Tin mới

Trung Quốc tăng tàu chiến bảo vệ giàn khoan trái phép

Thứ ba, 10/06/2014, 09:36 (GMT+7)

(Tinmoi.vn) Trung Quốc đã tăng số lượng tàu chiến ngoài thực địa để bảo vệ giàn khoan trái phép. Trong ngày 9/6, số lượng tàu Trung Quốc là 110 tàu.

 

 

(Tinmoi.vn) Trung Quốc đã tăng số lượng tàu chiến ngoài thực địa để bảo vệ giàn khoan trái phép. Trong ngày 9/6, số lượng tàu Trung Quốc là 110 tàu.

Trung Quốc tăng số lượng tàu

Theo thông tin từ Cục Kiểm ngư cho biết, trong ngày 9/6, số lượng tàu chiến tại khu vực giàn khoan đã có 06 tàu (tăng 02 tàu chiến so với 8/6).

Tại khu vực giàn khoan, các tàu cá của Trung Quốc gồm tàu Hải cảnh, hải tuần, tài kéo, tàu vận tải tổ chức thành từng nhóm, từng lớp ở khu vực cách giàn khoan 7 – 8 hải lý và 9 – 11 hải lý, sẵn sàng, đâm ca, phun vòi rồng để ngăn chặn tàu Kiểm ngư và tàu cá của Việt Nam hoạt động trên khu vực.

Tàu chiến bảo vệ giàn khoan của Trung Quốc được bố trí như sau: phía Đông giàn khoàn bố trí có 02 tàu; phía Tây 02 tàu; phía Nam 02 tàu.

Bên cạnh đó, tàu cá của Trung Quốc với khoảng 35 – 40 chiếc, được sự hỗ trợ của 02 tàu hải cảnh đã hung hăng manh động, húc đẩy vây ép tàu cá của ngư dân Việt Nam khi đang khai thác ở ngư trường truyền thống ra xa khu vực giàn khoan 38 – 40 hải lý.

Về lực lượng, ngày (9/6), tàu Trung Quốc duy trì khoảng: 36 tàu hải cảnh, 21 tàu vận tải và tàu kéo, 44 tàu cá, 06 tàu chiến (Trung Quốc đã tăng 02 tàu chiến so với 8/6).

Video: Diễn biến hiện trường ngày 9/6

 

 

Ngoài ra, lực lượng Kiểm ngư quan sát phát hiện 1 máy bay trinh sát Y-8 hoạt động tại khu vực giàn khoan ở độ cáo khoảng 300 – 500m.

Cũng trong ngày, các tàu kiểm ngư vẫn kiên trì bám trụ tại hiện trường giàn khoa, đồng thời tổ chức hoạt động đấu tranh với cường độ cao trên khu vực giàn khoan 7 – 10 hải lý để phản đối và yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 khỏi vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Đồng thời luôn có mặt tại khu vực tàu cá Việt Nam hoạt động để hỗ trợ ngư dân yên tâm bám biển sản xuất.

Tàu cá Việt Nam vẫn tiếp tục hoạt động khai thác thủy sản tại ngư trường cách khu vực guàn khoan 30 – 40 hải lý, tổ chức đánh bắt thủy sản, tổ chức đấu tranh phản đối hành động ngang ngược của tàu cá và tàu hải cảnh Trung Quốc, phản đối giàn khoan hạ đặt trái phép của Trung Quốc và yêu cầu rút khỏi khu vực biển chủ quyền của Việt Nam.

Trước hành động của các tàu Trung Quốc tinh thần các Kiểm ngư viên và ngư dân ta vẫn rất tốt, kiên quyết bảo vệ ngư trường, bảo vệ vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Diễn biến thực địa

Ngày (9/6), các tàu Cảnh sát Biển và kiểm ngư của Việt Nam đã tiếp tục tiến vào vị trí giàn khoan Hải Dương 981 để thực thi pháp luật trên vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Trong khi Trung Quốc tăng số tàu chiến bảo vệ giàn khoan trái phép. Theo tin tức của nhóm phóng viên VTV có mặt trên tàu Cảnh sát Biển 8003.

7h40 phút sáng 9/6, sau khi nhận lệnh cơ động, tàu Cảnh sát Biển 8003 đã tiến vào khu vực giàn khoan Hải Dương 981 để thực thi pháp luật, thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, kiên quyết yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan cùng các tàu hộ tống ra khỏi thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Trong 10 phút sau đó, khi ở khoảng cách so với giàn khoan Hải Dương 981 10 hải lý về phía Nam Tây Nam, các tàu Trung Quốc bao gồm tàu hải cảnh có số hiệu 1112, 3411, 13001 cùng các tàu kiểm ngư 281, 46105, 44103 đã ra ngăn cản tàu Cảnh sát Biển 8003 và tàu kiểm ngư Việt Nam thực thi pháp luật trên biển. Tàu hải cảnh 3411 của Trung Quốc đã chạy với tốc độ cao và áp sát tàu cảnh sát biển 8003 ở khoảng cách 200m để hú còi, ép tàu của ta rút ra xa khu vực giàn khoan.

Thông tin từ các lực lượng đang thực thi pháp luật trên biển của ta cho biết, ngày hôm nay Trung Quốc sử dụng 110 tàu để bảo vệ giàn khoan trái phép.

Thủ tướng Ý quan ngại sâu sắc tình hình biển Đông

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Matteo Renzi trao đổi về tình hình trên biển Đông Ảnh: TTXVN

Cũng trong ngày 9/6, Thủ tướng Ý Matteo Renzi cùng phu nhân và phái đoàn đã có chuyến thăm chính thức Việt Nam, là chuyến thăm cấp thủ tướng lần đầu tiên kể từ khi hai nước đặt quan hệ ngoại giao vào năm 1973.

Tại cuộc hội đàm, đề cập tình hình biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng một lần nữa khẳng định hành động Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, làm ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh khu vực. Thủ tướng Matteo Renzi bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình biển Đông hiện nay và kêu gọi các bên kiềm chế, giải quyết xung đột trong hòa bình.

Ngoài ra, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Matteo Renzi nhất trí tiếp tục tăng cường giao lưu cấp cao, đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục, khoa học - công nghệ, văn hóa.

Thuận Phong (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news