Tin mới

Truyền thông Trung Quốc thâm độc, ảo tưởng khi đưa tin Biển Đông

Thứ sáu, 20/06/2014, 11:09 (GMT+7)

(Tinmoi.vn) Sau chuyến đi của ông Dương Khiết Trì tới Hà Nội, giới truyền thông Trung Quốc đã có hàng loạt bài viết thể hiện ảo tưởng và mang mưu đồ thâm độc để che mắt dư luận, bôi xấu Việt Nam.

(Tinmoi.vn) Sau chuyến đi của ông Dương Khiết Trì tới Hà Nội, giới truyền thông Trung Quốc đã có hàng loạt bài viết thể hiện ảo tưởng và mang mưu đồ thâm độc để che mắt dư luận, bôi xấu Việt Nam.

Các phương tiện truyền thông nước ngoài (trong đó có cả The Diplomat) đều không nhận thấy hy vọng về bước đột phá trong mối quan hệ Việt-Trung sau chuyến đi của Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì tới Hà Nội trong tuần này. “Với Việt Nam và Trung Quốc, để giải quyết căng thẳng không phải là điều dễ dàng”, The New York times tuyên bố. Tờ BBC cũng nhấn mạnh “Bế tắc trong đàm phán Việt-Trung” và Reuters nói rằng “Trung Quốc nói Việt Nam thổi phồng chuyện giàn khoan ở Biển Đông”.

Ngược lại, các phương tiện truyền thông Trung Quốc lại có cái nhìn rất lạc quan. Trang Tân Hoa Xã tiếng Anh viết: “Trung Quốc, Việt Nam đồng ý để xử lý vấn đề song phương nhạy cảm một cách đúng đắn”. "Bắc Kinh, Hà Nội nguyện hành động để giải quyết xung đột”, China Daily nhấn mạnh. Một đoạn video ghi lại chuyến thăm của ông Dương do CCTV công chiếu cho thấy mối quan hệ Việt-Trung đã chuyển xấu rất nhiều, hai bên vẫn cần phải nghĩ cách nhanh chóng giải quyết vấn đề. Theo những gì mà truyền thông Trung Quốc đưa tin, chuyến đi của Dương Khiết Trì tới Việt Nam dường như là bước tiến quan trọng trong việc giải quyết khủng hoảng giàn khoan.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Trung Quốc đã sẵn sàng thỏa hiệp. Ngược lại, mỗi bài viết đều ngầm khẳng định việc Trung Quốc đưa giàn khoan tới Biển Đông là bình thường và Việt Nam “nên ngừng các hoạt động quấy rối tại khu vực giàn khoan”. Tất cả các bài viết đều ngụ ý Hà Nội đang tự thay đổi vị trí của mình. Không có bài báo nào nhấn mạnh việc Việt Nam yêu cầu Trung Quốc dỡ bỏ giàn khoan giống như báo chí Việt Nam và phương Tây đang làm. Thay vào đó, các bài viết của Tân Hoa Xã chỉ nhấn mạnh việc Việt Nam và Trung Quốc đồng ý “xử lý các vấn đề song phương một cách đúng đắn”, không quốc tế hóa tranh chấp tại Biển Đông và giải quyết căng thẳng trên biển bằng việc mở rộng quan hệ song phương.

Tất nhiên, nếu Việt Nam thực sự muốn “giải quyết đúng đắn các vấn đề song phương” theo định nghĩa của Trung Quốc thì khủng hoảng giàn khoan sẽ còn lan rộng hơn bây giờ. Thay vào đó, Hà Nội đã có “cách giải quyết riêng”. Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền trên biển của Việt Nam. Bằng cách ỉm đi những lý lẽ của Việt Nam, truyền thông Trung Quốc đã “ăn vạ” khi Việt Nam tiếp tục phản đối giàn khoan dầu Hải Dương 981.  

Với chuyến đi của Dương Khiết Trì tới Việt Nam, truyền thông Trung Quốc không chỉ coi đây như một chiến thắng ngoại giao mà còn là một biểu hiện đạo đức. Tân Hoa Xã nhấn mạnh chuyến đi này chứng minh rằng Trung Quốc đang chủ động tìm cách giải quyết vấn đề, cho thấy “sự chân thành muốn giải quyết vấn đề thông qua đối thoại và sự hào hiệp tuyệt vời” của Trung Quốc. CCTV cũng nói rằng chuyến đi của ông Dương đã giúp mối quan hệ Việt-Trung trở lại như xưa”.

The Diplomat cho rằng giọng điệu của những bài báo viết về chuyến đi của ông Dương đang theo kiểu “dạy đời” Điều này được thể hiện rõ nhất trong ngôn ngữ của tờ Hoàn cầu Thời báo. Tờ báo mô tả chuyến thăm của ông Dương như một món quà mà Trung Quốc gửi đến Việt Nam – cơ hội để “tự kiềm chế trước khi quá muộn”. Chuyến đi của ông Dương tới Hà Nội để “làm rõ điểm mấu chốt, ưu và khuyết điểm của tình hình”. Nhưng chính cách ẩn ngôn thâm độc này đã vạch trần bộ mặt của Trung Quốc. Bắc Kinh không có thiện chí muốn giải quyết xung đột mà còn nhiều dụng ý thâm độc khác.

Những bài viết của truyền thông Trung Quốc dường như được đưa ra để duy trì căng thẳng tại Biển Đông. Mỗi bài báo đều nhấn mạnh việc Việt Nam “quấy rối” tàu thuyền Trung Quốc tại khu vực giàn khoan và “sự kiên nhẫn, khoan dung” của Trung Quốc khi đối phó với Việt Nam bằng cách cử ông Dương tới đàm phán. Tất cả những điều giả dối này đã bị Việt Nam đập tan bằng các bằng chứng cụ thể. Còn truyền thông Trung Quốc vẫn chỉ có thể ngồi “vu cáo” Việt Nam bằng những con chữ không căn cứ.

Những câu chuyện hoang đường mà truyền thông Trung Quốc nghĩ ra cũng nhấn mạnh sự đồng thuận trong các cuộc gặp gỡ và chắc chắn những lời này sẽ được sử dụng để chống lại Hà Nội nếu khủng hoảng tiếp tục leo thang.

Bảo Linh (Theo tin tức từ The Diplomat)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news