Tin mới

Trung Quốc thành "kẻ thua thảm" trong TPP

Thứ tư, 21/10/2015, 18:56 (GMT+7)

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP bao gồm 40 \% tổng sản phẩm nội địa (GDP) và giá trị sản lượng kinh tế gần 30 nghìn tỷ. Vậy thì nước nào sẽ được lợi, nước nào bị thiệt hại sau thỏa thuận này.

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP bao gồm 40 % tổng sản phẩm nội địa (GDP) và giá trị sản lượng kinh tế gần 30 nghìn tỷ. Vậy thì nước nào sẽ được lợi, nước nào bị thiệt hại sau thỏa thuận này.

"Chính sách ngăn chặn Trung Quốc", một "trục của Mỹ" hướng tới châu Á hay đơn giản là một thỏa thuận thương mại tự do, Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được gọi bằng nhiều cái tên khách nhau kể từ khi đạt được thỏa thuận cuối cùng vào ngày 5/10. Mặc dù, với châu Á, TPP đã tạo ra một danh sách dài những người chiến thắng nhưng cũng tạo ra một vài kẻ thất bại, trong đó có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - Trung Quốc.

Sau 5 ngày hội đàm bàn tròn tại Atlanta, các nhà đàm phán đến từ nhóm 12 quốc gia đã đạt được thỏa thuận vào khoảng 5h sáng (giờ địa phương). Với sự tham gia của Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam, TPP là hiệp định thương mại toàn cầu lớn nhất trong 2 thập kỷ, bao gồm 40 % tổng sản phẩm nội địa (GDP) và giá trị sản lượng kinh tế gần 30 nghìn tỷ.

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nhanh chóng chúc mừng các nhà đàm phán, mô tả cách tiếp cận thương mại của mình là "san bằng sân chơi cho các doanh nghiệp và người lao động Mỹ, vì vậy chúng ta có thể xuất khẩu nhiều sản phẩm được gắn mác "Made in Ameria" hơn trên khắp thế giới, hỗ trợ cho các công việc được trả lương cao hơn tại Mỹ".

Ông Obama cũng nói rằng TPP "tạo ra sân chơi" cho các nông dân, chủ trang trại và nhà sản xuất Mỹ bằng việc loại bỏ hơn 18.000 loại thuế áp vào hàng hóa xuất khẩu của Mỹ, đưa ra "những cam kết mạnh mẽ nhất về lao động và môi trường của bất cứ thỏa thuận thương mại nào trong lịch sử".

Nhưng có nhiều người đã chỉ trích TPP là tìm cách "kiềm chế" Trung Quốc, bất chấp việc Bắc Kinh đã được mời tham dự. Ông Obama nói: "Khi có hơn 95% khách hàng tiềm năng ở bên ngoài biên giới, chúng ta không thể để các nước như Trung Quốc viết quy tắc cho nền kinh tế toàn cầu". Ông cũng lưu ý rằng hiệp định này "tăng cường các mối quan hệ chiến lược với những đối tác và đồng minh của chúng ta trong khu vực. Điều này sẽ rất cần thiết trong thế kỷ 21".

Nhìn chung, Viện Kinh tế Quốc tế Peterson đã chỉ ra lợi ích kinh tế của TPP. TPP được hy vọng có thể mở rộng các nền kinh tế tham gia lên gần 300 tỷ USD mỗi năm trong thập kỷ tới, mỗi nước tăng 1% GDP thường niên "tiếp tục vô thời hạn".

Là 2 nền kinh tế lớn nhất trong TPP, Mỹ và Nhật Bản dự kiến sẽ chiếm 2/3 mức tăng GDP ước tính, trong khi xuất khẩu của các nước thành viên có thể tăng gần 440 nghìn tỷ USD (7%).

Mức tăng có khả năng cao hơn khi mà các nước châu Á khác tham gia làm đối tác. Hiện tại, Hàn Quốc đã bày tỏ sự quan tâm tới việc gia nhập, Indonesia, Philippines, Đài Loan và Thái Lan cũng đọc cho là đang cân nhắc các lợi ích.

Trung Quốc cũng không bị loại bỏ khỏi việc gia nhập TPP. Viện Peterson đã tuyên bố: "Trong vòng 1 thập kỷ, hiệp định thương mại này có thể trở thành khuôn khổ cho cam kết song phương có ý nghĩa giữa Mỹ và Trung Quốc".

Lãnh đạo các nước tham gia TPP. Ảnh: David Levy

Trung Quốc là kẻ thua lớn nhất?

Đáng chú ý phản ứng ban đầu của Trung Quốc với TPP được đưa ra với giọng điệu thận trọng. Một phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc nói: "Trung Quốc giữ thái độ cởi mở đối với các quy tắc phù hợp với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), giúp thúc đẩy xây dựng cơ chế nhất thể hóa kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương".

Tuy nhiên, các nhà bình luận khác của Trung Quốc lại ít thận trọng hơn trong bối cảnh TPP dự kiến sẽ tăng tính cạnh tranh cho các doanh nghiệp xuất khẩu đối thủ châu Á như Nhật Bản và Việt Nam, cũng như liên kết họ với tầm ảnh hưởng của Washington một cách chặt chẽ hơn.

