Tin mới

Nóng: Top 8 sự kiện nổi bật nhất năm 2017

Thứ ba, 19/12/2017, 09:43 (GMT+7)

Thời điểm cuối năm là lúc thích hợp nhất để chúng ta điểm lại các vấn đề lớn xảy ra trong vòng 12 tháng vừa qua. 

Thời điểm cuối năm là lúc thích hợp nhất để chúng ta điểm lại các vấn đề lớn xảy ra trong vòng 12 tháng vừa qua. 

1. Tổ chức thành công APEC 2017 giúp làm sâu sắc hơn quan hệ với đối tác. 

Các nhà Lãnh đạo kinh tế APEC chụp ảnh kỷ niệm chung. Ảnh: Dân Trí

Theo đó, Hội nghị Cấp cao lần thứ 25 Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC 25) diễn ra vào ngày 11/11 tại Đà Nẵng, Việt Nam là sự kiện quan trọng nhất  trong Tuần lễ Cấp cao APEC. "Hội nghị lần thứ 25 các nhà lãnh đạo kinh tế APEC vừa kết thúc tốt đẹp”, đó là khẳng định của Chủ tịch nước Trần Đại Quang trong buổi họp báo quốc tế, thông báo kết quả Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 25 vào chiều ngày 11/11.

Hội nghị đã thông qua Tuyên bố Đà Nẵng “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”.

2. Một năm "lò nóng củi tươi cũng phải cháy" của Tổng Bí thư:

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Vietnamnet

Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong năm 2017 đọng lại nhiều ấn tượng gắn liền với câu nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng "Lò đã nóng, củi tươi cho vào cũng cháy". 

Cụ thể trong năm 2017, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận đặc biệt quan tâm như vụ Hà Văn Thắm; giai đoạn 2 Phạm Công Danh, Huỳnh Thị Huyền Như; các vụ án liên quan đến PVC; đẩy nhanh tiến độ thanh tra, kiểm toán, xử lý cac dự án đầu tư thua lỗ, kéo dài. 

Ngày 17/4, trong cuộc họp Thường trực Ban chỉ đạo TƯ về phòng, chống tham nhũng, Tổng bí thư đã chỉ đạo tập trung lực lượng truy bắt, dẫn độ Trịnh Xuân Thanh về nước phục vụ điều tra và xử lý vụ án.

Ngày 31/7, Trịnh Xuân Thanh đã đến Trực ban hình sự Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đầu thú. 

Cùng ngày, phát biểu tại phiên họp thứ 12 của Ban chỉ đạo TƯ về phòng chống tham nhũng, Tổng Bí thư nói: "Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu".

3. Đại án 2017: Những kỷ lục chưa từng có

- Vụ Hà Văn Thắm và đồng phạm: 727 người được triệu tậpTrong phiên tòa diễn ra từ 28/8 đến 29/9 đầy gay cấn với những lời khai bất ngờ của bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (SN 1962, nguyên Tổng giám đốc Oceanbank), để rồi từ đó, có thêm người phải tra tay vào còng.

Cũng trong phiên xét xử, bị cáo Hà Văn Thắm đã xin tha cho đồng phạm "Bị cáo xin hưởng tội cao nhất để HĐXX xem xét cho các đồng nghiệp mà tha cho họ".

HĐXX đã tuyên phạt Nguyễn Xuân Sơn mức án tử hình, Hà Văn Thắm tù chung thân. Sau phiên xử sơ thẩm, Nguyễn Xuân Sơn, Hà Văn Thắm và 29 đồng phạm đã gửi đơn kháng cáo.

- Vụ ĐBQH Châu Thị Chu Nga lừa đảo: 220 đơn kháng cáo:Ngày 2/10, cựu ĐBQH Châu Thị Chu Nga - nguyên Chủ tịch HĐQT công ty Housing Group) cùng đồng phạm bị đưa ra xét xử tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bị cáo buộc đã dùng thông tin sai sự thật về dự án B5 Cầu Diễn để lừa của hàng trăm khách hàng hơn 348 tỷ đồng, cựu ĐBQH vẫn một mực: "Tôi chỉ mong muốn được triển khai dự án để đảm bảo quyền lợi cho các khách hàng".

