Tin mới

Triển lãm cải cách ruộng đất: Vẫn còn một khoảng trống của lịch sử

Thứ ba, 09/09/2014, 08:35 (GMT+7)

Với lịch sử, hơn 60 năm mới có thể tổ chức một cuộc trưng bày về công cuộc cải cách ruộng đất cũng được xem là hơi muộn. Và sẽ còn muộn hơn nếu quần chúng không có được cái nhìn công bằng về lịch sử.

Với lịch sử, hơn 60 năm mới có thể tổ chức một cuộc trưng bày về công cuộc cải cách ruộng đất cũng được xem là hơi muộn. Và sẽ còn muộn hơn nếu quần chúng không có được cái nhìn công bằng về lịch sử.

Triển lãm “60 năm Cải cách ruộng đất 1946-1957” khai mạc sáng 8/9 tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (số 25 Tông Đản, Hà Nội) được các nhà tổ chức kỳ vọng làm “đông đảo tầng lớp nhân dân, đặc biệt thế hệ trẻ nhận thức đúng hơn về cuộc cách mạng ruộng đất trong tiến trình cách mạng giải phóng dân tộc ở nước ta”.

150 hiện vật, tư liệu gốc, ảnh tư liệu lịch sử về cải cách ruộng đất được giới thiệu tại triển lãm đã tái hiện lại một thời kỳ cách mạng ruộng đất trong lịch sử của đất nước. Nội dung của triển lãm được chia thành nhiều phần: Tình hình ruộng đất trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945; đời sống địa chủ phong kiến và nông dân trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945; chủ trương của Đảng, Chính phủ về cải cách ruộng đất; cải cách ruộng đất; sửa chữa sai lầm và một số bài học kinh nghiệm... để người xem có cái nhìn tổng thể về một giai đoạn lịch sử đặc biệt của dân tộc.

Theo Tiến sĩ sử học Trần Hùng, kể từ sau công cuộc cải cách ruộng đất tại các vùng nông thôn Bắc bộ, đây là lần đầu tiên xuất hiện một triển lãm về vấn đề nhạy cảm này. Là một người từng sống trong thời kỳ thực hiện cải cách ruộng đất của dân tộc, ông cho rằng triển lãm đã đáp ứng được mong đợi của quần chúng nhân dân từ khá lâu.

TS. Hùng chia sẻ, Từ trước tới nay, chúng ta kể về những câu chuyện cải cách trong một giai đoạn lịch sử dân tộc với thái độ rất dè chừng vì ngoài những thành tựu đạt được, quá trình thực hiện công cuộc này cũng kéo theo nhiều nước mắt với những chủ đề vô cùng nhạy cảm đối với thời cuộc lúc đó. “Và một chủ đề mang tính nhạy cảm đã được hiện thực hóa tại triển lãm này thông qua 150 hiện vật, tư liệu, hình ảnh quý được trưng bày là một điều đáng quý, đáng trân trọng” – TS Hùng cho biết.

"Trong quá trình cải cách, đã xuất hiện những sai lầm không đáng có nhưng chính quyền đã dũng cảm thừa nhận khuyết điểm và sửa sai" -Ông Thâu cho biết

Chia sẻ sau khi tham dự triển lãm, ông Nguyễn Đăng Thâu (71 tuổi, cán bộ hưu trí, ở Lạc Trung, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, cuộc trưng bày cải cách ruộng đất có ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Toàn bộ các hiện vật được giới thiệu đã giúp tái hiện lại một thời kỳ lịch sử quan trọng của đất nước. Tuy số lượng hiện vật chưa nhiều và chưa phản ánh được đầy đủ, toàn diện công cuộc cải cách ruộng đất từ 1946 đến năm 1957, tuy nhiên, triển lãm đã mang đến cho người xem những hiểu biết bổ ích về một giai đoạn đặc biệt của lịch sử dân tộc.

Theo chia sẻ của ông Thâu, qua các tư liệu, hiện vật, đặc biệt là những tư liệu phản ánh về đời sống sinh hoạt của người nông dân trước và sau khi tiến hành cải cách ruộng đất, ông như được sống lại với những ký ức trong những năm tháng đó. Còn riêng về chủ đề “sai lầm và sữa chữa sai lầm” tại triển lãm, ông cho rằng đấy chỉ là một phần của cả quá trình. Chủ trương của cải cách ruộng đất hoàn toàn đúng đắn trong giai đoạn lịch sử thời kỳ đó, với phương châm giành ruộng đất về tay dân cày, lấy của người giàu chia cho người nghèo…Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, có những sai lầm không đáng có và chính quyền đã dũng cảm thừa nhận khuyết điểm và cố gắng khắc phục, sửa sai.

