Tin mới

Trả lương cho lớp trưởng là phản giáo dục?

Thứ hai, 09/02/2015, 15:00 (GMT+7)

“Trả lương cho lớp trưởng là biện pháp không có tính giáo dục nếu không muốn nói là phản giáo dục”, GS Văn Như Cương chia sẻ ý kiến trước “sáng kiến” trả lương cho lớp trưởng mới được áp dụng ở một trường THPT ở Tiền Giang nói. 

“Trả lương cho lớp trưởng là biện pháp không có tính giáo dục nếu không muốn nói là phản giáo dục”, GS Văn Như Cương chia sẻ ý kiến trước “sáng kiến” trả lương cho lớp trưởng mới được áp dụng ở một trường THPT ở Tiền Giang nói. 

Trao đổi trên Tuổi Trẻ, bà Cao Châu Thanh Thủy, Hiệu trưởng Trường THPT Long Bình (tỉnh Tiền Giang) cho biết, chủ trương hỗ trợ vật chất cho lớp trưởng (còn gọi là “trả lương”) của trường đã chính thức được thực hiện từ tháng 1/2015. Theo đó, nhà trường không chi tiền mặt cho các em mà giảm trực tiếp 50% học phí và 50% tiền học thêm tại trường. Chỉ riêng học kỳ II năm học này, tổng số tiền chi “trả lương” cho 42 lớp trưởng khoảng 10 triệu đồng. 

Người đề xuất “trả lương” cho lớp trưởng là thầy Lê Minh Hoàng (giáo viên chủ nhiệm lớp 8/5). 

Trả lương cho lớp trưởng là phản giáo dục?

Trả lương cho lớp trưởng là phản giáo dục?. Ảnh: Tuổi trẻ

Cụ thể, trong cuộc họp hội đồng sư phạm nhà trường vào tháng 12/2014, thầy Hoàng đã nêu đề xuất này và nói rõ mức chi. Khi đó tập thể giáo viên đã thảo luận sôi nổi và 100% tán thành đề xuất này, đồng thời đề nghị ban giám hiệu cho thực hiện ngay từ đầu học kỳ II. 

Nói về cách làm của trường THPT Long Bình, bà Trần Thị Quý Mão, phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang đánh giá, đây là một cách làm hay, rất sáng tạo. 

“Đúng là vai trò của lớp trưởng hiện nay rất nặng và nhiều áp lực. Việc ghi nhận bằng hành động cụ thể như vậy sẽ có tác dụng động viên các em làm tốt hơn nữa trách nhiệm của mình vì nhiệm vụ giáo dục chung của trường. Tôi rất xúc động khi biết ban giám hiệu nhà trường đã trích tiền bồi dưỡng của mình để chi hỗ trợ lại cho các lớp trưởng. Trong các hội nghị hay họp với các địa phương, tôi sẽ giới thiệu mô hình này để trường nào có điều kiện thì học tập làm theo”, bà Quý Mão nói. 

Tuy nhiên, nhiều giáo viên, hiệu trưởng lại cho rằng, cách làm đó là không nên, thậm chí phản giáo dục, gây đố kỵ, làm hư học sinh. 

Ông Nguyễn Quang Minh, giáo viên Trường THPT Nguyễn Công Trứ, TP.HCM cho rằng, việc trả lương này không phù hợp trong môi trường sư phạm, làm tình cảm thầy - trò (giáo viên chủ nhiệm - lớp trưởng) phai nhạt ít nhiều. 

“Trả lương tức là có lương mới làm, trả lương tức là giao trách nhiệm và bắt các lớp trưởng phải chịu trách nhiệm về những công việc mình làm. Chẳng lẽ khi các em làm không tốt thì la “lãnh lương mà làm không nên thân””, ông Minh nói. 

Đồng ý kiến, TS Nguyễn Thị Quy, nguyên phó viện trưởng Viện nghiên cứu giáo dục ĐH Sư phạm TP.HCM cũng cho rằng việc trả lương cho lớp trưởng, đặc biệt lớp trưởng lại có quyền hành như giám thị, giáo viên thì không nên. Bởi việc này gây áp lực cho những em làm lớp trưởng và làm lu mờ hình ảnh người giáo viên. 

“Các em đi học để tiếp thu kiến thức, rèn luyện đạo đức, kỹ năng là nhiệm vụ chính, chứ giao các em theo dõi các bạn sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến thời gian học tập của các em. 

Vô hình trung sẽ tạo khoảng cách giữa lớp trưởng với các bạn trong lớp, xóa bỏ sự hòa đồng giữa các thành viên trong lớp. Lớp trưởng đứng ở vị trí cao hơn các học sinh khác sẽ gây bất bình đẳng giữa các học sinh và môi trường thân thiện không còn nữa. 

Việc trả lương cho lớp trưởng là việc làm phản giáo dục vì sẽ tạo tâm lý không tốt cho các em lớp trưởng ngay từ tuổi học trò: các em làm nhiệm vụ không vì tự nguyện, không vì việc chung mà vì được quyền lợi; e rằng sẽ tạo thành thói quen không tốt: làm gì cũng phải có lợi cho mình mới làm”, bà Quy phân tích. 

​GS Văn Như Cương cũng chia sẻ sự băn khoăn khi đọc bài viết về một “sáng kiến” chuyện trả "lương" cho lớp trưởng và dự định nhân rộng cách làm này ở Tiền Giang. 

Theo GS Văn Như Cương chức vụ “lớp trưởng” trong một lớp học sinh (thậm chí trong lớp sinh viên đại học) hoàn toàn không giống với chức vụ “thủ trưởng” của một tổ chức, một cơ quan nào đó. Lớp trưởng cũng là học sinh, nhiệm vụ chính là học tập và rèn luyện. 

“Trả lương cho lớp trưởng là biện pháp không có tính giáo dục nếu không muốn nói là phản giáo dục. Dăm trăm ngàn đồng đới với các em học sinh không phải là chuyện nhỏ. Sẽ xuất hiện tâm lí muốn làm lớp trưởng, tranh nhau làm lớp trưởng và do đó (cũng giống như người lớn) cố tình hạ bệ lớp trưởng đương chức. 

Làm lớp trưởng cũng là một trải nghiệm cần có, sẽ giúp ích ra bước vào đời. Bởi vậy nên luân phiên các em làm lớp trưởng để có nhiều em được trải nghiệm, được thử thách. Không nên để một em làm lớp trưởng quá nhiều năm”, GS Cương chia sẻ ý kiến và mong rằng các nhà lãnh đạo nên cân nhắc câu chuyện không hề nhỏ này. 

H.Minh (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news