Tin mới

Trung Quốc mạnh tay hay lại "giơ cao đánh khẽ" với Triều Tiên

Thứ năm, 07/01/2016, 11:49 (GMT+7)

Hôm 6/1, Triều Tiên tuyên bố đã thử thành công bom nhiệt hạch, động thái khiến nhiều quốc gia lên tiếng chỉ trích. Và điều khiến cộng đồng quốc tế tò mò hiện nay là Bắc Kinh sẽ phản ứng như thế nào về vụ thử nghiệm này.

Hôm 6/1, Triều Tiên tuyên bố đã thử thành công bom nhiệt hạch, động thái khiến nhiều quốc gia lên tiếng chỉ trích. Và điều khiến cộng đồng quốc tế tò mò hiện nay là Bắc Kinh sẽ phản ứng như thế nào về vụ thử nghiệm này.

Theo The Diplomat, trong khi các chuyên gia đang tranh cãi về tuyên bố rằng có một thiết bị nhiệt hạch đã phát nổ, thì thực tế là Triều Tiên từng thử nghiệm một thiết bị hạt nhân kiểu này với hiệu suất tương tự vào tháng 2/2013.

Người dân Triều Tiên theo dõi thông báo về vụ thử nghiệm bom nhiệt hạch hôm 6/1 qua màn hình lớn. Ảnh: KCNA

Câu hỏi đặt ra bây giờ là cộng đồng quốc tế, mà quan trọng nhất là Trung Quốc - đồng minh thân cận và lâu đời của Triều Tiên, đồng thời là thành viên thường trực có quyền phủ quyết tại Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc, sẽ phản ứng như thế nào về vụ thử bom gây xôn xao này của Bình Nhưỡng.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố rõ ràng trong buổi họp báo thường ngày rằng, Bắc Kinh "kịch liệt phản đối" những vụ thử nghiệm hạt nhân.

"Trung Quốc giữ vững quan điểm rằng bán đảo Triều Tiên nên phi hạt nhân hóa và việc phổ biến vũ khí hạt nhân nên được ngăn chặn để đảm bảo hòa bình và ổn định cho khu vực Đông Bắc Á. Chúng tôi mạnh mẽ kêu gọi Triều Tiên tôn trọng cam kết phi hạt nhân và chấm dứt bất cứ hành động nào có thể làm xấu tình hình", bà Hoa nói.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố rằng Bắc Kinh phản đối những vụ thử nghiệm hạt nhân và cũng không hề biết trước vụ thử nghiệm lần này của Bình Nhưỡng. Ảnh: Tân Hoa xã

Bà Hoa cũng nhấn mạnh rằng Trung Quốc không hề biết trước về vụ thử nghiệm hạt nhân mới nhất của Triều Tiên và các chuyên gia vẫn đang tiến hành phân tích để xác minh xem liệu có phải một quả bom nhiệt hạch đã được kích nổ như Triều Tiên tuyên bố hay không.

Bà Hoa cũng ám chỉ những tác động xấu của vụ thử nghiệm này đối với Trung Quốc và nói rằng Bộ Bảo vệ Môi trường Trung Quốc sẽ giám sát dữ liệu bức xạ dọc biên giới Trung Quốc - Triều Tiên để đảm bảo an toàn cho công dân Trung Quốc. Bãi thử hạt nhân Punggye-ri, khu vực ở gần nơi thử nghiệm quả bom nằm ở phía đông bắc Triều Tiên, cách biên giới Trung Quốc khoảng 100 km.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cũng bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về vụ thử nghiệm hạt nhân này trong một bài phát biểu thường niên của bộ này được đưa ra vào dịp năm mới. Ông Vương mô tả vụ thử nghiệm này đã "bất chấp sự phản đối của quốc tế" và nhắc lại rằng Trung Quốc "cam kết tiếp tục ủng hộ vấn đề không phổ biến vũ khí hạt nhân".

Trước đó, tháng 2/2013, Triều Tiên cũng đã tiến hành một vụ thử hạt nhân và cũng nhận được sự phản ứng cứng rắn từ phía Bắc Kinh. Ông Dương Khiết Trì (khi đó là Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc) đã triệu tập đại sứ Triều Tiên để phản ứng về việc này. Các báo cáo chỉ ra rằng chính phủ Trung Quốc đã rất cố gắng để thuyết phục nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un không  đi quá xa trong việc thử nghiệm hạt nhân. Tại thời điểm đó, Trung Quốc vẫn đang trong giai đoạn chuyển giao lãnh đạo sau một thập kỷ. Ông Tập Cận Bình và ông Lý Khắc Cường, những người nắm giữ vai trò lãnh đạo hàng đầu trong Đảng Cộng sản Trung Quốc từ tháng 12/2012 vẫn chưa chính thức trở thành chủ tịch và thủ tướng cho đến kỳ đại hội nhân dân toàn quốc vào tháng 3/2013 sau đó.

