Tin mới

Trái Đất có thể đối mặt nguy cơ nhiệt độ cao kỷ lục trong 1,2 triệu năm qua

Thứ năm, 09/08/2018, 15:32 (GMT+7)

Các nhà khoa học cảnh báo rằng, Trái Đất đang đối mặt với nguy cơ nóng chưa từng có, trong khi mực nước biển có thể dâng lên cao 60 m.

Các nhà khoa học cảnh báo rằng, Trái Đất đang đối mặt với nguy cơ nóng chưa từng có, trong khi mực nước biển có thể dâng lên cao 60 m.

Mùa hè năm 2018, nhiều quốc gia phải trải qua khoảng thời gian khắc nghiệt khi sóng nhiệt liên tục tăng cao, xảy ra nhiều vụ cháy rừng khủng khiếp, theo Independent. Nghiên cứu mới đây cảnh báo, tình trạng này có thể tồi tệ hơn trong tương lai.

Nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Phục hồi Stockholm (SRC) cho biết, ngay cả khi giảm ô nhiễm từ nhiên liệu hóa thạch, Trái Đất vẫn bị ảnh hưởng bởi các hoạt động khác.

Cháy rừng ở California thiêu trụi hàng nghìn ha. (Ảnh: CUNA)

Hiện tại, mức nhiệt toàn cầu đã tăng 1 độ C và hành tinh này sẽ tiếp tục nóng lên với tốc độ tăng 0,17 độ/thập kỷ. Từng đợt nối tiếp nhau như vậy “có thể sẽ đưa Trái Đất sang một trạng thái mới”, ông Hans Joachim Schellnhuber – giám đốc Viện Nghiên cứu Tác động Khí hậu Potsdam – dự báo.

Các chuyên gia lo ngại rằng, một lượng khí cacbonic (CO2) khổng lồ sẽ lan ra bầu khí quyển nếu nhiệt độ Trái Đất tăng khoảng 2 độ C.

“Khí hậu sẽ nóng hơn 4-5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp như Thỏa thuận Paris và mực nước biển dâng cao 10-60 m so với hiện nay”, các nhà khoa học nhận định hôm 6/8. Khi đó, hành tinh của chúng ta sẽ rơi vào tình trạng “Nhà kính Trái Đất khổng lồ”, với nhiệt độ cao nhất trong vòng 1,2 triệu năm qua.

Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. (Ảnh: AFP)

Giáo sư Johan Rockstrom – Giám đốc Điều hành trung tâm nghiên cứu SRC (Thụy Điển) cho biết: “Chúng tôi muốn nói rằng khi nhiệt độ toàn cầu tăng 2 độ C, Trái Đất sẽ rơi vào tình trạng không kiểm soát”.

Theo bà Katherine Richardson tại Đại học Đan Mạch Copenhagen: “Sự thay đổi khí hậu cho thấy con người đang tác động đến Trái Đất ở quy mô toàn cầu. Điều này có nghĩa là chúng ta có thể kiểm soát mối quan hệ với môi trường để thay đổi các điều kiện thời tiết trong tương lai”.

Cháy rừng nghiêm trọng ở Hy Lạp. (Ảnh: Reuters)

Nếu không kiểm soát được hiện tượng nhà kính, việc này sẽ gây nguy hiểm tới nhiều người. Băng tan dẫn đến nước biển dâng cao đột ngột làm ngập lụt vùng ven biển, bão hoành hành khắp nơi gây ảnh hưởng tới hàng trăm triệu người.

Cảnh báo trên được đưa ra trong lúc nắng nóng kinh hoàng đang hoành hành tại châu Âu và nhiều nơi trên thế giới. Nắng nóng dẫn đến cháy rừng ở Hy Lạp, Tây Ban Nha, Mỹ… và làm tan chảy sông băng trên dãy núi Kebnekaise, Thụy Điển.

Tảng băng khổng lồ đe dọa ngôi làng ở Greenland. (Ảnh: CNN)

Vì vậy, con người phải thay đổi lối sống để có thể trở thành những chủ nhân tốt hơn của hành tinh xanh.

Các quốc gia cần thay thế nguồn nhiên liệu hóa thạch bằng các nguồn năng lượng không thải khí nhà kính hoặc chỉ thải ra một lượng thấp. Chúng ta cũng cần nghĩ ra các biện pháp để hấp thụ lượng khí carbonic thải ra.

Trang Vũ (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news