Tin mới

Từ số vốn 120 triệu đồng thành “vua tôm” Việt nghìn tỉ

Thứ năm, 02/07/2015, 08:14 (GMT+7)

Bắt đầu với số vốn 120 triệu đồng ở tuổi 34, ông Lê Văn Quang đã lập nên “đế chế” tôm trị giá hàng trăm tỉ đồng, được gọi với danh hiệu “vua tôm Việt Nam”

Bắt đầu với số vốn 120 triệu đồng ở tuổi 34, ông Lê Văn Quang đã lập nên “đế chế” tôm trị giá hàng trăm tỉ đồng, được gọi với danh hiệu “vua tôm Việt Nam”

Ông Lê Văn Quang hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC), đồng thời là Chủ tịch một số công ty thành viên của Minh Phú: Công ty TNHH Chế biến Thủy sản Minh Phát, Công ty TNHH Sản xuất giống thủy sản Minh Phú, Công ty TNHH Thủy hải sản Minh Phú - Kiên Giang.

Tính đến ngày 30/6/2014, ông Quang đang sở hữu gần 16 triệu cổ phiếu MPC, tương đương 23,13% vốn điều lệ của doanh nghiệp này. Gia đình ông Quang hiện kiểm soát hơn 2/3 cổ phần của Minh Phú, do đó có thể chi phồi hầu như mọi hoạt động của công ty.

Kỹ sư khởi nghiệp với 120 triệu đồng, lập nên “đế chế” trăm triệu đô

Ông Quang sinh ngày 28/10/1958 tại Quảng Ninh (nguyên quán Hải Phòng) nhưng hiện nay đang sinh sống và làm việc tại TP. HCM. Ông đã tốt nghiệp Kỹ sư Công nghiệp chế biến thủy sản.

Ông Quang bắt đầu làm việc trong ngành chế biến thủy sản từ năm 1981, với vai trò một Cán bộ kỹ thuật sở thuỷ sản Minh Hải. Sau đó, từ năm 1983 đến 1988, ông là Phó phòng thu mua Công ty Xuất nhập khẩu Thuỷ sản Minh Hải rồi Quản đốc phân xưởng Công ty Xuất nhập khẩu Thuỷ sản Minh Hải.

Chân dung "vua tôm" Lê Văn Quang

Từ năm 1992 ông chính thức trở thành Chủ doanh nghiệp tư nhân Minh Phú và từ năm 2006 đến nay ông là Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Xuất nhập khẩu Thuỷ sản Minh Phú, Chủ tịch Hội đồng quản trị một số công ty con.

Được biết, khi còn làm trong công ty Nhà nước, với kinh nghiệm của một kĩ sư có nhiều quán sát từ việc mua, bán tôm trên thị trường, ông Lê Văn Quang quyết định đứng làm đại lý thu mua tôm cho một DN tư nhân.

Bốn năm sau, nhờ lợi nhuận tích lũy được từ thu mua tôm với bí quyết mua cao, phân thành phẩm và bán giá cao để có những nguyên liệu, sản phẩm tôm cung ứng cho DN chất lượng, ông Quang chính thức lập DN.

Năm 1992, cơ ngơi của Tập đoàn Minh Phú bây giờ ở thời điểm đó đã được bắt đầu với số vốn khởi điểm 120 triệu đồng, với tên gọi đầu tiên là Xí nghiệp Cung ứng hàng xuất khẩu Minh Phú. Giấy phép kinh doanh xác định hoạt động chính là thu mua, chế biến thủy hải sản cung cấp cho các đơn vị trong tỉnh.

Từ năm 1992 đến những năm 2000, ngành thủy sản VN tiếp tục có những bước phát triển mới. Thị trường bắt đầu mở rộng, cơ ngơi của Minh Phú cũng mở rộng theo.

Năm 1998, Xí nghiệp từ chỗ cung ứng đổi thành Xí nghiệp Chế biến Thủy hải sản Minh Phú. Có thể nói đây chính là cột mốc đánh dấu một bước xác lập của Vua tôm, từ người thu mua đại lí thành người chế biến, tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm thủy hải sản và cũng là nền tảng của Tập đoàn Minh Phú về sau. Năm 2000, Minh Phú đã tăng vốn điều lệ lên 79,6 tỉ đồng – một con số vốn được cho là lớn so với quy mô các DN tư nhân thời điểm đó.

Các sản phẩm chủ đạo của Minh Phú

Theo đánh giá của Undercurrentnews - tạp chí chuyên về thủy sản có trụ sở ở Anh công bố, trong danh sách top 100 DN thủy sản lớn nhất thế giới năm 2014, Minh Phú đứng ở top trên của bảng xếp hạng - thứ 23, nhờ doanh thu tăng 41%. Cũng theo thống kê của tạp chí này, 25 công ty lớn nhất chiếm hơn một nửa tổng doanh thu (57 tỷ USD). Trong đó, riêng Minh Phú ngay từ năm 2011 đã chiếm 5,7% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm của cả nước và đến 2014, Doanh thu đã cán mốc 10.000 tỷ đồng – mục tiêu 550 triệu USD vượt qua nhẹ nhàng và DN đang đến đường nhắm đích 1 tỷ USD.

Vượt qua khủng hoảng, nổi tiếng tầm thế giới

Đằng sau những thành công vang dội như hiện nay, ít ai biết được rằng, Minh Phú cũng đã phải trải qua thời kỳ khủng hoảng, sa lầy.

