Tin mới

Từ một người vô gia cư thành đại gia nghìn tỷ

Thứ tư, 15/04/2015, 09:49 (GMT+7)

Từ một người vô gia cư với tuổi thơ khốn khó, John\nPaul DeJoria là một cái tên chẳng mấy xa lạ, đặc biệt với phái nữ. Đây là một\ntrong những thương hiệu chăm sóc tóc danh tiếng và xa xỉ bậc nhất. 

Từ một người vô gia cư với tuổi thơ khốn khó, John Paul DeJoria là một cái tên chẳng mấy xa lạ, đặc biệt với phái nữ. Đây là một trong những thương hiệu chăm sóc tóc danh tiếng và xa xỉ bậc nhất.

John Paul DeJoria từng tham gia một nhóm ăn chơi lêu lổng khi còn nhỏ, phải ở trong ôtô, bị sa thải hàng tá lần, làm người gác cửa và nhân viên bán hàng để nuôi sống bản thân. Ông cũng từng mất tất cả khi kinh doanh thất bại.

Nhưng giờ đây, tỷ phú 70 này đã có khối tài sản 2,9 tỷ USD, theo Forbes. Ông là người đứng sau thương hiệu rượu nổi tiếng Patrón và hãng kinh doanh sản phẩm chăm sóc tóc John Paul Mitchell Systems.

Tỷ phú John Paul DeJoria

Sinh ra trong một gia đình gốc Âu, nhập cư vào Mỹ, tuổi thơ của DeJoria gắn liền với sự khốn khó tột cùng.

Lúc 2 tuổi, bố mẹ ông chia tay, ông cùng người anh trai sống với mẹ. Họ đã gắn bó nhiều năm với một ngôi nhà có diện tích chỉ bằng một phần tư phòng khách hiện tại của ông. Cả gia đình ông dù lao động rất vất vả nhưng vẫn luôn phải sống trong cảnh chật vật và nghèo đói.

Lên 9 tuổi, DeJoria bắt đầu ra ngoài kiếm sống bằng việc chuyển thiệp Giáng sinh. Lên 10 tuổi, ông cùng anh trai làm thêm cả việc đưa báo. Dù rất cố gắng vừa làm vừa học, nhưng ông vẫn không nhận được sự ưu ái của các thầy, cô giáo. Thậm chí một giáo viên toán từng nói với ông: "Em sẽ không bao giờ thành công ở bất kỳ một lĩnh vực nào trong cuộc sống".

Lời nhận xét tiêu cực trên sau này đã trở thành động lực khiến DeJoria càng nỗ lực hơn bao giờ hết để chứng minh điều ngược lại.

Cũng trong giai đoạn thơ ấu này, DeJoria đã được "kinh qua" một công việc mà theo ông đã biến mọi công việc khác trở nên dễ dàng hơn, đó là giao bán sách tại nhà. Mỗi ngày, trung bình cứ 30 cánh cửa đóng sập trước mặt cậu bé giao sách, đôi khi kèm theo những lời nhiếc móc thì mới có một người chịu đứng lại và nghe giới thiệu về cuốn sách và mời cậu vào nhà.

Đó cũng là lúc DeJoria bắt đầu hình thành triết lý "kinh doanh mặt dày" hay sau này được kháiquát một cách văn hoa hơn, đó là "Khi 10 cánh cửa đóng sập lại trước mặt bạn thì hãy tiếp tục nhiệt tình đi tới cánh cửa thứ 11 với nụ cười trên môi".

Sau khi tốt nghiệp trung học, DeeJoria tham gia hải quân Mỹ 2 năm và sau đó sống trôi nổi với nhiều công việc "thượng vàng hạ cám" khác nhau, từ người quản gia cho tới nghề bán bảo hiểm. Đó là khoảng thời gian khó khăn và mờ mịt với ông. Ít người biết rằng DeJoria từng hai lần lâm vào hoàn cảnh tay trắng và vô gia cư.

Lần đầu tiên lúc 22 tuổi, khi người vợ ra đi bỏ mặc người bố trẻ và đứa con trai 2 tuổi, DeJoria đã phải vật lộn để kiếm việc làm nuôi con. Thậm chí đã có thời gian, ông phải đi nhặt vỏ coca để bán và hai bố con từng phải sống trên hè phố vì không có tiền trả tiền thuê nhà. Lần thứ hai là vài năm sau khi DeJoria thành lập Công ty John Paul Mitchell Systems vào năm 1980. Dù công ty đã bắt đầu hoạt động có lãi và DeJoria đã thoát khỏi cảnh thất nghiệp, vô gia cư, vẫn là do xích mích với người vợ lúc đó, ông đã bỏ đi và để lại tất cả tiền cho vợ và phải lấy ô tô làm nơi nương náu qua đêm.

Tuy nhiên, vẫn là nghị lực đã giúp DeJoria vượt qua những hoàn cảnh khó khăn tận cùng như vậy. Bao nhiêu tâm huyết ông dành cho thương hiệu chăm sóc tóc Paul Mitchell đã không khiến ông phải thất vọng.

Nhắc đến thương hiệu Paul Mitchell, mọi chuyện đến với DeJoria thật sự rất tình cờ. Trong thời gian bươn trải kiếm sống, ông đã vô tình bước vào lĩnh vực chăm sóc tóc với vai trò một nhân viên của Redken Laboratories. Quãng thời gian này đã giúp DeJoria tích cóp được kha khá kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm chăm sóc tóc. Năm 1980, ông quyết định thành lập Công ty John Paul Mitchell Systems chỉ vỏn vẹn với 700 USD. Trong đó, 350 USD được vay từ mẹ ông và bản thân ông chỉ đóng góp nổi một nửa còn lại.Sau khi thành lập, công ty mất tới hai tuần kinh doanh không lãi để chế tạo các sản phẩm, sau đó ông phải đi gõ cửa từng nhà, từng salon làm đẹp để bán sản phẩm của mình để thanh toán các hóa đơn chi phí.

Sản phẩm của công ty nhanh chóng được ưa chuộng và phổ biến. Sau 2 năm, họ đã có thể trả mọi hóa đơn đúng hạn. Thành công của Paul Mitchell cũng đồng nghĩa với việc, lần đầu tiên trong đời, DeJoria có thể vào nhà hàng, tự thưởng cho mình những món ăn mình thích mà không phải quan tâm đến cột giá trên thực đơn.

Năm 2008, Doanh thu của Paul Mitchell Systems vào khoảng 1 tỷ USD/năm và duy trì là một trong số những thương hiệu chăm sóc tóc được yêu thích nhất mọi thời đại.

Đến nay, vị tỷ phú này đã sở hữu khối tài sản “khủng” lên đến 2,9 tỷ USD.

Tỷ phú John Paul DeJoria từng là một người vô gia cư và đã trải qua một tuổi thơ khốn khó. Nhưng, ngay từ khi phải lăn lộn kiếm sống bằng cách làm thuê, John Paul DeJoria đã có trải nghiệm "thành công", qua việc được nhận thêm 25cent trong mỗi giờ làm. Đây chính là bài học để đời về thành công của ông chủ 2 nhãn hiệu nổi tiếng Paul Mitchell và Patrón Tequila.

Tỷ phú John Paul DeJoria chia sẻ:"Sự khác biệt giữa những người thành công và những người không thành công nằm ở chỗ những người thành công luôn sẵn sàng làm những việc mà những người khác không bao giờ làm hoặc muốn làm.”

Bảo An

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news