Tin mới

Trung Quốc dọa tạm đóng cửa khẩu: Chỉ là chiêu "tung hỏa mù"?!

Thứ tư, 23/07/2014, 10:44 (GMT+7)

Việc Trung Quốc tung tin đóng các cửa khẩu kinh tế mà theo nhiều chuyên gia đó chỉ là "tin vịt". Đây có thể là thủ đoạn cố tình gây tâm lý hoang mang, tạo căng thẳng mới.

Việc Trung Quốc tung tin đóng các cửa khẩu kinh tế mà theo nhiều chuyên gia đó chỉ là "tin vịt". Đây có thể là thủ đoạn cố tình gây tâm lý hoang mang, tạo căng thẳng mới. 

 

Việc Trung Quốc tăng cường các hoạt động xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam bất chấp vi phạm luật pháp quốc tế đang bị Việt Nam, cộng đồng Quốc tế lên án mạnh mẽ. Trung Quốc ỷ thế siêu cường mới nổi, tìm mọi cách để hăm dọa Việt Nam bằng nhiều chiêu bài khác nhau trong đó có những chiêu bài liên quan đến lĩnh vực kinh tế.

Cửa khẩu nói đóng... không dễ?

Câu chuyện đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin, Trung Quốc có thể tạm đóng một số cửa khẩu với Việt Nam những ngày vừa qua đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Trong bối cảnh tình hình Biển Đông căng thẳng và Trung Quốc đang cố tìm mọi thủ đoạn để ép Việt Nam "chấp nhận thực tế" phi lý về việc Trung Quốc cố tình thay đổi hiện trạng trên Biển Đông, đặc biệt là việc hạ đặt giàn khoan Haiyang Shiyou-981 trong vùng biển đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam thì dư luận cho rằng, đây có thể là bước đi tiếp theo của Trung Quốc nhằm gây căng thẳng với Việt Nam.

Sau khi thông tin này được đăng tải, nhiều chuyên gia kinh tế đã có quan điểm cho rằng, thông tin trên chỉ là "tin vịt", việc cố tình hăm dọa đóng cửa khẩu chỉ là chiêu bài theo kiểu tung tin gây sức ép, "đòn tung hoả mù" của Trung Quốc. Theo đó, sở dĩ  phía Trung Quốc tung tin này vì họ hiểu rằng, việc xuất khẩu nông sản và hoa quả của Việt Nam vào thị trường nước này rất quan trọng với Việt Nam. Và, nếu việc đóng cửa khẩu là sự thật thì đó một sự ảnh hưởng lớn đối với hàng hóa nông sản của Việt Nam. Bản chất của việc tung tin trên là chiêu bài nhằm tăng thêm căng thẳng, tạo sức ép của Trung Quốc.

Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật về vấn đề này, nhiều chuyên gia kinh tế đều khẳng định, trước mắt, Trung Quốc chưa thể đóng các cửa khẩu quốc tế. Đứng trên góc nhìn thương mại, thì bản thân Trung Quốc rất cần gạo của Việt Nam. Bởi trong tương lai Trung Quốc dứt khoát sẽ không đủ gạo tiêu dùng. Hơn nữa, Việt Nam là một nguồn cung an toàn và uy tín. Hiện, Trung Quốc có thể mua của Thái Lan  hay ấn Độ trong khi hai nước này chỉ bán chính ngạch. Vậy nên, Trung Quốc chỉ còn lựa chọn mua của Việt Nam. Các chuyên gia đều khẳng định, chắc chắn Trung Quốc vẫn phải nhập các sản phẩm nông sản, lúa gạo của Việt Nam vì Trung Quốc vẫn thiếu các mặt hàng này. Đây là những thế mạnh của Việt Nam và rất thuận lợi để Trung Quốc dễ mua, dễ vận chuyển, giá hợp lý.

PGS. TS. Nguyễn Văn Nam cho rằng, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc là hai bên cùng có lợi, đây là quan hệ thương mại thị trường, không phải quan hệ thương mại theo cơ chế xin - cho. Trung Quốc đóng cửa, họ cũng phải hy sinh lợi ích, không phải chỉ Việt Nam mất đi lợi ích nên việc hạn chế giao thương có thể chỉ ở một số mặt hàng, việc tạm ngừng hoạt động cửa khẩu nếu diễn ra cũng chỉ ở một số cửa khẩu. Với mức độ đụng độ hiện nay trên Biển Đông, chưa đến lúc Trung Quốc áp dụng triệt để vì nhiều sản phẩm nông sản, lúa gạo, đặc biệt như cao su nguyên liệu... Trung Quốc không thể mua ở đâu với giá rẻ hơn và tiện hơn để thay thế Việt Nam. Trung Quốc có thể mua gạo của Thái Lan nhưng vận chuyển xa, giá cao trong khi gạo Việt Nam giá rẻ, vận chuyển gần, chất lượng tương đương.

Đồng quan điểm với ông Nguyễn Văn Nam, TS. Lê Đăng Doanh cũng cho rằng: "Trung Quốc nhập 43% lượng gạo của chúng ta để thấy rằng, không chỉ Việt Nam cần Trung Quốc. Bản thân Trung Quốc rất cần gạo và nhiều nông sản khác để đảm bảo an ninh lương thực. Họ cũng có thể mua ở các nước khác nhưng bài toán kinh tế không đơn giản. Việc Trung Quốc tung tin đóng cửa biên giới nhằm gây áp lực kinh tế chứ bảo đóng là không thể đóng ngay được, nó còn có rất nhiều yếu tố liên quan khác".