Nguyên nhân là do quyết định bị cho là vội vàng, khát vọng tích lũy để làm giàu nhanh hơn, để đời sống, công việc tốt hơn và dễ dàng hơn khi thực hiện các mong muốn tiếp theo của ông Quang.

Quyết định sai lầm của ông Quang khởi đầu từ năm 2003 khi ông mở rộng hoạt động kinh doanh của công ty.

Theo đó, Thủy Sản Minh Phú đổi giấy phép hoạt động với việc bổ sung thêm một số ngành nghề trong chức năng kinh doanh như: kinh doanh bất động sản, kinh doanh cơ sở hạ tầng, thi công, xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp.

Đặc biệt, năm 2006, khi MPC được niêm yết trên sàn chứng khoán, cổ phiếu của công ty tăng lên mạnh mẽ.

Thế nhưng, giá cổ phiếu đã không ổn định mà lao đao theo sự đầu tư vào tài chính, bất động sản của công ty.

Đặc biệt, việc đầu tư vào mảng tài chính năm 2007 và khoản đầu tư lên đến 200 tỷ vào Quỹ Tầm Nhìn SSI, quỹ đầu tư chứng khoán do SSI quản lý chính là sai lầm lớn nhất của ông Quang.

Khoản đầu tư này, theo ông Quang không thu được đồng lãi nào nhưng mỗi năm phải trích lập dự phòng tài chính lên đến hơn 50 tỷ đồng.

Chính vì vậy, “vua tôm” đã phải rất đau đầu suy tính làm như thế nào để “rút êm”, sao cho ít thiệt hại nhất.

Chia sẻ với báo giới, ông Quang cho biết, sai lầm đó là do áp lực từ nhiều phía nói rằng làm tôm không bao giờ giàu nhanh, chỉ có đầu tư tài chính mới có thể gia tăng tài sản lên nhiều lần.

“Làm công việc mình không thích và bị chi phối bởi phong trào, đó là sai lầm lớn nhất trong đời tôi. Tôi đã học được một bài học quý: không nên làm những gì mình không thích, không hiểu sâu sắc”, ông nói.

Từ sai lầm đó, ông Quang đã rút kinh nghiệm và đúc rút ra rằng, cần phải tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi mới đem lại hiệu quả cao nhất.

“Làm giàu từ con tôm tuy không nhanh nhưng bền vững”, ông Quang nhấn mạnh.

Sau thất bại trên, ông Quang tập trung xây dựng chiến lược phát triển con tôm, mở rộng cửa đón dòng vốn của các nhà đầu tư ngoại, đón vốn để đầu tư sản xuất kinh doanh, thay cho tiến vào thị trường tài chính.

Với những cố gắng thay đổi, chiến lược phát triển mới trong ngành, Minh Phú đã đạt được thành quả đáng ghi nhận.

Năm 2013, ngành tôm Việt Nam phải đối mặt với khó khăn kép khi kinh tế thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, bất ổn; tôm chết hàng loạt do hội chứng EMS, nguồn cung thiếu hụt, đẩy giá tôm thế giới tăng 15 - 20%. Tuy nhiên, bằng nội lực của mình, Minh Phú vẫn phát triển và tăng trưởng mạnh về doanh thu và kim ngạch xuất khẩu, duy trì vị thế công ty xuất khẩu tôm hàng đầu của Việt Nam và thế giới. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của Công ty đạt gần 520 triệu USD, tăng 40% so với năm trước và chiếm 7,8% thị phần xuất khẩu của ngành thủy sản.

3 tháng đầu năm 2014, Minh Phú tiếp tục duy trì đà tăng trưởng với xuất khẩu tăng 157,79% về lượng và 200,87% về giá trị so với cùng kỳ. Doanh thu thuần đạt 2.793 tỷ đồng, lãi gộp tăng 146%, đạt 394 tỷ đồng. Thu nhập trên mỗi cổ phần của riêng quý I đạt 2.372 đồng.

Sau nhiều năm theo đuổi chiến lược đầu tư bài bản và tăng trưởng bền vững, từ năm 2014, hoạt động của Minh Phú đã bứt phá. Dự kiến, trong năm nay, Tập đoàn gia nhập câu lạc bộ doanh nghiệp có lợi nhuận ngàn tỷ đồng, tính trên quy mô vốn 700 tỷ đồng, hiệu quả hoạt động của Minh Phú đạt mức rất cao. Hiện tôm Minh Phú đã có mặt tại trên 30 nước và vùng lãnh thổ.

Mặc dù Minh Phú là doanh nghiệp lớn trong ngành, nhưng xét về mặt truyền thông, lĩnh vực xuất khẩu thường ít gây được sự chú ý giống như những doanh nghiệp trong ngành hàng tiêu dùng hay lĩnh vực tài chính.

Tuy nhiên, ở tầm thế giới, doanh nhân Lê Văn Quang lại là một người có tầm ảnh hưởng rất lớn đến ngành thủy sản. Năm 2014, ông Quang lọt vào tốp 100 người có ảnh hưởng lớn nhất đến ngành thủy sản toàn cầu, với thứ hạng thứ 54 do Intrafish Seafood, tạp chí chuyên về thủy sản nổi tiếng bình chọn.

Nam Nam (Tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news