Về phía các bị hại, đa phần đều mong được nhận nhà thay vì bồi thường thiệt hại.

HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Châu Thị Chu Nga mức án tù chung thân; các bị cáo khác từ 36 tháng tù treo đến  6 năm tù giam. Sau bản án sơ thẩm, có 220 đơn kháng cáo - đây là con số kỷ lục tại TAND TP Hà Nội.

- Vụ án Giang Kim Đạt: Tháng 2/2017 và tháng 8/2017, Giang Kim Đạt - nguyên Trưởng phòng kinh doanh  Vinashinlines) cùng đồng phạm bị đưa ra xét xử sơ thẩm và phúc thẩm.

Bị cáo cuộc tham ô và rửa số tiền hàng trăm tỷ đồng, bố con Giang Kim Đạt luôn tìm cách chối tội. Ông Giang Kim Hiển (bố Giang Kim Đạt) lớn tiếng: "Tôi không bao giờ giáo dục con lấy tiền Nhà nước".

HĐXX cấp phúc thẩm tuyên y án tử hình với Giang Văn Đạt vì tội tham ô tài sản và dành 12 năm tù cho ông Giang Văn Hiển vì tội rửa tiền.

4. Trận lũ lịch sử: hơn 120 người thiệt mạng do bão lũ

Năm 2017 được đánh dấu bằng 2 cơn bão lớn trực tiếp đổ bộ vào đất liền gây thiệt hại lớn về người và của.  Cơn bão số 10 (Doksuri) và bão số 12 (Damrey) đã khiến ít nhất 120 người thiệt mạng. 

Trận lũ lịch sử trong năm 2017 đã khiến ít nhất 120 người thiệt mạng. Ảnh: Vietnamnet

Sáng ngày 15/9, bão số 10 đổ bộ vào khu vực Bắc Trung Bộ mà trọng tâm là tỉnh Hà Tĩnh với sức gió mạnh cấp 12giật cấp 15 khiến 2 người chết, 82 người bị thương, gần 100.000 ngôi nhà bị hư hỏng, tốc mái. Ước tính tổng thiệt hại gần 7.000 tỷ đồng.

Cũng với cường độ tương tự, cơn bão số 13 hoành hành tại 8 tỉnh khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên sáng 4/11, trọng tâm là Khánh Hoà - Phú Yên. Damrey là bão mạnh nhất từ trước đến nay đổ bộ vào Nha Trang.

123 người đã chết và mất tích, hơn 150.000 ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng, thiệt hại gần 15.000 tỷ đồng.

Ban Chỉ đạo TƯ về Phòng chống thiên tai nhận định "Nhiều cấp chính quyền địa phương và người dân còn chủ quan, chưa quyết liệt và không có kinh nghiệm trong ứng phó với bão lớn".

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 12, tình trạng mưa lớn diễn ra hơn 1 tuần ở các tỉnh vùng Trung và Nam Trung Bộ, khiến khu vực này tái lập lũ lịch sử đúng thời điểm Việt Nam tổ chức Tuần lễ cấp cao APEC.Có nơi lượng mưa đo được gần 2.000mm, kỷ lục từ trước tới nay, gây ngập sâu cho nhiều tỉnh như Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định...

Theo đánh giá của bà Phạm Thị Thanh Trà - Bí thư tỉnh ủy Yên Bái "Đây là trận lũ ống chưa từng có trong lịch sử xảy ra tại Mù Cang Chải".

Năm 2017, khu vực vùng núi phía Bắc cũng hứng lũ quét lịch sử, đặc biệt trận lũ quét vào rạng sáng ngày 3/8 tại Mù Cang Chải (Yên Bái) và Sơn La khiến 9 người chết, 24 người mất tích.

Tình trạng mưa lớn dồn dập đã gây mưa lụt cho nhiều tỉnh từ Hoà Bình, Thanh Hoá, Ninh Bình, đặc biệt gây vỡ đê Bùi ở Chương Mỹ (Hà Nội) vào sáng 12/10 khiến hơn 200 nhà dân chìm trong nước lũ.

Lần đầu tiên trong lịch sử, chỉ trong vòng 16,5 giờ hồ Hòa Bình đã phải liên tiếp mở tới 8 cửa xả đáy. Cũng trong ngày 12/10, tại xóm Khanh, xã Phú Cường, huyện Tân Lạc (Hòa Bình) đã xảy ra vụ sạt lở nghiêm trọng khiến 18 người dân bị vùi lấp. 

