Tin mới

Triều Tiên: Đồng minh thành "kẻ bị lừa" trong kịch bản TQ, đến cái gai trong mắt Mỹ-Trung

Chủ nhật, 30/04/2017, 08:09 (GMT+7)

Liệu có xảy ra cuộc chiến giữa Mỹ và Triều Tiên hay không là câu hỏi mà dư luận các nước trong khu vực và cả thế giới đang đặt ra.

Liệu có xảy ra cuộc chiến giữa Mỹ và Triều Tiên hay không là câu hỏi mà dư luận các nước trong khu vực và cả thế giới đang đặt ra.

Mâu thuẫn trên bán đảo không phải hiện nay mới nổi lên mà đã âm ỉ từ lâu. Đâu là giải pháp cho vấn đề hạt nhân ?

Triều Tiên dần quay lưng với Trung Quốc

Ngược lại dòng lịch sử cho thấy vấn đề bán đảo Triều Tiên là di chứng của Thế chiến II, tiếp đó lại là di chứng của thời kỳ Chiến tranh Lạnh để lại. Một số di chứng khác đã được giải quyết, còn lại vấn đề bán đảo.

Di chứng này vẫn thường nổi lên trong những thời kỳ khác nhau, như năm 1950 nổ ra cuộc Chiến tranh Triều Tiên. Bán đảo bị chia cắt thành hai miền bằng "Hiệp định đình chiến" được ký kết ngày 27/7/1953 tại Pan Mun Chon, giữa một bên là Triều Tiên và Trung Quốc với một bên là Hàn Quốc và Mỹ.

Trong 64 năm qua, tuy có hòa bình nhưng di chứng này vẫn thường tái phát, những cuộc xung đột vũ trang cục bộ trên Khu vực giới tuyến Nam–Bắc bán đảo thường bùng phát. Sự đối đầu dẫn tới những mối đe dọa và nguy cơ chiến tranh. Đến nay, vấn đề nổi cộm là sự hiện diện của vũ khí hạt nhân.

Sau chiến tranh, kinh tế Triều Tiên phụ thuộc tới 90% vào sự giúp đỡ và viện trợ của Trung Quốc. Nhưng tới thời kỳ cuối đời của Chủ tịch Kim Jong Il thì sợi dây liên hệ hai nước bắt đầu lung lay, nên biện pháp duy nhất để bảo vệ thành quả trên là sức mạnh quân sự, trong đó phát triển và sở hữu vũ khí hạt nhân.

Đây được coi là một công cụ quan trọng đảm bảo giữ vững được thành quả này. Yêu cầu đòi Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân cũng đồng nghĩa với việc tước bỏ công cụ tự vệ và bảo vệ lợi ích tối thượng của mình. Đó là điều Triều Tiên không thể chấp nhận.

Triều Tiên: Đồng minh thành kẻ bị lừa trong kịch bản TQ, đến cái gai trong mắt Mỹ-Trung - Ảnh 1.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il (trái) bắt tay Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae Jung tại Bình Nhưỡng, ngày 13/6/2000 (Ảnh: Reuters)

Mỹ-Trung đã có "mẫu số chung" về lợi ích

Đối với Trung Quốc, lợi ích lớn nhất sau Chiến tranh Triều Tiên kết thúc là tạo ra khu đệm chiến lược trước Mỹ và đồng minh. Bắc Kinh ra sức viện trợ và giúp Triều Tiên về kinh tế nhằm củng cố "tấm lá chắn" này.

Nhưng kể từ năm 1979 khi hai nước Trung-Mỹ lập quan hệ ngoại giao, tiếp đó năm 1992 khi Trung Quốc lập quan hệ ngoại giao với Hàn Quốc, nhất là sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc thì tình hình thay đổi to lớn.

Vai trò khu đệm và tấm lá chắn của Triều Tiên đối với Trung Quốc giảm đi rõ rệt, trong khi lợi ích của Trung Quốc với Mỹ, Hàn bị tổn hại do Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân. Điều này buộc Trung Quốc thay đổi Chính sách, thậm chí có ý định từ bỏ chiếc "ba lô Triều Tiên" đang đè nặng lên mình.

