Tin mới

Từ vụ xe khách đâm xe cứu hỏa trên cao tốc: Cứu được người này nhưng khiến người khác chết, thì ưu tiên để làm gì

Thứ tư, 21/03/2018, 14:52 (GMT+7)

Sau khi vụ xe khách đâm xe cứu hỏa đi ngược chiều trên cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ khiến 1 chiến sĩ tử nạn, luật sư Giang Hồng Thanh hy vọng cơ quan chức năng sẽ sớm ban hành quy định rõ ràng, cụ thể về những nghĩa vụ của xe ưu tiên.

Sau khi vụ xe khách đâm xe cứu hỏa đi ngược chiều trên cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ khiến 1 chiến sĩ tử nạn, luật sư Giang Hồng Thanh hy vọng cơ quan chức năng sẽ sớm ban hành quy định rõ ràng, cụ thể về những nghĩa vụ của xe ưu tiên.

Hiện trường vụ tai nạn. Ảnh: FB

Vụ tai nạn kinh hoàng giữa xe khách lưu thông trên cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ và xe cứu hỏa của lực lượng PCCC Hà Nội đi ngược chiều trong quá trình đi làm nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn ngày 18/3, đang nổ ra nhiều cuộc tranh luận về hành vi điều khiển của tài xế cả 2 xe tại thời điểm xảy ra tai nạn.

Người thì cho rằng, tài xế xe khách là người có lỗi khi không nhường đường cho xe ưu tiên làm nhiệm vụ. Trong khi đó, quan điểm khác lại cho rằng, cần xem xét trách nhiệm của lái xe PCCC khi nhập làn vào cao tốc.

Từ sự cố này, nhiều người cũng cho rằng cần có quy định rõ về quyền ưu tiên của xe được được quyền ưu tiên khi đi làm nhiệm vụ.

“Qua vụ việc hy vọng cơ quan chức năng sẽ sớm ban hành quy định rõ ràng, cụ thể về những nghĩa vụ của xe ưu tiên, chứ không phải vì được quyền nên muốn đi thế nào cũng được. Cứu được người này nhưng khiến người khác chết, thì ưu tiên để làm gì”, luật sư Giang Hồng Thanh phân tích.

Quyền ưu tiên nhưng phải có giới hạn và hướng dẫn cụ thể

Theo luật sư Nguyễn Thành Công (Công ty Luật TNHH Đông Phương Luật), quyền ưu tiên không có giới hạn và không có hướng dẫn cụ thể, đây chính là bất cập liên quan đến quản lý, vận hành và khai thác đường cao tốc.

Luật Giao thông đường bộ được soạn thảo và ban hành trong khoảng thời gian 2008, đây là thời điểm Việt Nam chưa có tuyến đường cao tốc nào, mà phải đến năm 2010 mới hoàn thành tuyến đường cao tốc đầu tiên.

Vì lý do đó, các quy định về vận hành, sử dụng đường cao tốc trong Luật Giao thông đường bộ chưa tiếp thu được những vấn đề thực tiễn, còn tồn tại, phát sinh nhiều điểm bất cập và đó chính là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến vụ việc như trên.
 
Cho dù Luật giao thông đường bộ quy định xe ưu tiên khi đi làm nhiệm vụ không bị hạn chế tốc độ, được phép đi vào đường ngược chiều thì việc chạy ngược chiều trên đường cao tốc là quá nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho cả xe ưu tiên và các loại phương tiện khác khi tham gia. Khi cơ quan phòng cháy và chữa cháy nhận được tin báo về cháy nổ và điều động xe cứu hỏa di chuyển ngược chiều vào đường cao tốc thì ít nhất phải thông báo cho CSGT đang làm nhiệm vụ tại tuyến đường đó hoặc Ban quản lý đường cao tốc để có những phương án chủ động kịp thời như cảnh báo các phương tiện, phân luồng giao thông nhằm giảm thiểu nguy hiểm cho các phương tiện tham gia.
 
Trong thời gian tới, Luật Giao thông đường bộ trong lĩnh vực quản lý và vận hành đường cao tốc cần phải có những điều chỉnh để phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn trong hơn tám năm sử dụng và khai thác đường cao tốc, nhằm tránh được những sự việc đáng tiếc như trên xảy ra.
 
Đức Hòa (tổng hợp)
Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news