5. Những ca khúc đi cùng thời gian bỗng bị soi việc cấp phép:

Có thể nói năm vừa qua đối với ngành biểu diễn nước nhà là một bản nhạc trầm buồn khi nhiều vụ lùm xùm không đáng có liên quan đến việc cấp phép một số ca khúc khiến dư luận bất bình. 

Một trong số đó là việc Cục NTBD tiến hành cấp phép cho cả những ca khúc quen thuộc như "Quốc ca".

Ngày 16/12/2016, Sở Văn hóa - Thông tin TP HCM gửi công văn lên Cục NTBD về việc xem xét lại nội dung một số ca khúc sáng tác trước 1975. Tháng 3/2017, Cục NTBD ban hành quyết định thu hồi 5 bài hát sáng tác trước năm 1975 bao gồm: Cánh thiệp đầu xuân (Lê Dinh – Minh Kỳ), Rừng xưa (Lam Phương), Chuyện buồn ngày xuân (Lam Phương), Đừng gọi anh bằng chú (Diên An), Con đường xưa em đi (Châu Kỳ – Hồ Đình Phương). Trước phản ứng của dư luận, ngày 14/4/2017, 5 ca khúc nói trên lại được lưu hành bình thường.

Cũng trong tháng 4/2017, ca khúc Nối vòng tay lớn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn phải được Cục NTBD "cấp phép phổ biến" mới được biểu diễn vào đêm nhạc tri ân nhạc sĩ này ngày 21/4.  

Chính điều này khiến dư luận hết sức bất bình. 

Cục NTBD tiếp tục công bố phổ biến hơn 300 bài trên website lẫn lộn vào danh sách các bài hát đã được “cấp phép phổ biến” trong đó nhiều bài hát quen thuộc như Tiến quân ca (Văn Cao), Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng (Phạm Tuyên)…Ngày 22/5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo Bộ VHTTDL rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động biểu diễn nghệ thuật, đề xuất sửa đổi phù hợp với yêu cầu phát triển. Ngày 29/5, ông Nguyễn Đăng Chương bị thôi chức Cục trưởng Cục NTBD.

Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng - Ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội bày tỏ "Tiến Quân Ca là tài sản quốc gia. Khoản 3 điều 13 Hiến pháp 2013 quy định rất rõ quốc ca Việt Nam là nhạc và lời bài Tiến Quân ca. Vậy thì còn phải cần cấp phép nữa hay sao? Ai cho ông quyền cấp phép cái này? Quốc hội, Chính phủ có cho cấp phép không? Đây là tài sản quốc gia được công nhận. Đây là vi phạm pháp luật chứ không còn là lạm quyền nữa". 

6. Ồn ào chuyện thu phí BOT:

Năm vừa qua, câu chuyện về BOT chưa bao giờ nóng, thu hút sự quan tâm của dư luận.

Các tài xế đã phản ứng gay gắt khi cho rằng trạm thu phí đã đặt sai vị trí, yêu cầu di dời dẫn đến căng thẳng, buộc BOT Cai Lậy phải xả trạm liên tục. 

Cụ thể, BOT Cai Lậy đã chính thức thu phí từ ngày 1/8.

Sau 2 tuần hoạt động, ngày 15/8, các tài xế cho rằng trạm thu phí đặt trên quốc lộ 1 là không hợp lý, mức thu phí quá cao nên phản đối bằng cách đưa tiền lẻ, gây kẹt xe, buộc chủ đầu tư phải nhiều lần xả trạm.
Ngày 16/8, Bộ GTVT đã họp, thống nhất giảm giá vé qua trạm BOT Cai Lậy. 

Tuy nhiên, các tài xế cho rằng, việc giảm giá vé này chưa thoả đáng, phải dời trạm thu phí vào tuyến tránh.

Ngày 17/8, trả lời báo chí về khả có thể phải di dời trạm thu phí, ông Lưu Văn Hào, Phó chủ tịch HĐQT Công ty Đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang nói: "Nếu phải thực hiện thì nhiều khả năng phá vỡ phương án tài chính. Khi đó chúng tôi sẽ trả dự án cho Nhà nước, lấy lại tiền để đi chỗ khác cho đỡ đau đầu”.