“Triển lãm đã đáp ứng được mong mỏi từ lâu của những người ở thế hệ chúng tôi và cũng có ý nghĩa đặc biệt đối với lớp trẻ, những người trưởng thành sau giai đoạn này” – ông Thâu chia sẻ.

Bà Hoàng Thị Mai (63 tuổi, nguyên cán bộ Bộ Công nghiệp thực phẩm, hiện trú tại Từ Liêm, Hà Nội) cho hay, khi biết thông tin về cuộc triển lãm này, bà rất háo hức vì lần đầu tiên xuất hiện một triển lãm với chủ đề đặc biệt: Cải cách ruộng đất.

Theo bà Mai, những hiện vật được trưng bày, giới thiệu tại triển lãm rất đáng quý và mang nhiều ý nghĩa

Đến với triển lãm, bà Mai đánh giá, tất cả những hiện vật được trưng bày, giới thiệu đều rất ý nghĩa. Đây đều là những tư liệu quý giá về một giai đoạn của lịch sử dân tộc. “Và mặc dù có nhiều đánh giá về tính chưa toàn diện của triển lãm nhưng theo tôi, quần chúng có cơ hội được tiếp cận những tư liệu này đã là một điều đáng quý, đáng trân trọng” – bà Mai cho hay.

Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến tán thành, ủng hộ vẫn xuất hiện một số ý kiến cho rằng, triển lãm này chưa tiếp cận được thực tế lịch sử. Triển lãm lần này mới chủ yếu giới thiệu về ‘thành tựu”; còn nội dung “sai lầm và sữa chữa sai lầm” vẫn còn rất khiêm nhường.

Theo Nhiếp ảnh gia Phạm Xuân Thành (50 tuổi, ở phố Hàng Phèn), thành tựu của cải cách ruộng đất đã được lịch sử ghi nhận. Tuy nhiên, thành tựu của công tác sửa sai cũng nên được đề cập, để quần chúng có cái nhìn toàn diện hơn về một chặng đường trong tiến trình cách mạng của dân tộc. Toàn bộ không gian trưng bày của triển lãm đều ngập tràn hình ảnh, tư liệu về thành tựu. Còn về chủ đề “Sai lầm và sửa chữa sai lầm” chỉ xuất hiện duy nhất một bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác sửa chữa sai lầm trong cải cách ruộng đất tháng 12-1957 cùng vài văn bản như nghị quyết, thông tư...

Anh Thành nhấn mạnh, so với các nội dung như chủ trương và công tác thực hiện cải cách ruộng đất thì chủ đề sai lầm và sửa chữa sai lầm còn quá nhạt nhòa.

Nhiếp ảnh gia Phạm Xuân Thành

Cùng quan điểm với anh Thành, bác Trần Lân (sinh năm 1961, từng công tác ở Bộ Thủy lợi, hiện trú tại) cho rằng, trong quá trình thực hiện công cuộc cải cách, có một chuyện gây xúc động mạnh nhất đối với dư luận. Đó là hình ảnh Hồ Chủ tịch cầm khăn lau nước mắt khi thừa nhận những sai lầm trong cải cách ruộng đất. Đấy được xem là hình ảnh vô cùng đắt giá vì đó là minh chứng của việc người cộng sản biết dũng cảm thừa nhận sai lầm, khuyết điểm và tìm cách sửa chữa những sai lầm. Tuy nhiên, tại triển lãm này, hình ảnh ấy không được giới thiệu và những thông tin về sai lầm và sửa chữa sai lầm còn hạn chế so với các nội dung trưng bày khác. Chính vì sự “khuyết thiếu” này mà triển lãm chưa bao quát được toàn bộ nội dung của công cuộc cải cách ruộng đất.

“Tôi rất hy vọng những yếu tố thiếu sót, chưa toàn diện của triển lãm có thể sẽ được hoàn thiện đầy đủ hơn ở những cuộc triển lãm sau, vào một thời điểm thích hợp” – bác Lân bày tỏ./.

Theo  Vũ Đậu (Người đưa tin)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news