Tin mới

Chuyện “trâu ta ăn cỏ đồng ta” ở làng tỷ phú Việt Nam

Thứ ba, 01/07/2014, 14:13 (GMT+7)

(Tinmoi.vn) Từ xưa, làng tỷ phú Đồng Kỵ (Từ Sơn, Bắc Ninh) đã có tục con trai, con gái trong làng chỉ được lấy nhau, không được lấy người ngoài…


 

(Tinmoi.vn) Từ xưa, làng tỷ phú Đồng Kỵ (Từ Sơn, Bắc Ninh) đã có tục con trai, con gái trong làng chỉ được lấy nhau, không được lấy người ngoài…

Làng nghề thủ công mỹ nghệ Đồng Kỵ (Từ Sơn, Bắc Ninh) lâu nay còn nổi tiếng với tên gọi "làng tỷ phú". Cả làng tính ra có tới hàng trăm tỷ phú. Ngoài sự giàu có, Đồng Kỵ vẫn giữ được những nét văn hóa được truyền lại từ ngàn xưa của đất Kinh Bắc. Trong đó tiêu biểu nhất là chuyện dựng vợ, gả chồng của trai gái trong làng... 

"Trâu ta ăn cỏ đồng ta"

Các cụ xưa từng có câu "trâu ta ăn cỏ đồng ta, bao giờ cỏ hết mới ra đồng người" là ý khuyên con cái trong việc lấy dựng vợ, gả chồng thì ưu tiên tìm hiểu, lấy những đối tượng thường xuyên gần gũi, quen mặt, biết người là hơn cả. Thời nay tuy đã khác, chuyện dựng vợ gả chồng cho con cái không còn khắt khe, câu nệ chuyện xa gần như trước nhưng khi đến làng Đồng Kỵ (Từ Sơn, Bắc Ninh) nhiều người vẫn không khỏi bất ngờ khi biết lệ làng là con trai con gái thường không lấy vợ, lấy chồng thiên hạ mà “ưu tiên” lấy người trong làng làng vẫn hiện hữu nơi đây.

Chuyện dựng vợ gả chồng tại “làng tỷ phú” Đồng Kỵ còn giữ lại khá nhiều nét chính của phong tục truyền thống từ xa xưa.

Cụ Vũ Văn Khánh (75 tuổi), một cao niên trong làng cho biết, trước đây chuyện dựng vợ gả chồng cho con cái là một tục lệ khá đặc biệt ở Đồng Kỵ, gia đình nào cứ có con trai lên 8 tuổi là cha mẹ chàng trai đã để ý nhắm tìm xem trong làng có cô gái nào khỏe mạnh, nhanh nhẹn, ướm có tướng mắn con, gia đình lành lẽ. Sau khi bàn bạc với ông bà nội, tham khảo thêm ý kiến của ông chú bà bác sẽ cho người mai mối, đánh tiếng để tính chuyện trăm năm cho con trai mình.

Nếu thuận lợi, nhà trai chọn ngày lành tháng tốt sửa soạn cơi trầu sang bên nhà gái nói chuyện cùng gia đình nhà gái, đợi đến khi cả hai trưởng thành sẽ cho đôi bạn trẻ kết duyên tơ hồng. Và như thế là cả làng đã biết cô gái đó đã “có nơi có chốn” rồi và dẫu gia đình khác dù có "ưng" cô gái đó đến đâu nhưng đành coi như mình chậm chân và đi tìm cô gái khác cho con trai mình. Khi đã ngắm được gia đình “hợp” với nhà mình, họ cho hai con tìm hiểu nhau trong một thời gian gắn nếu hai bên ứng ý sẽ tiến hành hôn lễ, còn không cũng không bắt ép và lại tiếp tục tìm hiểu đám khác.

Theo nhiều cụ cao niên cho biết, ở Đồng Kỵ con gái có độ tuổi từ 18-22 là độ tuổi xuất giá đẹp nhất và được các trai làng để ý, còn lớn tuổi hơn một chút thì xem như đã là... ế. Hầu như con gái xinh xắn, ở độ tuổi cập kê thì con trai thiên hạ sẽ khó mà lấy được, chỉ có cô nào kém  phần "nhuận sắc" hay quá lứa lỡ thì mới đi lấy chồng ở ngoài.

Ăn cỗ cũng….lạ

Ngoài ra, việc cưới xin ở đây cũng khá độc đáo khi vẫn giữ những nét chính của phong tục truyền thống từ xa xưa. Lễ cưới ở Đồng Kỵ cũng khá đặc biệt, trước hôm cưới nhà trai dâng đồ lễ cho nhà gái đủ làm cỗ mời họ hàng, làng xóm. Đồ dẫn cưới thường là 2,5 tạ thịt lợn, 20 nồi gạo tẻ, 5 nồi gạo nếp, trầu cau chè lá đủ dùng theo yêu cầu của nhà gái.