Theo những ý kiến trên tờ Hoàn cầu Thời báo của Trung Quốc, một số độc giả cáo buộc tổng thống Mỹ thực hiện "Chiến tranh Lạnh tâm lý". Họ nói Washington "không biết xấu hổ khi thắt chặt thòng lọng quanh cổ Trung Quốc" và người cộng sản khổng lồ phải có phản ứng phù hợp.

Shen Dingli đến từ ĐH Phúc Đán, Thượng Hải, nói với tờ IBTimes rằng TPP có thể cắt giảm 2% tốc độ tăng GDP của Trung Quốc. Chỉ số GDP nước này vốn đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 25 năm qua.

"Trung Quốc xem TPP như một mối đe dọa nhưng họ có thể làm gì? Chúng ta cần đáp ứng lại mối đe dọa, nâng cao nền kinh tế trong nước tới một tiêu chuẩn cao hơn. Nghĩa là cần thị trường hóa hơn, cải tổ lại các thể chế đầu tư và kinh tế thương mại một cách ồ ạt, biến ngành sản xuất trong nước trở nên cạnh tranh hơn, sáng tạo hơn", ông Shen nói.

Ông Shen cũng mô tả tuyên bố của Tổng thống Obama về cách viết những quy tắc có thể là "phân biệt chủng tộc" và "sai lầm - tất cả mọi người đều có thể viết những quy tắc đó". Ông cũng lưu ý rằng các hiệp định thương mại không phải một trò chơi có tổng bằng 0 và Trung Quốc có thể tham gia TPP trong tương lai.

Mũi tên mới cho "Abenomics"

Với thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, thỏa thuận TPP có khả năng tạo ra "mũi tên" tăng trưởng cho cải cách Abenomics đang được tranh luận của ông.

TPP là một sáng kiến nhằm "tạo ra khu vực kinh tế công bằng và tự do giữa các nước chia sẻ cùng các giá trị", ông Abe nói với các nhà báo. Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga đã mô tả TPP như một "cơn gió xuôi" đối với Abenomics.

Sau khi cam kết tăng trưởng kinh tế GDP của Nhật Bản sẽ đạt 20%, 600 triệu yen, cho tới năm 2020, ông Abe đang chịu áp lực cung cấp nguồn tăng trưởng mới cho nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, cùng với sự kích thích tài chính và tiền tệ khi áp dụng 2 mũi tên đầu tiên của Abenomics.

Theo Bloomberg News, TPP bao gồm 28% thương mại Nhật Bản. Các nhà sản xuất ô tô và phụ tùng nước này thu lợi nhiều nhất bởi khả năng tiếp cận thị trường Mỹ tăng lên. Các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản cũng có thể có nhiều thị phần hơn ở châu Á khi mà TPP chỉ yêu cầu 45% phương tiện của họ phải sản xuất trong nhóm (con số tương đương khi gia nhập NAFTA là 62.5%).

Người tiêu dùng Nhật Bản cũng sẽ mua được hàng hóa rẻ hơn mặc dù nông dân trồng lúa, nuôi bò, nuôi lợn thịt tại nước này phải đối mặt với sự cạnh tranh lớn hơn do các  rào cản thương mại bị giảm và có thể là nguồn gốc cho những khó khăn chính trị đối với cải cách Abe.

Những người thắng ở châu Đại Dương, Đông Nam Á

Việt Nam đã được Tập đoàn Eura mô tả là một trong những người chiến thắng lớn nhất, có khả năng tăng 11% GDP cho tới năm 2025, ước tính tăng 28% hàng hóa xuất khẩu.

Malaysia cũng có lợi ích từ việc giảm các hàng rào thương mại đối với xuất khẩu điện, hóa chất, dầu cọ và cao su. Lãnh đạo các doanh nghiệp Singapore cũng ca ngợi hiệp định tạo ta "một con đường hướng tới khu vực thương mại tự do cho châu Á - Thái Bình Dương".

Xa hơn về phía nam, các láng giềng ở châu Đại Dương, Australia và New Zealand đã thành công trong việc ngăn chặn nỗ lực của Mỹ nhằm mở rộng bảo vệ sở hữu trí tuệ đối với thuốc sinh học mới lên 12 năm thay vì 5 năm như hiện nay trong thị trường nội địa của họ.

Australia sẽ gửi khoảng 1/3 tổng sản phẩm xuất khẩu của mình sang các nước TPP. Thỏa thuận này sẽ loại bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 9 tỷ thương mại của Australia.

Chính phủ Australia đã chỉ ra lợi ích đối với việc xuất khẩu sản xuất, giáo dục và nông nghiệp của nước này, trong đó được đảm bảo để tiếp cận với thị trường đường của Mỹ lần đầu trong hơn 20 năm.

New Zealand cũng ước tính mỗi năm tiết kiệm được khoảng 259 triệu đô la NZ (khoảng 173 triệu USD), tăng trưởng GDP ước tính khoảng 2 tỷ USD cho vào năm 2025.

Bảo Linh (theo National Interest)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: TPP