Tin mới

Trưởng ban Dân nguyện: "1.000 tỷ đồng lãng phí in sách giáo khoa có thể xây 20.000 căn nhà cho người có công"

Thứ ba, 16/10/2018, 08:01 (GMT+7)

Theo Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải, số tiền 1.000 tỷ đồng này nếu đem xây dựng nhà cho người có công sẽ tương đương với việc xây dựng 20.000 căn nhà mới (50 triệu đồng/một căn) và 40.000 căn nhà cho người có công được sửa chữa. Đó chỉ mới là con số tiết kiệm trong 1 năm.

Theo Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải, số tiền 1.000 tỷ đồng này nếu đem xây dựng nhà cho người có công sẽ tương đương với việc xây dựng 20.000 căn nhà mới (50 triệu đồng/một căn) và 40.000 căn nhà cho người có công được sửa chữa. Đó chỉ mới là con số tiết kiệm trong 1 năm.

Bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội. Ảnh: QH

Nêu ý kiến tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 15/10, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nêu vấn đề nhiều Chính sách văn hóa xã hội hiện không thực hiện được do thiếu nguồn lực, nhưng mỗi năm lại lãng phí 1.000 tỷ đồng do sử dụng sách giáo khoa một lần.

Theo bà Hải, đây là sự lãng phí lớn và được kéo dài từ năm 2002 đến nay chưa được giải quyết. Con số này từng được đề cập trong Báo cáo giám sát về công tác xuất bản của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng công bố ngày 7/10.

Theo đó, mỗi năm cả nước xuất bản 107,8 triệu bản sách, và những sách này không thể tái sử dụng, năm sau vẫn phải in lại.

"1.000 tỷ đồng này không phải lấy từ nguồn kinh phí nhà nước hay ngân sách, mà là lãng phí nguồn lực xã hội", Trưởng ban Dân nguyện nhấn mạnh và so sánh 1.000 tỷ đồng này nếu đem xây dựng nhà cho người có công sẽ tương đương với việc xây dựng 20.000 căn nhà mới (50 triệu đồng/một căn) và 40.000 căn nhà cho người có công được sửa chữa. Đó chỉ mới là con số tiết kiệm trong 1 năm.

Theo bà Hải, nếu giải quyết được vấn đề lãng phí này sẽ tạo ra sức lan tỏa rất lớn.

Trưởng ban Dân nguyện cũng đưa ra việc Bộ Giáo dục và Đào tạo từ những năm đầu tiên khi triển khai đại trà bộ sách giáo khoa mới đã yêu cầu giáo viên hướng dẫn học sinh không viết lên sách và có trách nhiệm bảo quản, giữ gìn sách.

Tuy nhiên, trong sách giáo khoa lại có những câu mệnh lệnh cần phải điền, phải viết, vẽ trên sách, gây khó cho học sinh và phụ huynh.

"Tôi thấy ngạc nhiên là Bộ Giáo dục và Đào tạo hàng năm vẫn hướng dẫn, nhắc nhở các sở và các giáo viên, nhưng từ năm 2002 đến nay, tức là đã 16 năm rồi mà tình hình viết vào sách giáo khoa vẫn không giảm.

Bản thân tôi cũng đã trao đổi với các Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo, và cũng có đại biểu Quốc hội đưa ra ý kiến 5 - 6 năm nay rồi mà chưa được giải quyết", bà Hải nói và đặt câu hỏi: "Tại sao người dân biết, cử tri biết, học sinh biết, phụ huynh biết nhưng những người quản lý lại không biết rằng đấy là sự lãng phí và điều chỉnh chính sách trong 16 năm qua?".

Vì vậy, bà Hải đề nghị Chính phủ quan tâm giải quyết cụ thể vấn đề này.

“Tôi thấy áy náy với cử tri là giá như 5 năm trước các đại biểu quyết liệt hơn thì những năm qua đã có biết bao căn nhà tình nghĩa, nhà cho người có công được sử dụng từ tiền tiết kiệm in sách giáo khoa", Trưởng ban Dân nguyện bày tỏ tâm tư.

Cũng tại phiên họp 28 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc và kéo dài đến hết ngày 17/10. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết phiên họp này sẽ có nội dung cho ý kiến về công tác nhân sự, diễn ra vào sáng 17/10.

Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Tuý cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc chuẩn bị nhân sự Chủ tịch nước để trình Quốc hội bầu. Còn Chính phủ sẽ chuẩn bị nội dung miễn nhiệm và bổ nhiệm Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông để trình Quốc hội phê chuẩn.

Dự kiến tại kỳ họp thứ 6 khai mạc vào ngày 22/10 tới đây, Quốc hội bầu Chủ tịch nước, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông.

Theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội về bầu các chức danh trong bộ máy Nhà nước, Quốc hội bầu Chủ tịch nước trong số các đại biểu Quốc hội theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội. 

Đức Hoà (tống hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news