Tin mới

Trẻ thứ 3 tử vong sau tiêm ComBE FIVE, Bộ Y tế ra công văn khẩn

Thứ hai, 14/01/2019, 16:23 (GMT+7)

Sau khi xảy ra sự cố 3 trẻ em tử vong sau tiêm vaccine mới chuyển đổi ComBE FIVE (vaccine 5 trong 1), Bộ Y tế đã có công điện gửi các sở y tế tỉnh thành, thành phố trực thuộc Trung ương về tăng cường công tác tiêm chủng an toàn và hiệu quả.

Sau khi xảy ra sự cố 3 trẻ em tử vong sau tiêm vaccine mới chuyển đổi ComBE FIVE (vaccine 5 trong 1), Bộ Y tế đã có công điện gửi các sở y tế tỉnh thành, thành phố trực thuộc Trung ương về tăng cường công tác tiêm chủng an toàn và hiệu quả.

Khác với văcxin Quinvaxem (theo dõi 30 phút sau tiêm), phản ứng sau tiêm văcxin ComBE Five đến muộn hơn, nhiều trẻ sốt muộn. Gia đình cần theo dõi trẻ kỹ 1-2 ngày sau tiêm, đặc biệt là nếu trẻ có các triệu chứng như khó thở, sốt cao, co giật, nổi vân tím trên da, li bì… thì cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất.

Nội dung công văn nêu rõ: Từ khi Bộ Y tế có quyết định sử dụng vaccine ComBE FIVE thay thế vaccine Quinvaxem trong tiêm chủng mở rộng , đến ngày 9/1/2019, đã có 28 tỉnh, thành triển khai tiêm vaccine này. Số trẻ được tiêm là 131.171 trẻ.

Theo báo cáo, ngoài những phản ứng thông thường như trẻ sốt nhẹ, sưng đau nhẹ tại chỗ tiêm, khó chịu, quấy khóc cũng đã ghi nhận một số trường hợp sốt cao, quấy khóc kéo dài, co giật ở một số địa phương, tỷ lệ khoảng 0,05%. Tuy nhiên các trường hợp này đều đã ổn định sau khi được cán bộ y tế theo dõi, điều trị.

Mặc dù tỷ lệ các phản ứng trên nằm trong thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, song để bảo đảm tiêm chủng an toàn, đạt tỷ lệ cao, Bộ Y tế yêu cầu Giám đốc Sở Y tế chỉ đạo, tổ chức tập huấn ngay cho cán bộ y tế của các cơ sở tiêm chủng cũng như cán bộ y tế tuyến huyện chưa được tập huấn hoặc đã được tập huấn nhưng chưa thuần thục về khám sàng lọc, đặc biệt xử trí cấp cứu phản ứng sau tiêm chủng. Đồng thời chỉ những cơ sở tiêm chủng có cán bộ y tế đã được tập huấn và có kỹ năng về xử trí, cấp cứu sau tiêm chủng mới được tiến hành tiêm chủng. Yêu cầu tất cả các cơ sở phải có phác đồ xử trí phản vệ và được treo tại điểm tiêm chủng.

Sở Y tế các tỉnh, thành phố cần nhanh chóng cử cán bộ có trình độ chuyên môn từ tuyến trên tăng cường cho các Trạm Y tế xã, phường trong việc khám sàng lọc, cấp cứu và xử trí sau tiêm chủng. Đặc biệt là những Trạm không có bác sĩ hoặc những xã, phường khó khăn.

Bên cạnh đó, cần tư vấn cho các bà mẹ biết cách theo dõi trẻ sau tiêm chủng, phát hiện các triệu chứng của trẻ như sốt cao, quấy khóc kéo dài, co giật, sưng đau tại chỗ tiêm... để đưa trẻ đến ngay bệnh viện gần nhất để được khám, xử trí cũng như cấp cứu kịp thời.

Ngoài ra, tăng cường công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về lợi ích của việc tiêm chủng phòng bệnh; Những phản ứng có thể gặp sau khi tiêm và cách theo dõi, chăm sóc, xử trí khi trẻ có dấu hiệu bất thường sau tiêm chủng. 

Trước đó, vào ngày 9/1, tại trạm y tế xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất xảy ra trường hợp 1 bé tiêm vaccine ComBE FIVE mũi 1 về nhà sốt được chuyển vào bệnh viện cấp cứu.

Người nhà cho biết sau khi tiêm về nhà bé bị sốt. Rạng sáng hôm sau, bé có biểu hiện bất thường, chảy máu mũi. Gia đình đưa bé đến trạm y tế xã cấp cứu, rồi chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Thạch Thất. Tuy nhiên, các bác sĩ không thể cứu được bé.

Đây là trường hợp tử vong thứ 3 sau khi Bộ Y tế triển khai tiêm vaccine ComBE FIVE trên diện rộng (trước đó, đã có 2 bé tử vong 1-2 ngày sau buổi tiêm ngày 25/12/2018 tại Nam Định).

Theo phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh, em bé kể trên được tiêm văcxin lúc gần 9h sáng 9/1, chiều bé sốt và gia đình có sử dụng thuốc hạ sốt cho bé. Đến đêm cùng ngày bé có biểu hiện li bì nhưng gia đình lại tưởng bé ổn hơn. Sáng 10-1 khi bé đã suy hô hấp, trào bọt hồng ở mũi, gia đình đưa đi cấp cứu nhưng bé đã tử vong.

Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế đã thị sát tình hình tiêm vắcxin ComBE Five tại 2 trạm y tế xã Phú Nghĩa và Ngọc Hòa của huyện Chương Mỹ, Hà Nội.

Tại đây, Bộ trưởng Tiến cho rằng, trẻ sinh ra phải được tiêm chủng, không tiêm thì sẽ bị bệnh và nguy cơ tử vong cao. "Tất cả các loại vắcxin kể cả thuốc điều trị đã tiêm vào người thì chắc chắn có tỷ lệ phản ứng từ nhẹ cho đến nặng. Nhưng vẫn phải tiêm vì xác suất để cứu sống người rất nhiều so với tỷ lệ tai biến. Đó là nguyên tắc của y học và chúng ta phải vận dụng", Bộ trưởng Tiến khẳng định.

Trước tình hình triển khai các vắc xin mới, Văn phòng Dự án Tiêm chủng mở rộng Quốc gia vừa thông báo sẽ chính thức sử dụng số điện thoại hotline: 0981480480 để giải đáp thắc mắc, tư vấn và cung cấp thông tin về tiêm chủng mở rộng.

Theo đó, số điện thoại đường dây nóng 0981480480 sẽ hoạt động tất cả các ngày trong tuần. Các gia đình và cộng đồng có thể gọi bất cứ lúc nào nếu có thắc mắc hay cần tư vấn các vấn đề liên quan đến tiêm chủng mở rộng.

Đức Hoà (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news