Tin mới

"Truyền thống" trịch thượng của ngoại giao Trung Quốc

Thứ hai, 07/07/2014, 09:51 (GMT+7)

(Tinmoi.vn) Thô lỗ, trịch thượng là truyền thống trong ngoại giao Trung Quốc. Luôn tự coi mình là nước lớn, cư xử bất lịch sự, thiếu văn minh với các quốc gia khác nhưng chính Trung Quốc lại luôn là kẻ “vừa ăn cướp, vừa la làng”.

(Tinmoi.vn) Thô lỗ, trịch thượng là truyền thống trong ngoại giao Trung Quốc. Luôn tự coi mình là nước lớn, cư xử bất lịch sự, thiếu văn minh với các quốc gia khác nhưng chính Trung Quốc lại luôn là kẻ “vừa ăn cướp, vừa la làng”.

 Một đặc điểm đáng chú ý của các quan chức Trung Quốc khi phát biểu trước giới truyền thông và tại các hội nghị quốc tế đó là ngôn ngữ của họ rất thô lỗ và thẳng thừng một cách bất thường. Lối nói ấy không giúp được cho Trung Quốc trong nỗ lực để được công nhận là thành viên văn minh của cộng đồng ngoại giao thế giới.

Với các quan chức và nhà ngoại giao Trung Quốc, phép lịch sử và sự tôn trọng dường như không có trong cách diễn thuyết của họ tại các diễn đàn quốc tế. Sau chuyến thăm gần đây tới Việt Nam, Ủy viên quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì đã ngang nhiên nói với truyền thông Trung Quốc rằng mục đích chuyến đi của ông là “lên lớp” người đồng nhiệm Việt Nam.

Truyền thống láo xược của ngoại giao Trung Quốc

Dương Khiết Trì

Có một điều chắc chắn là một bộ phận truyền thông Trung Quốc thậm chí còn gọi Việt Nam là “đứa con hoang”. Những nhận định này được đưa ra giữa lúc quan hệ Việt-Trung rơi vào bế tắc nguy hiểm tại quần đảo Hoàng Sa. Đó là thứ ngôn ngứ kẻ cả, trơ tráo. Thật vậy, với nhiều người Việt Nam thì cụm từ “đứa con hoang” không chỉ là sự xúc phạm mà còn giống như ý thức hệ của chủ nghĩa thực dân.

Điều thú vị là đối với một quốc gia đang hướng tới vị thế siêu cường, khi chà đạp lên người khác, con rồng Trung Quốc đã để lộ yếu điểm của mình. Fang Kecheng, một blogger Trung Quốc và là thạc sĩ báo chí trường ĐH Bắc Kinh mấy năm trước đã thống kê số lần mà phát ngôn viên ngoại giao Trung Quốc chính thức nói rằng Trung Quốc “cảm thấy bị tổn thương”. Theo phân tích của Fang, Trung Quốc đã cảm thấy bị tổn thương ít nhất 140 lần bởi ít nhất 42 quốc gia, kể cả nỗi đau khó hiểu gây ra bởi Iceland và Guatemala cũng như nhiều tổ chức từ khi Đảng cộng sản chiến thắng Quốc Dân Đảng vào năm 1949.

Thông thường, 1 tuyên bố sẽ được đưa ra như thế này: “Vụ việc/tuyên bố đã can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Trung Quốc, gây tổn thương nghiêm trọng đến người dân Trung Quốc và gây tổn hại cho mối quan hệ song phương cơ bản giữa Trung Quốc-(nước xúc phạm)”

Victor Mair, một nhà ngôn ngữ học đã viết trên The Language Log tại ĐH Pennsylvania, Mỹ đã quyết định kiểm tra mức độ xuất hiện thường xuyên của cụm từ “làm tổn thương cảm xúc của người Trung Quốc” trên Google. Theo báo cáo của Mair, người Trung Quốc đã bị tổn thương cảm xúc 17.000 lần vào năm 2011. Đất nước bị tổn thương cảm xúc nhiều tiếp theo là Nhật Bản, với 178 lần. Thứ ba là Mỹ với 5 lần. Cả 2 diễn viên, Brad Pitt và vợ anh, Angelina Jolie đã làm tổn thương cảm xúc của người Trung Quốc trong nhiều lần khác nhau. Pitt xuất hiện trong một bộ phim về Tây Tạng còn Jolie thì vô tình nhầm đạo diễn Lý An, 1 người Đài Loan thành người Trung Quốc.