Tuy nhiên, Triều Tiên vẫn là "đòn bẩy" để Trung Quốc gây sức ép với Mỹ, nhất là vấn đề Đài Loan và hợp tác kinh tế. Bởi vậy, dư luận cho rằng đối với Trung Quốc thì Triều Tiên hiện nay trong tình trạng "bỏ thương vương tội".

Láng giềng sở hữu vũ khí hạt nhân là mối đe dọa không những đối với Mỹ mà ngay cả Trung Quốc, nhất là quan hệ hai nước hiện nay đang xấu đi, thậm chí có nguy cơ trở thành thù địch và đối đầu.

Nếu Hàn Quốc và Nhật Bản cũng yêu cầu phát triển vũ khí hạt nhân để tự vệ thì nguy cơ đối với Trung Quốc ngày càng tăng lên.

Đối với Mỹ, khi Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân đã đe dọa lợi ích an ninh của các đồng minh như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, trong đó có quân Mỹ đóng ở Hàn Quốc và Nhật Bản. Ngoài ra, vũ khí hạt nhân của Triều Tiên còn đe dọa các căn cứ của Mỹ ở Thái Bình Dương cũng như an toàn trong giao thông đường biển.

Ngoài ra, Mỹ lo ngại việc Triều Tiên phát triển và sở hữu vũ khí hạt nhân cũng là nhân tố khuyên khích Nhật Bản và Hàn Quốc phát triển vũ khí hạt nhân, đây là điều Mỹ không mong muốn, vì như vậy chiếc ô bảo hộ của Mỹ sẽ giảm sút tác dụng.

Triều Tiên: Đồng minh thành kẻ bị lừa trong kịch bản TQ, đến cái gai trong mắt Mỹ-Trung - Ảnh 2.

Các giải pháp đối thoại đang không đi đến kết quả, và Triều Tiên tiếp tục phóng tên lửa, thử hạt nhân để gìn giữ lợi ích quốc gia (ảnh: KCNA)

Hàn Quốc-Triều Tiên cố gắng tự giải quyết nhưng bất thành

Trong suốt thời gian qua, cộng đồng quốc tế cũng như nội bộ hai nước Triều Tiên và Hàn Quốc, các nước có liên quan đã ra sức tìm kiếm các giải pháp, nhưng tới nay chưa có một giải pháp nào đáp ứng và dung hòa được lợi ích mà các bên có thể chấp nhận.

Khi nhậm chức (25/2/1998), Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae Jung đã đưa ra "Chính sách ánh dương" mang tính hòa dịu và hòa giải dân tộc với Triều Tiên. Ông chủ động thăm Triều Tiên và gặp thượng đỉnh giữa hai miền (13/6 – 15/6/2000) sau hơn nửa thế kỷ chia cắt. Chủ tịch Kim Jong Il cũng tiến hành chuyến thăm đáp lễ.

Hàn Quốc đã tiến hành giúp đỡ, viện trợ Triều Tiên phát triển kinh tế, như lập Khu công nghiệp ở Kim Gang, tiếp đó lập khu công nghiệp Kaesong (năm 2002). Chủ trương cơ bản của giải pháp này là "người của bán đảo tự giải quyết với nhau", gạt Mỹ và Trung Quốc ra ngoài. Nhưng rốt cuộc bị Mỹ chặn lại khi ông thăm Mỹ vào tháng 3/2001.

Bởi lẽ, nó không phù hợp với lợi ích của Mỹ. Khu công nghiệp Kaesong liên tiếp bị cản trở và rốt cuộc bị đóng cửa tháng 2/2017.

Bà Park Geun Hye khi trở thành Tổng thống thứ 18 (tháng 12/2012) cũng tìm giải pháp thông qua con đường hợp tác kinh tế buôn bán với Trung Quốc, dần xa rời quan hệ đồng minh với Mỹ để hợp tác với Trung Quốc giải quyết vấn đề bán đảo.

Phía Trung Quốc ra sức ủng hộ, thậm chí tháng 9/2015 coi bà là thượng khách, dành quy cách đón tiếp ngang Tổng thống Nga Vladimir Putin tại lễ kỷ niệm 70 năm thắng lợi trong Thế chiến II.

Nhưng rốt cuộc bà bị hạ bệ mà một trong những nguyên nhân là trái với lợi ích của Mỹ và Hàn Quốc, trong khi quan hệ Trung-Hàn căng thẳng trở lại từ khi Seoul chấp thuận triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ.

