Tin mới

Giàn khoan thứ 2 của Trung Quốc có xâm phạm Trường Sa?

Thứ hai, 30/06/2014, 08:31 (GMT+7)

(Tinmoi.vn) Theo dự đoán của Thiếu tướng Lê Văn Cương, giàn khoan Nam Hải-09 chắc chắn sẽ di chuyển vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.  >>Máy bay quân sự Trung Quốc lượn trên giàn khoan Nam Hải số 9>>Giàn khoan Nam Hải 09 đang ở khu vực ngoài cửa vịnh Bắc Bộ

 

(Tinmoi.vn) Theo dự đoán của Thiếu tướng Lê Văn Cương, giàn khoan Nam Hải-09 chắc chắn sẽ di chuyển vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.  

Nam Hải 09 “chắc chắn sẽ vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam”

Ngày 24/6, Trung Quốc đã bắt đầu vận hành giàn khoan thứ 2 trên Biển Đông trong khi giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou-981) cùng một số lượng lớn tàu hộ tống và máy bay của Trung Quốc vẫn đang hoạt động trái phép trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Theo thông tin từ người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình trong buổi họp báo quốc tế ngày 26/6, khu vực giàn khoan Nam Hải-09 và tàu khảo sát 719 hoạt động thuộc vùng biển ngoài cửa vịnh Bắc bộ chưa được phân định giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Trao đổi với phóng viên, Thiếu tướng Lê Văn Cương khẳng định, việc Trung Quốc đưa giàn khoan Nam Hải-09 hoạt động trong vùng biển chưa phân định là một hành động phi pháp. Đây là động thái mới nhưng bản chất việc làm thì không mới bởi nó nằm trong kế hoạch, âm mưu nhất quán của Trung Quốc: “độc chiếm Biển Đông”.

“Nam Hải 09 là giàn khoan thứ 2 Trung Quốc đưa vào hoạt động trái phép ở Biển Đông nhưng chắc chắn, trong thời gian tới họ sẽ còn kéo nhiều giàn khoan nữa chứ không dừng lại ở con số này. Những hành động này đều nằm trong âm mưu sâu xa, nhất quán không bao giờ thay đổi của Trung Quốc là họ bất chấp luật pháp, đạo lý độc chiếm Biển Đông. Việc chiếm biển Đông này sẽ tiến hành từng bước một theo chiến lược không đánh mà thắng. Việc họ kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế là một bước trong kế hoạch này”, tướng Cương nói.

Trung Quốc sẽ đặt giàn khoan thứ 2 ở đâu?

Giàn khoan Hải Nam 09 mà Trung Quốc vừa mới kéo xuống Biển Đông. Ảnh: Reuters

Cũng theo ông Cương, từ nay đến trung tuần tháng 8, Trung Quốc sẽ kéo giàn khoan Hải Dương 981 đi nhưng rất có thể nó vẫn lửng thửng, quanh quẩn ở trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam chứ không kéo về nước. Hơn nữa, chắc chắn chỗ đặt giàn khoan này không bỏ trống mà họ dùng giàn khoan khác nhỏ hơn, hiệu quả hơn để thay thế cùng với hàng trăm tàu cá hoạt động ở khu vực này để chiếm đoạt một cách phi pháp.

Ông Cương phân tích: “Trung Quốc kéo thêm giàn khoan Nam Hải 09 và nhiều giàn khoan sau nữa là nhằm hiện thực hoá việc chiếm đoạt một cách phi pháp, phi đạo lý vùng biển của Việt Nam. Đây là những hành động cụ thể mới xảy ra còn âm mưu của họ đã có từ lâu và nhất quán không bao giờ thay đổi là “độc chiếm Biển Đông”.

Theo vết dầu loang họ sẽ tiến dần xuống phía Nam để chiếm đoạt vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Trong thời gian trước mắt, Trung Quốc sẽ tiếp tục có những hành động đơn phương gây hấn nhưng theo chiến lược “không đánh mà thắng” nhằm độc chiếm Biển Đông.