Ngược lại, Trung Quốc đã sử dụng ngôn ngữ “cạn tình” với rất nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam nhưng không một đất nước nào lên tiếng nói “bị tổn thương cảm xúc”.

Ví dụ như vào tháng 12 năm ngoái, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã chỉ trích Australia rất gay gắt trong suốt cuộc gặp với Ngoại trưởng Australia Julie Bishop đang được truyền hình thực tế. Một nhà ngoại giao cao cấp của Australia đã mô tả đây là bài phát biểu thô thiển nhất mà ông từng thấy trong sự nghiệp 30 năm làm ngoại giao của mình.

Vào tháng 7/2011, các quan chức Philippines quyết định cấm một nhà ngoại giao cao cấp của Trung Quốc tới dự cuộc họp bởi thái độ thô lỗ của ông này. Trong bản ghi nhớ của mình, Bộ ngoại giao Philippines cho biết ông này “không có tư cách của một nhà ngoại giao”.

Trong cuốn hồi ký gần đây, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tiết lộ: tại Diễn đàn khu vực ASEAN được tổ chức ở Hà Nội năm 2010, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc lúc ấy là Dương Khiết Trì đã mất bình tĩnh và xả ra một bài độc thoại kéo dài 30 phút sau khi các bộ trưởng ASEAN phàn nàn về thái độ gây hấn của Trung Quốc tại Biển Đông khiến các nước Đông Nam Á quan ngại.

Có lúc, ông Dương đã tuyên bố rằng: “Trung Quốc là một nước lớn còn những nước khác là nước nhỏ và đó là một thực tế” – điều này không liên quan gì đến cuộc thảo luận.

Các hành vi thô lỗ của quan chức Trung Quốc ngày càng phổ biến tại các diễn đàn chính trị và ngoại giao quốc tế. Đầu tháng này, tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore, thế giới đã chứng kiến cảnh bùng nổ thô lỗ của một vị tướng Trung Quốc khi phản ứng lại ý kiến của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Ông Hagel đã liệt kê hàng loạt xung đột nghiêm trọng tại Biển Đông và cảnh báo Trung Quốc đang có “những hành động gây mất ổn định”. Ông Abe nói về những động thái gây hấn của Trung Quốc tại Biển Đông và biển Hoa Đông đồng thời kêu gọi các quốc gia khác thượng tôn pháp luật. Đáp lại, Trung Tướng Vương Quán Trung, Phó tổng tham mưu quân giải phóng nhân dân nói rằng những nhận xét của ông Hagel và ông Abe là “kỳ quái”. Rõ ràng, vị tướng này đã không thoải mái trước những sự thật trên.

Trong thực tế, ngôn ngữ thô lỗ trong ngoại giao của Trung Quốc không phải là điều mới mẻ. Các tài liệu tìm được từ thế kỷ 15 cho thấy các hoàng đế Trung Hoa đã sử dụng ngôn ngữ này để đe dọa các nước láng giềng mà họ cho là man rợ. Cách viết của họ cộc lốc, sâu cay và từ ngữ mà họ dùng cực kỳ bất kính.

Một trong những thói quen ưa thích của các hoàng đế Trung Hoa là coi “Trung Quốc là nước lớn” và điều này còn tồn tại cho đến ngày nay. Ngôn ngữ và văn hóa này được truyền lại cho thế hệ sau. Do đó, có lẽ không ngạc nhiên khi thấy các quan chức Trung Quốc luôn ám chỉ mình là “nước lớn”.

Trong thế giới lý tưởng, một trong những điều được mong chờ từ các nhà ngoại giao là cách dùng từ lịch sự, tôn kính, không có biểu hiện trịnh thượng để làm cho thế giới tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, lý tưởng này có vẻ là điều xa xỉ với nhiều quan chức Trung Quốc.

Gần đây, người Trung Quốc còn có những “hành vi thiếu văn minh” khi đi du lịch nước ngoài và điều này đã gây ảnh hưởng tới hình ảnh đất nước họ. Tương tự, những lời nói thô lỗ - dù trong hoàn cảnh nào – nhưng được thốt ra từ miệng của các quan chức Trung Quốc tại cc diễn đàn quốc tế có thể gây tổn hại cho uy tín của đất nước và không giúp gì được cho những lập luận của họ.

Bảo Linh (Theo tin tức asiasentinel)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news