Tuy nhiên ngay sau đó vị này vẫn khẳng định: "Chúng tôi chẳng bao giờ muốn di dời".

Ngày 30/11, BOT Cai Lậy bắt đầu thu phí trở lại sau hơn 3 tháng xả trạm. 

Tuy nhiên, điều này cũng lại vấp phải sự phản đối của các tài xế. Để đối phó với tình trạng này, chủ đầu tư bố trí làn xe riêng. Ngoài ra cũng bố trí dàn xe cẩu chờ sẵn để kéo những ô tô cố tình gây ùn tắc. Lực lượng CSGT, cảnh sát trật tự, cảnh sát 113 cũng có mặt hỗ trợ.

Tuy nhiên, các tài xế phản ứng dữ dội, dùng các chiến thuật như “25-1”, "quên đem tiền", không mua vé… khiến BOT Cai Lậy phải xả trạm liên tục.

Chiều 30/12, hai tài xế Nguyễn Minh Trung và Trịnh Hồng Phương bị công an trấn áp về trụ sở làm việc và sau đó được ra về.

BOT Cai Lậy những ngày sau đó liên tục xả trạm và thu phí trở lại. 

Trước tình hình nóng của BOT Cai Lậy, tối ngày 4/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định dừng thu phí 1-2 tháng dự án này, yêu cầu Bộ trưởng GTVT có báo cáo toàn diện, đề xuất phương án trình Chính phủ quyết định.

7. "Nóng" vì biến cố vụ Đồng Tâm:

Nói đến những kiện đáng chú ý trong năm 2017 không thể không kể đến vụ Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, Hà Nội). 

Khởi nguồn từ việc tranh chấp đất đai kéo dài trong nhiều năm và trở thành điểm nóng khi những người dân tại xã Đồng Tâm cho rằng hàng chục ha đất đồng Sênh được quyết định giao cho Tập đoàn Viettel thực hiện dự án là đất nông nghiệp của xã chứ không phải đất quốc phòng.

Ngày 15/4, Công an Hà Nội bắt 4 công dân Đồng Tâm để điều tra vụ án gây rối trật tự công cộng tại xã. Trong lúc giằng co, cụ Lê Đình Kình (82 tuổi) bị gãy xương đùi phải nhập viện để phẫu thuật.

Một số công dân xã Đồng Tâm đã giữ trái phép 38 người gồm cán bộ huyện Mỹ Đức và cán bộ, chiến sĩ công an tại Nhà văn hóa thôn Hoành.

Ngày 18/4, người dân thả 15 cảnh sát cơ động, 3 người tự giải thoát.

Chiều 20/4, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung về UBND huyện Mỹ Đức để đối thoại với người dân Đồng Tâm song người dân không đến.

Cùng ngày, Thanh tra TP Hà Nội quyết định thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng và quá trình xử lý từ trước tới nay đối với diện tích đất khu sân bay Miếu Môn.

Đến sáng 21/4, người dân thôn Hoành thả thêm ông Đặng Văn Cảnh - Trưởng ban Tuyên giáo huyện Mỹ Đức.

Ngày 22/4, ông Nguyễn Đức Chung về UBND xã Đồng Tâm đối thoại trực tiếp với người dân. Ghi nhận 21 vấn đề bức xúc của bà con và hứa sẽ chỉ đạo giải quyết công tâm nhất. Sau đó ông Chung tới Nhà văn hóa thôn Hoành. Sau gần 2 giờ làm việc, toàn bộ 19 chiến sĩ được trở về nhà.

Ngày 13/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự xảy ra tại xã Đồng Tâm, để điều tra về 2 tội danh: "Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật" và "Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản".

Ngày 7/7, Thanh tra TP Hà Nội đã công bố dự thảo kết luận thanh tra và khẳng định khống có diện tích 59 ha đất nông nghiệp ở Đồng Sênh. 

Tháng 10, Cơ quan CSĐT Công an Hà Nội đã có thư kêu gọi các cá nhân liên quan vụ hủy hoại tài sản, bắt giữ người trái pháp luật tại thôn Hoành ra đầu thú.