Ngày đón dâu, nhà trai chuẩn bị một tráp trầu têm sẵn, miếng cau trong tráp phải là nửa quả, đây là lệ Trầu Tráp rất quan trọng trong đám cưới ở Đồng Kỵ. Số cau trong tráp trầu đón dâu không bao giờ là số chẵn mà phải là số lẻ. Cụ thể, số lượng tuy không quy định nhưng thường là 21 hoặc 23 miếng. Số trầu cau này sẽ được chia cho mỗi người một miếng, nhà gái đã tế nhị nhẩm đếm số người của cả hai họ có mặt trong đám cưới để mâm nào cũng có một đĩa bốn miếng tại mỗi mâm cỗ. Đến nay lệ Trầu Tráp vẫn được dân làng duy trì trong đám cưới, nghi lễ này được xem là một tục lệ mang tính văn hóa cao thể hiện truyền thống trọng lễ vốn có của người Kinh Bắc.

Mặc dù cuộc sống vật chất tại Đồng Kỵ khá phát triển nhưng trong làng vẫn giữ được tập tục cổ truyền khiến nhiều nhà nghiên cứu văn hóa khi về đây rất ngạc nhiên và thích thú. Đặc biệt là lệ ra đình Đồng Kỵ họp hội làng và phân chia vai vế, tôn ti trật tự khá rõ ràng.

Trước kia, việc ăn đám cỗ tại làng Đồng Kỵ cũng khá khắt khe theo một qui tắc nhất định khi mà gia chủ phải sắp xếp một mâm cỗ chỉ có 4 người, lần lượt người ngồi ngoài cùng ít tuổi nhất gần chỗ đặt cơm canh để phục vụ người lớn tuổi hơn, nếu đến sau cũng phải tự ý vào chỗ đó, chứ tuyệt đối không được ngồi trong. Đặc biệt không có chuyện người nhiều tuổi hơn lấy cơm, canh cho người ít tuổi. Bây giờ nề nếp ăn uống còn thoáng và thông cảm hơn nhiều, thậm chí trước kia người nhiều tuổi hơn ăn gì người ít tuổi hơn mới được gắp theo.

Ngoài sự giàu sang phú quý, làng Đồng Kỵ vẫn giữ được những nét văn hóa được truyền lại từ ngàn xưa của đất Kinh Bắc 

Lý giải những tập tục trong chuyện dựng vợ gả chồng cho con cái ở làng Đồng Kỵ, theo ông Nguyễn Khánh Tu, Trưởng ban di tích phường Đồng Kỵ cho biết: Con gái con trai Đồng Kỵ thường lấy người trong làng chứ rất hiếm khi lấy ở thiên hạ một phần vì từ xa xưa nhà gái thường thách cưới cao hơn hẳn so với các làng khác bởi vậy con trai ở ngoài rất hiếm khi đến đây hỏi vợ, phần khác vì việc cưới hỏi của con cái vẫn có sự quyết định lớn từ phía ông bà cha mẹ. Chỉ thời gian gần đây nhiều gia đình ở Đồng Kỵ mới thay đổi suy nghĩ, còn trước đó nhà có con gái sẽ do ông bà bố mẹ sắp đặt, bắt lấy ai thì phải lấy, nhất nhất tuân theo. Gần đây có một số đám cưới theo kiểu ép duyên như thế, ngày cưới cô dâu trốn biệt tăm và dần dần kiểu cưới xin “cha mẹ đặt đâu con cái ngồi đó” có phần ít nhiều thay đổi.

Quy định “chiếu trên chiếu dưới”

Không chỉ có tập tục truyền thống trong chuyện dựng vợ gả chồng cho con cái mà tại làng Đồng Kỵ, chuyện phân vai vế, tôn ti trật tự khi ra đình làng vẫn còn khá rõ rệt. Hàng năm cứ mùng 4 tháng Giêng, dân làng Đồng Kỵ lại tưng bừng mở hội làng. Đây cũng là thời điểm mở cửa chùa, đền, đình để đón các cụ thượng thọ trong làng ra tề tựu, uống nước xơi trầu cùng với người dân thắp hương, làm lễ Thánh cầu cho một năm mới làm ăn phát đạt cùng những điều tốt đẹp nhất sẽ đến.

Trong tập tục của làng qui định rất rõ ai tuổi nào được ngồi vào chiếu nào, ai không được ngồi. Các cụ ra đình phải ngồi theo thứ tự “chiếu trên chiếu dưới”, trái phải rõ ràng, ai được ngồi chiếu trên, ai phải ngồi chiếu dưới. Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa khi về đây rất ngạc nhiên và thích thú trước “cái phép” của làng, người tuổi trên thì ngồi chiếu trên, tuổi dưới thì ngồi chiếu dưới không thể lẫn lộn. Cụ 100 tuổi thì ngồi với các cụ 100 tuổi. Nếu chỉ có một cụ 100 tuổi thì mình cụ đó ngồi chiếu trên.

Tiếp theo lần lượt là các cụ dưới hơn một chút như 99, 98 tuổi. Ngoài mấy ngày hội chính của làng diễn ra từ mùng 4 - 6 tháng Giêng, cửa đình cũng mở hai lần nữa để họp các cụ và các ban bệ trong làng để tổng kết những việc đã làm được trong suốt một năm vào ngày 12/11 (âm lịch) và bàn việc cần làm sắp tới hay sửa hương ước vào ngày 10/1 (âm lịch). Hai ngày họp làng thì các cụ ông sẽ ngồi bên tay phải, cụ bà bên tay trái.

Thuận Phong - Huy Anh

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news