loạt ở miền Trung.

Thông tin Vnexpress, Tiến sĩ Vũ Đức Lợi, Phó chủ tịch Hội đồng khoa học tìm nguyên nhân cá chết cho biết, các nghiên cứu đã loại trừ yếu tố động đất, sóng thần, tràn dầu, dịch bệnh và tập trung vào hai nhóm chính là: tảo đỏ và độc tố hóa học. 

Tuy nhiên, kết quả phân tích cho thấy, không phát hiện dấu hiệu tảo nở hoa trên diện rộng dù một số thời điểm bùng phát cục bộ về số lượng vi tảo xảy ra.

Giả thuyết về đường đi của hệ keo sắt và quá trình vận chuyển độc tố. Ảnh: Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. 

Các nhà khoa học kết luận, tảo nở hoa được ghi nhận tại một số thời điểm trong phạm vi hẹp có thể gây cá chết nhưng không phải là nguyên nhân gây cá chết hàng loạt. Như vậy chỉ còn giả thiết cá chết do nhiễm độc. 

Trên Zing.vn, Tiến sĩ Vũ Đức Lợi thông tin, theo kết quả phân tích các mẫu nước biển và trầm tích thu được ở 4 tỉnh miền Trung từ ngày 19/4 đến ngày 29/4, các thông số cơ bản, hàm lượng kim loại nặng, hàm lượng phenol và cyanua đều nằm trong giới hạn cho phép, chỉ duy hàm lượng sắt tổng số trong mẫu trầm tích có xu hướng cao hơn các năm trước đây và trong mẫu trầm tích lấy bằng phương pháp lặn biển phát hiện thấy phenol với hàm lượng từ 0,2 đến 3,8 mg/kg. 

Ngoài ra, trong mẫu cá phân tích, hàm lượng kim loại nặng và asen đều thấp hơn tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Y tế. 

"Các mẫu cá đều có hiện tượng biến đổi cấu trúc mô, nhiều mẫu bị dính mang, một số có biểu hiện cháy đầu đuôi - dấu hiệu điển hình của nhiễm độc phenol. Phân tích trầm tích khu vực ven biển bốn tỉnh miền Trung cũng có phenol", ông Lợi cho hay. 

Để chắc chắn hơn, nhóm đã thí nghiệm thử độc tính dịch chiết của mẫu cá chết. Dịch từ cá chết khi phân hủy vào nước tiếp tục làm chết các con cá biển khác. "Nếu cá chết do tảo thì không thể khiến con cá đang sống khác chết được", tiến sĩ Lợi nói và đi đến kết luận nguyên nhân gây cá chết không phải thiên nhiên mà chính là con người, cụ thể phenol và xyanua - hai tác nhân hóa học gây ra tình trạng hải sản chết. 

Thời điểm đó, một vệt nước màu đỏ dài 1,5 km, rộng 10m xuất hiện ở xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình xuất hiện ngày 4/5 và vệt nước màu đỏ sẫm xuất hiện tại khu vực cảng Sơn Dương, Hà Tĩnh ngày 12/5/2016. 

Từ nhận định trên, nhóm thử độc tính với mẫu nước thu được từ vệt nước màu đỏ gạch ở Quảng Bình ngày 4/5, Hà Tĩnh ngày 5/5 và 12/5 cho kết quả tỷ lệ cá chết 80-100% trong 3-30 phút. Đồng thời khi phân tích mẫu nước, hàm lượng sắt trong cặn lơ lửng cao (gần 25%), hydroxit sắt (gần 50%) và chứa phenol. 

Màu nước bất thường không phải là màu của tảo nở hoa hay phù sa mà là dạng keo sắt hấp thụ các độc tố như phenol, xyanua - sản phẩm do hoạt động xả thải của con người gây ra. Phân tích màng dịch nhày bao bọc thân cá trên rạn san hô thu được ở Thừa Thiên - Huế ngày 24/4 cũng thu được hàm lượng sắt cao và có chứa phenol. 

Từ kết luận trên, các nhà khoa học đã tìm ra mối liên kết giữa dòng nước thải chứa axit, sắt từ súc rửa đường ống và dòng nước thải sinh hóa chứa FeSO4 (sắt II sunfat) cùng phenol, xyanua. Chúng tạo thành hệ keo sắt kéo theo các độc tố khi thải ra biển, còn gọi là “ổ độc di động”. Lớp màng nhầy di động này theo chiều của dòng hải lưu từ Hà Tĩnh tới Thừa Thiên - Huế làm cá chết do tắc mang hoặc do tác động của độc tố phenol, xyanua. 

Trong quá trình di chuyển, phenol và xyanua được giải phóng dần và dạng keo có thể lắng xuống đáy. Khi có thủy triều và sóng, lớp keo này bị đẩy lên mặt nước tạo thành vệt màu bất thường như đã thấy ở Quảng Bình và Hà Tĩnh. 

Ngày 1/6, Hội đồng khoa học đã có báo cáo gửi Bộ KH&CN kết luận về nguyên nhân cá chết, đồng thời chuyển cho GS Yasuki Maeda (Trường Đại học tổng hợp Osaka, Nhật Bản), chuyên gia trong lĩnh vực môi trường để nhận xét phản biện. 

Ngày 4/6, GS Yasuki Maeda gửi bản nhận xét và đánh giá cao về tính khoa học của báo cáo cũng như kết luận trong báo cáo. Nhờ đó, Việt Nam có cơ sở khoa học định hướng tìm thủ phạm gây ra sự cố môi trường này.

Có thể bạn quan tâm:

> Đáp án đề thi tốt nghiệp THPT môn Vật lý 2016

Lê Vy (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news