Mỹ-Trung giằng co để "gạt" nhau

Mỹ dã tìm kiếm kênh đối thoại trực tiếp với Triều Tiên để giải quyết vấn đề, như tháng 6/1994 Tổng thống Bill Clinton cử cựu Tổng thống Jimmy Carter tới Bình Nhưỡng gặp gỡ lãnh tụ Kim Nhật Thành, tiếp đó ông Clinton lại có chuyến công du vào tháng 4/1999.

Hai bên đã đạt được một số thỏa thuận tích cực, nhưng vào năm 2002 khi Tổng thống George Bush lên nắm quyền đã hủy bỏ đối thoại này và liệt Triều Tiên vào danh sách "bảo trợ khủng bố".

Tháng 4/2011, Tổng thống Barack Obama cử ông Carter đi Bình Nhưỡng nhưng không kết quả.

Kể từ đó tới nay, hai bên có một số cuộc tiếp xúc ở cấp Thứ trưởng, như Thứ trưởng ngoại giao Triều Tiên Kim Kye Gwan đã tới New York ngày 26/7/2012 gặp gỡ các quan chức Mỹ thảo luận khả năng nối lại hòa đàm, nhưng không thu được kết quả nào.

Triều Tiên: Đồng minh thành kẻ bị lừa trong kịch bản TQ, đến cái gai trong mắt Mỹ-Trung - Ảnh 3.
 
Trong chuyến thăm Trung Quốc cuối cùng vào tháng 5/2011, lãnh đạo Kim Jong Il của Triều Tiên có đưa ra yêu cầu với lãnh đạo Trung Quốc là Triều Tiên muốn đàm phán trực tiếp để hòa hoãn với Mỹ, tạo môi trường an ninh xung quanh được cải thiện tốt hơn, nhưng đã bị Bắc Kinh phản đối, vì nó không phù hợp với lợi ích của Trung Quốc.

Triều Tiên cảm thấy bị lừa trong kịch bản của Trung Quốc

Kênh đối thoại "Đàm phán 6 bên" là kịch bản của Trung Quốc muốn dùng các nước ép Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán, để Trung Quốc có thể mặc cả với Mỹ về kinh tế và vấn đề Đài Loan.

Lúc đầu là "Đàm phán 4 bên", một bên là CHDCND Triều Tiên và Trung Quốc với một bên là Hàn Quốc và Mỹ, nhưng không kết quả. Tiếp đó là "Đàm phán 6 bên" bắt đầu từ tháng 8/2003 tại Bắc Kinh giữa một bên là Triều Tiên, Trung Quốc, Nga với một bên là Hàn Quốc, Mỹ và Nhật.

Ngày 19/9/2005, các bên ký được thỏa thuận trong đó phía Triều Tiên đồng ý ngừng phát triển và thử vũ khí hạt nhân, đồng thời chấp nhận sự giám sát quốc tế. Đổi lại các nước trước tiên là Hàn Quốc, Nhật Bản cung cấp viện trợ cho Triều Tiên, trong 60 ngày cung cấp khẩn cấp 50.000 tấn dầu thô.

Nhưng Triều Tiên đã nhanh chóng phát hiện là mình bị sa bẫy. Viện trợ chưa thấy đâu, thậm chí các nước dây dưa trong khi đó Bình Nhưỡng bị tước bỏ công cụ có hiệu quả để bảo vệ đất nước.

Bởi vậy, Triều Tiên liên tiếp thử tên lửa tầm xa và vũ khí hạt nhân, như bắn tên lửa tháng 7/2006, nên đã bị Liên Hợp Quốc ra Nghị quyết số 1718 lên án và trừng phạt, trong đó Trung Quốc cũng tham gia. Tháng 4/2009 Triều Tiên tuyên bố rút khỏi "Đàm phán 6 bên".

Nhân kỉ niệm 10 năm 6 bên ký kết Tuyên bố chung (9/2005 – 9/2015), Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho rằng Tuyên bố chung 2005 "vẫn còn nguyên giá trị" và bày tỏ lập trường phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Nhưng dư luận cho rằng "Đàm phán 6 bên" đã đi vào dĩ vãng.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news