Tin mới

TP. HCM sẽ phải sơ tán 500.000 dân nếu có bão từ cấp 8 đổ bộ

Thứ ba, 14/08/2018, 18:56 (GMT+7)

Nếu bão cấp 8 đổ bộ vào TP. HCM, hơn 500.000 dân sẽ phải sơ tán, trong đó quận 8 di dời nhiều nhất với gần 87.000 người.\n 

Nếu bão cấp 8 đổ bộ vào TP. HCM, hơn 500.000 dân sẽ phải sơ tán, trong đó quận 8 di dời nhiều nhất với gần 87.000 người.

Ngày 14/8, Dân Trí đưa tin, theo phương án phòng, tránh ứng phó bão của UBND TP. HCM khi có bão mạnh cấp 8-9 (62-88 km/h) khoảng 106.326 hộ với 500.000 người sẽ phải sơ tán. Riêng ở huyện Cần Giờ sẽ có 1.243 hộ với 4.400 người. Việc sơ tán dân phải hoàn thành trước 12 giờ so với thời điểm dự báo bão đổ bộ trực tiếp.

Người dân TP. HCM sơ tán tránh bão Damrey cuối năm 2017. (Ảnh: Pháp Luật Việt Nam)

Nếu bão cấp 10-13 (89-149 km/h) đổ bộ trực tiếp vào TP. HCM, số người phải sơ tán tại 24 quận – huyện dự kiến khoảng 108.140 hộ với trên 506.000 người.

Trong đó, huyện Cần Giờ sẽ phải sơ tán 2.318 hộ với 8.315 người. Huyện Nhà Bè sẽ phải sơ tán các hộ dân sống ven kênh, sông, rạch có khả năng ảnh hưởng nước dâng do bão, gồm các xã Phú Xuân, Long Thới, Hiệp Phước, tổng cộng 2.239 hộ với hơn 11.350 người. Các xã, thị trấn còn lại tổng cộng di dời, sơ tán hơn 2.860 hộ với hơn 9.000 người. Các địa phương sẽ phải hoàn thành sơ tán dân trước 24 giờ.

Cách đây 3 năm, UBND TP. HCM cũng đã xây dựng phương án chống bão. Vào thời điểm đó, khi bão mạnh cấp 10-13 sắp đổ bộ trực tiếp vào TP. HCM số người dân phải di dời chỉ là 250.000 người nhưng hiện tại đã tăng lên gấp đôi.

Bão Tempin từng đe dọa đi vào Nam Bộ cuối năm 2017. (Ảnh: Trung tâm khí tượng và thủy văn trung ương)

Khu vực Nam Bộ hiếm khi đón bão nhưng khi bão đổ bộ thường gây thiệt hại lớn, dù có thể không phải là bão có cường độ mạnh.

Theo VnExpress, gần đây nhất, cơn bão Pakhar đã đổ bộ vào TP. HCM ngày 1/4/2012. Dù không gây thiệt hại về người nhưng cơn bão này đã gây ra nhiều thiệt hại về tài sản như: Gần 500 căn nhà đổ sập và tốc mái, hơn 400 cây xanh đổ, 11 ghe tàu chìm, 85 hệ thống đường điện bị hư hỏng (thiệt hại 2,6 tỷ đồng). Ngoài ra, toàn TP. có 8 điểm ngập có độ sâu 30-50 cm. Khi đi qua Đồng Nai và Ninh Thuận, bão Pakhar làm 2 người chết, tàn phá hàng nghìn căn nhà, hàng trăm cây xanh bị đổ…

2/11/1997, bão số 5 có tên Linda quét qua vùng ven biển Nam Bộ và đổ bộ vào Cà Mau – Kiên Giang với sức gió mạnh cấp 9-10, làm gần 3.000 người chết và mất tích, hàng chục nghìn tàu thuyền bị đắm.

Trang Vũ (Tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news