Vụ thử thành công lần 3 đã đưa Triều Tiên vào nhóm 9 nước sở hữu vũ khí hạt nhân. Ảnh: Internet

Phản ứng trước cuộc thử nghiệm hạt nhân 2013, Trung Quốc đã ủng hộ các lệnh trừng phạt mới của Liên Hợp Quốc đối với Triều Tiên. Ngày 7/3, chưa đầy một tháng sau vụ thử nghiệm, Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc nhất trí thông qua Nghị quyết 2094, bày tỏ "mối quan ngại nghiêm trọng nhất" về vụ thử hạt nhân và lên án nó "bằng những điều khoản mạnh mẽ nhất". Nghị quyết áp dụng biện pháp trừng phạt cho các tổ chức tài chính Triều Tiên, hạn chế đi lại đối với một số nhà lãnh đạo Triều Tiên và cũng hạn chết việc nhập khẩu các mặt hàng xa xỉ.

Nền móng này sẽ tạo ra phản ứng mạnh mẽ hơn của Trung Quốc đối với lần thử nghiệm mới nhất này của Bình Nhưỡng. Trong 3 năm kể từ vụ thử hạt nhân gần nhất của Triều Tiên, Trung Quốc đã tăng cường hơn mối quan hệ thân thiết với Hàn Quốc và ngày càng "lạnh nhạt" với Triều Tiên. Điển hình là, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận bình và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã tổ chức 6 cuộc họp thượng đỉnh trong 3 năm qua. Trong khi đó, ông Tập vẫn chưa một lần gặp mặt nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Thực tế, mối quan hệ Trung Quốc - Triều Tiên đã trở nên không thể cứu vãn từ vụ thử hạt nhân năm 2013. Mùa thu năm 2015, quan hệ song phương có vẻ như ấm lên một chút khi Tướng Triều Tiên Choe Ryong-hae tham dự cuộc duyệt binh của Trung Quốc vào tháng 9 và chuyến thăm tới Bình Nhưỡng của ông Liu Yushan.

Việc nhóm nhạc nữ Triều Tiên hủy biểu diễn tại Trung Quốc và bỏ về nước đã một lần nữa khiến quan hệ Trung - Triều tiếp tục căng thẳng. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, ngay sau đó, đến tháng 12/2015, quan hệ hai nước lại một lần nữa trở nên căng thẳng khi nhóm nhạc nữ Triều Tiên hủy bỏ buổi biểu diễn tại Trung Quốc và bỏ về nước.

Bất chấp những căng thẳng, Trung Quốc dường như vẫn không có ý định "bỏ rơi" Triều Tiên. Cuối cùng, Bắc Kinh vẫn tiếp tục cam kết tìm kiếm giải pháp cho vấn đề hạt nhân Triều Tiên thông qua đối thoại (hoặc quay lại bàn đàm phán sau bên hoặc thành lập một nhóm đối thoại khác mà đến nay vẫn chưa có thông tin rõ ràng) thay vì các biện pháp trừng phạt. Bắc Kinh đã tạo nên con số kỷ lục về những lần chống lại các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên. Mặc dù vậy, Trung Quốc đã chứng tỏ rằng họ sẵn sàng duy trì sự can thiệp và ủng hộ các biện pháp trừng phạt của Hội đồng bảo an đối với Triều Tiên nếu tiếp tục thử hạt nhân, dù động thái này có thể là hạn chế đối với sự hợp tác của Trung Quốc.

Và lịch sử đã chỉ ra rằng, nếu phản ứng đối với việc thử hạt nhân của Triều Tiên chỉ đơn giản là những biện pháp trừng phạt thì nó hoàn toàn không có bất cứ ảnh hưởng thực sự nào đối với chế độ. Năm 2013, Mỹ đã tỏ ra rất hài lòng với sự hợp tác của Trung Quốc tại liên Hợp Quốc. Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Susan Rice sau đó nói với các phóng viên rằng: "Các biện pháp trừng phạt sẽ ngày càng cứng rắn hơn".

Các biện pháp trừng phạt không thể ngăn chặn sự phát triển chậm nhưng ổn định của chương trình hạt nhân Triều Tiên. Ảnh: Reuters

Thế nhưng, cuộc thử nghiệm bom nhiệt hạch hôm 6/1 đã chứng minh rằng, các biện pháp trừng phạt không thể ngăn chặn sự phát triển chậm nhưng ổn định của chương trình hạt nhân Triều Tiên. Lý do là bởi các biện pháp trừng phạt đã không được các quốc gia thực thi một cách đầy đủ, điển hình là Trung Quốc.

Câu hỏi đặt ra là liệu đây là nỗ lực của chính phủ Trung Quốc để bí mật ủng hộ Triều Tiên, hay đơn giản là giới chức Trung Quốc không phổ biến rõ ràng cho các công ty để họ thực thi biện pháp trừng phạt. Dù thế nào, các chuyên gia cũng đồng ý rằng Triều Tiên đã tiếp cận được phần nào công nghệ bị cấm của phương tây thông qua các công ty Trung Quốc.

Trong bài thuyết trình về tương lai hạt nhân của Triều Tiên năm ngoái, chuyên gia Joel Wit thuộc Viện nghiên cứu Mỹ - Hàn Quốc nhận định rằng, có rất ít bằng chứng cho thấy những biện pháp trừng phạt thực sự gây tác động đến khả năng tiếp cận công nghệ hạt nhân của Triều Tiên.

Xem thêm video người dân Triều Tiên ăn mừng trên phố sau vụ thử nghiệm bom nhiệt hạch thành công:

[mecloud]evJ6PaOndn[/mecloud]

Lê Huyền (The Diplomat)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news