Tin mới

Tranh luận gay gắt phản bác xây cầu đi bộ triệu đô tại Đà Nẵng

Thứ tư, 09/04/2014, 08:12 (GMT+7)

(Tinmoi.vn) Tại hội nghị lấy ý kiến phản biện cho công trình kiến trúc lần đầu tiên trên địa bàn do Ủy ban MTTQ VN TP Đà Nẵng tổ chức sáng 8-4, nhiều ý kiến cho rằng Đà Nẵng chưa nên xây cầu đi bộ hình vỏ sò bắc qua sông Hàn trị giá hàng chục triệu đô.\n>> Đà Nẵng: 30 triệu USD xây dựng cầu đi bộ qua sông Hàn>> 30 triệu USD xây cầu đi bộ “vỏ sò” qua sông Hàn

(Tinmoi.vn) Tại hội nghị lấy ý kiến phản biện cho công trình kiến trúc lần đầu tiên trên địa bàn do Ủy ban MTTQ VN TP Đà Nẵng tổ chức sáng 8-4, nhiều ý kiến cho rằng Đà Nẵng chưa nên xây cầu đi bộ hình vỏ sò bắc qua sông Hàn trị giá hàng chục triệu đô.

 

Ngày 8/4, Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng tổ chức hội nghị lấy ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia về dự án cầu đi bộ hình vỏ sò bắc qua sông Hàn, đoạn từ đầu đường Đống Đa (quận Hải Châu) sang đường Trần Hưng Đạo (quận Sơn Trà).

Trước đó, ngày 11/1/2013, UBND TP Đà Nẵng có thông báo kết luận của Chủ tịch thành phố Văn Hữu Chiến về việc đồng ý chọn phương án vỏ sò do công ty cổ phần Tập đoàn Mặt trời làm chủ đầu tư với kinh phí khoảng 30 triệu USD (tương đương 630 tỷ đồng) theo hình thức xây dựng chuyển giao (BT).

Tranh luận gay gắt phản bác xây cầu đi bộ triệu đô tại Đà Nẵng

Mô hình cầu đi bộ vỏ sò bắc qua sông Hàn.

Theo thiết kế, cầu có chiều rộng 10,5 m; tĩnh thông thuyền ngang 50 m, cao 7 m và chiều cao mặt cầu so với cao độ nền bờ dọc sông Hàn là 12 m. Chiều cao từ bản mặt cầu đến đỉnh mái từ 7 đến 10 m với chức năng che mưa nắng. Tại các vị trí có mái che bố trí ghế ngồi ngắm cảnh.

Khung vòm được làm bằng thép, vật liệu che phủ bằng Panel kính và nhựa, diện tích giữa các mái vòm là 60 m. Cầu sẽ có khu đảo ở giữa sông với diện tích 600 đến 750 m2, sức chứa khoảng dưới 500 người; có khu công viên ngắm cảnh, ẩm thực nhẹ, tổ chức sự kiện; khu vực thư giãn với cây xanh và dịch vụ giải trí.

Chức năng chính của cầu đi bộ này là kết nối khu vực thương mại dịch vụ ở bờ Đông và Tây sông Hàn, phục vụ người đi xe đạp và đi bộ, tạo điểm dừng chân cho người dân ngắm cảnh, thưởng lãm pháo hoa quốc tế… Công trình dự kiến sẽ là biểu tượng du lịch và kiến trúc độc đáo của Đà Nẵng và không lặp với kiến trúc của các cây cầu hiện có.

Tuy nhiên tại hội nghị, các chuyên gia cho rằng việc làm thêm một cây cầu qua sông Hàn tạo điểm nhấn cho Đà Nẵng là cần thiết nhưng hiện tại thành phố đang có cầu quay, cầu Rồng, Trần Thị Lý… đảm bảo phục vụ khách tham quan du lịch. Nên việc xây dựng thêm cầu vỏ sò chưa cần thiết khi ngân sách thành phố đang gặp khó khăn.

Theo Phó chủ tịch Hội Cầu đường Đà Nẵng Trần Dân, cây cầu vỏ sò này vẫn còn những nhược điểm nhất định khi lực cản gió còn lớn, khó tránh khỏi nguy cơ cầu bị lật khi địa phương thường xuyên gánh chịu những trận bão lớn. "Thành phố cần có cuộc thi kiến trúc rộng rãi trong cả nước và quốc tế để chọn phương án tốt nhất", ông kiến nghị.

KTS Phan Đức Hải - Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng - đặt câu hỏi việc bỏ ra hàng triệu USD làm cầu đi bộ liệu có lãng phí khi tất cả các cầu hiện hữu của Đà Nẵng vẫn đảm bảo chức năng giao thông cũng như tham quan du lịch. Theo đó, nếu TP xác định xây cầu để thu hút du lịch bằng phương thức đổi đất lấy hạ tầng thì hiệu quả kinh tế sẽ không cao.

"Trên thế giới người ta có làm nhưng đó là chuyện của nhà giàu. Các quốc gia phát triển đầu tư cầu đi bộ để phục vụ phúc lợi xã hội, trong khi chúng ta kinh tế khó khăn, đang suy thoái mà đầu tư như vậy liệu có thành gánh nặng cho ngân sách? Việc đầu tư xây dựng cầu đi bộ chưa cần thiết vào lúc này. Không nên đồng nhất xã hội hóa với kêu gọi đầu tư ứng vốn”, KTS Hải khẳng định.
Đại diện Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Đà Nẵng lo ngại với thiết kế cầu hình vỏ sò, lực cản của gió, hệ số chắn gió rất lớn, thiếu an toàn vào mùa mưa lũ trong khi Đà Nẵng có bão giật cấp 15.

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đình An đặt vấn đề khi trên cầu có khu giải trí, âm nhạc, đi bộ... thì lượng người có trên cầu tối đa là bao nhiêu bởi thực tế nhiều nước đã có tình trạng chen lấn, giẫm đạp lên nhau. Thứ nữa, khi xem pháo hoa, người dân có được lên cầu xem hay không, quản lý như thế nào...

Ông An nói thêm: “Hiện có nơi giáo viên phải chui vào túi nilông qua suối vì không có cầu. Không ai cấm chúng ta xây dựng cầu đẹp, hiện đại, nhưng trong hoàn cảnh hiện nay nên chăng ứng xử có văn hóa và đồng cảm hơn, chưa nên làm những việc gây phản cảm”.

Đại biểu khác thì cho rằng trong khi điều kiện kinh tế, ngân sách của TP hiện còn hạn hẹp, nợ đầu tư cơ bản lớn, nợ 1.500 tỉ đồng trái phiếu phải trả… trong khi nhu cầu cấp thiết cần đầu tư cho dự án văn hóa như sửa chữa nâng cấp Thư viện Đà Nẵng, Bảo tàng Chăm, công viên… hiện đang rất cần thì nên để 5-7 năm nữa, khi hội tụ đủ các yếu tố hãy triển khai.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn - phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - đánh giá cao việc lấy ý kiến phản biện của Ủy ban MTTQ TP về công trình cầu đi bộ bởi các ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia có vai trò rất quan trọng. TP sẽ nghiêm túc ghi nhận xem xét các ý kiến đưa vào nghiên cứu trong quá trình thực hiện dự án.

Hoàng Anh

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news