Hoạt động kinh tế tại các cửa khẩu Việt - Trung vẫn bình thường (Ảnh: Internet).

Chủ động với mọi phương án

Mổ xẻ các nguyên nhân khiến Trung Quốc không thể đóng cửa khẩu một cách nhanh chóng, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương cho hay: "Hiện nay chúng ta phải nhìn nhận Trung Quốc dưới một số điểm lớn sau đây.

Thứ nhất, Trung Quốc là một quốc gia đang trỗi dậy, lớn đến mức chúng ta không thể không chơi. Thứ hai là nước này tuy lớn nhưng chưa đạt đến đỉnh để đặt luật chơi cho thế giới. Thứ ba là các nước trên thế giới vừa có tâm lý muốn hợp tác với Trung Quốc nhưng cũng rất đề phòng vì tư tưởng cực đoan của nước này. Thực tế hiện nay, quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc là khá sâu rộng. Riêng lĩnh vực thương mại thì nước này chính là đối tác quan trọng.

Thông tin Trung Quốc có thể đóng cửa khẩu với Việt Nam chứng tỏ họ đang gây sức ép một cách mạnh mẽ với chúng ta. Tuy nhiên, việc gây hấn ồ ạt về quan hệ kinh tế là không dễ xảy ra vì mối quan hệ kinh tế giữa hai nước không chỉ đơn thuần có hai bên mà còn là quan hệ với các tập đoàn lớn trên thế giới và lợi ích của các quốc gia khác chứ không riêng Việt Nam".

Nhìn nhận ở chiều ngược lại, ông Võ Trí Thành cũng cho rằng, quan hệ lợi ích kinh tế của Trung Quốc với Việt Nam tuy nhỏ (xét trên tổng kim ngạch xuất nhập khẩu) nhưng không nhỏ (nếu xét tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa các tỉnh biên giới) và hai nước còn bị ràng buộc bởi những cam kết đa phương mà không thể nhất thời phá bỏ ngay được. Cuối cùng, nếu gây hấn với chúng ta bằng sức mạnh kinh tế thì hình ảnh của Trung Quốc càng bất lợi trong mắt các quốc gia và tập đoàn kinh tế - vốn đã có những cảnh giác với nước này trong thời gian gần đây.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành.

Ngoài ra, trước thách thức lớn từ Trung Quốc, ông Võ Trí Thành cũng đánh giá, đây là một thời cơ tốt đối với nước ta để đẩy mạnh nội lực nền kinh tế, đồng thời hội nhập sâu rộng hơn với các nền kinh tế khác ngoài Trung Quốc. Chúng ta một mặt tiếp tục đấu tranh về pháp lý để bảo vệ chủ quyền Biển, Đảo và giữ mối quan hệ kinh tế với nước này nhưng cũng không được quên sự uyển chuyển, sức mạnh của thị trường để tìm hướng đi khác. Thậm chí, việc Trung Quốc gây sức ép còn giúp chúng ta đẩy nhanh ký kết các hiệp định FTA (hiệp định thương mại tự do). Hơn nữa, đây cũng là cơ hội để chúng ta kiểm nghiệm khả năng đối phó với những tình huống xấu có thể xảy ra. Chúng ta cần những cơ chế quản lý nhanh hơn nữa trong điều kiện có những cú sốc kinh tế hoặc phải có ứng xử nhanh chóng và hiệu quả như câu chuyện ở Bình Dương, Đồng Nai vừa qua.

Hàng Việt Nam xuất sang Trung Quốc vẫn tăngTheo số liệu mà GS. Nguyễn Mại cung cấp tại cuộc họp của Phóng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ngày 3/7, thì "kim ngạch xuất khẩu hai chiều giữa Việt Nam  - Trung Quốc năm 2013 là 50 tỉ USD. Nếu tính tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam thì con số này chiếm khoảng 20%, trong khi đối với Trung Quốc chỉ là hơn 1%. Đây là con số chung nhất, còn tính về kim ngạch xuất khẩu giữa Việt Nam và các tỉnh giáp ranh Việt Nam của Trung Quốc như Quảng Đông, Quảng Tây... thì kim ngạch xuất nhập khẩu với Việt Nam vào khoảng 10%. Đây là con số không hề nhỏ nên Trung Quốc chẳng dễ gì cắt đi một khoản kinh doanh có lợi này".

Các mặt hàng nông sản chính vụ của Việt Nam trong thời gian qua vẫn xuất sang Trung Quốc đều, thậm chí, một vài mặt hàng tăng, bởi đang là chính vụ và được mùa. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, vải xuất sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch tăng hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng 10%, vì năm nay được mùa. Gạo và quả thanh long cũng vậy. Các mặt hàng khác như thuỷ sản cũng tăng. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc dọa đóng cửa khẩu của Trung Quốc là cơ hội để Việt Nam hạn chế xuất sản phẩm thô sang Trung Quốc như các loại quặng, sản phẩm liên quan đến ngành công nghiệp chế biến như cao su...

Theo Đời Sống & Pháp Luật

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news