Theo như kết luận kiểm tra của Huyện ủy Mỹ Đức, Bí thư Đảng ủy xã Đồng Tâm Nguyễn Thị Lan bị khai trừ Đảng, 5 cán bộ khác bị kỷ luật cảnh cáo, khiển trách.

Liên quan đến vụ việc, trong buổi tiếp xúc với cử tri các quận 1,2,3 tại TPHCM vào ngày 26/4, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định "Chúng ta cũng không đồng tình với việc gây áp lực bằng cách giữ cán bộ. Nhưng chúng ta phải rút kinh nghiệm việc này. Phải đối thoại, trao đổi với người dân để tạo sự đồng thuận". 

8. Tai biến chạy thận ở Hòa Bình khiến 8 bệnh nhân tử vong:

Sáng ngày 29/5, 18 bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại BVĐK Hòa Bình có dấu hiệu khó thở, buồn nôn, đau bụng chỉ sau 45 phút lọc máu. 

Trong ngày, 7 bệnh nhân đã tử vong khiến dư luận xôn xao. Ngoài ra, 10 bệnh nhân cũng đã được chuyển viện ngay trong đêm. Trường hợp thứ 8 tử vong vào rạng sáng ngày 4/6. 

Theo đánh giá của Bộ Y tế, đây là tai biến y khoa đặc biệt nghiêm trọng và lần đầu xảy ra tại cơ sở chạy thận. 

Liên quan đến vụ việc, ngày 30/5, Công an Hòa Bình đã tiến hành khởi tố vụ án. 
Đến ngày 22/6, Công an tỉnh khởi tố bị can , bắt tạm giam 3 đối tượng: Bùi Mạnh Quốc, 31 tuổi; Trần Văn Sơn, 27 tuổi và BS Hoàng Công Lương, 31 tuổi.

Trong đó Bùi Mạnh Quốc, Giám đốc công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh bị khởi tố tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp theo điều 99 bộ luật Hình sự; Trần Văn Sơn, cán bộ Phòng Vật tư - trang thiết bị y tế, BV đa khoa tỉnh Hòa Bình bị khởi tố về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

BS Hoàng Công Lương bị khởi tố do vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ khác. Dù chưa nhận được bàn giao việc sửa chữa bằng văn bản nhưng vẫn cho bệnh nhân chạy thận.

Theo kết luận của cơ quan điều tra, công ty Thiên Sơn (Cầu Gấy, Hà Nội) ký hợp đồng với BV để sửa chữa hệ thống lọc nước RO số 2 vào ngày 25/5. Ngay trong ngày, công ty này bán tháo hợp đồng lại cho công ty Trâm Anh có ngành kinh doanh thoát nước và xử lý nước thải.

Sáng 28/5, Quốc đến thay thế vật liệu lọc, sục rửa hệ thống đường ống cấp nước cho vào máy chạy thận bằng Axít clohydric (HCL) và Axít Flohydric (HF) – đây là hoá chất cực độc, tuyệt đối không dùng trong y tế. Do cẩu thả nên sau khi sục rửa, Quốc đã quên xả 2 đầu vào máy làm tồn dư hóa chất trong các đường ống nước dẫn vào máy lọc thận.

Kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự cho thấy, mẫu nước cấp vào máy lọc thận số 10 và số 13 có hàm lượng Florua cao gấp 245 và 260 lần mức cho phép.

Bộ Y tế và Hội Hồi sức - cấp cứu và chống độc VN đã có kiến nghị gửi cơ quan công an, xem xét thay đổi biện pháp ngăn chặn với BS Lương, cho rằng lỗi của BS Lương không phải nguyên nhân trực tiếp dẫn đến chết người mà chỉ vi phạm thủ tục hành chính.
Ngày 5/7, BS Lương được tại ngoại.

Ngày 9/8, Sở Y tế tỉnh Hoà Bình ra quyết định cách chức với ông Trương Quý Dương, Giám đốc BV đa khoa tỉnh Hoà Bình.

Sau 6 tháng xảy ra tai biến, gia đình 8 nạn nhân và BV đã 3 lần đối thoại về mức bồi thường song đến nay sự việc vẫn chưa ngã ngũ. 

Hồng Hạnh (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news