Trả lời câu hỏi của phóng viên: "Giàn khoan Nam Hải-09 sẽ di chuyển tới đâu? có khả năng xâm phạm vùng biển Trường Sa?, Thiếu tướng Lê Văn Cương dự đoán: Giàn khoan Nam Hải 09 chắc chắn sẽ di chuyển vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, tiếp tục hành động gây hấn mới. Hành động này vừa nhằm mục đích kinh vừa có cả mục đích an ninh, chính trị. Theo đó, giàn khoan Nam Hải 09 sẽ được cắm ở vị trí có nhiều dầu để phục vụ mục đích khai thác vừa là lấn thêm một bước nữa vào lãnh hải Việt Nam.

Đã đến lúc Việt Nam kiện Trung Quốc?

Trước những động thái mới của Trung Quốc, trong bản tuyên bố phát đi ngày 27/6, Liên đoàn Luật sự Việt Nam đã đề nghị Chính phủ nhanh chóng khởi kiện Trung Quốc ra toà án quốc tế.

Tuy nhiên, theo Thiếu tướng Lê Văn Cương, thời điểm hiện nay chưa phải lúc Việt Nam khởi kiện Trung Quốc ra toàn án quốc tế. Việc khởi kiện cần chuẩn bị hồ sơ đầy đủ, tính thời điểm chín muồi để cầm chắc phần thắng, không thể thấy Philippines kiện, chúng ta cũng nóng vội làm theo.

“Phương thức đấu giải quyết tranh chấp biển đảo, lãnh thổ thường qua 4 nấc thang. Thấp nhất là trao đổi song phương trên nguyên tắc là hợp tác quốc tế, giữ vững hoà bình dù có là đập bàn, đập ghế, nặng lời với nhau. Nấc thang thứ 2 là nhờ đến bên thứ 3 để can thiệp. Hai cách đó không được thì kéo nhau ra toà án. Ra toà án vẫn không được thì phải giải quyết bằng xung đột vũ trang. Việt Nam đang kiên trì nấc thang thứ nhất. Chiến lược này hoàn toàn phù hợp với xu thế, phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam. Phương pháp đấu tranh bằng ngoại giao hoà bình hợp cả tình cả lý”, ông Cương phân tích.

Cũng theo ông Cương, Việt Nam có nhiều cơ sở để duy trì phương pháp đấu tranh bằng ngoại giao, ít nhất là ở thời điểm hiện nay bởi nó hợp cả tình cả lý.

“Thứ nhất, chúng ta vẫn xác định quan hệ Việt Nam – Trung Quốc rất quan trọng. Thứ 2, chúng ta có lòng tin hơn 1,3 tỷ dân Trung Quốc là người tốt, họ cũng nhân hậu như người Việt Nam chẳng qua họ đang bị chính quyền Trung Quốc lừa dối hơn 60 năm nay. Thứ 3, trong điều kiện cộng đồng quốc tế ủng hộ thì chúng ta tận dụng. Hơn nữa, con đường song phương chúng ta chưa sử dụng hết. Vậy chúng ta hãy làm hết những cái đó đã, hết cách rồi mới kéo ra toà án. Khi ra toà thì chúng ta phải cầm chắc phần thắng”, tướng Cương nói thêm.

Hơn nữa, ông Cương cũng cho rằng, trong vấn đề này, Việt Nam với Philippines khác nhau ba điểm. Một là Việt Nam với Trung Quốc là láng giềng, có biên giới chung 1450 km còn Philippines cách Trung Quốc hơn 2000 hải lý. Thứ 2, lịch sử của Phi và Trung Quốc khác lịch sử Việt – Trung 2.500 năm. Thứ 3, Philippines có liên minh song phương với Mỹ ký năm 1951.

“Chúng ta không bỏ qua việc kiện Trung Quốc ra toà án quốc tế nhưng cần phải chuẩn bị thêm và lúc này chưa phải là lúc đã phải khởi kiện. Khi đã kiện thì phải chắc thắng”, ông Cương nhấn mạnh.

Hoàng Minh

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news