Tin mới

Tuổi thơ cay đắng khiến cô học trò giỏi thành nữ tướng cướp tuổi teen khét tiếng

Thứ hai, 29/09/2014, 10:12 (GMT+7)

Ngày bị công an Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) bắt về tội cướp giật tài sản, nữ sinh Trần Thị Hồng Ngọc (SN 1998, ngụ phường Chánh Nghĩa, TP. Thủ Dầu Một) “hồn nhiên” khai: Bản thân không thể nhớ đã gây ra bao nhiêu vụ cướp giật.

Ngày bị công an Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) bắt về tội cướp giật tài sản, nữ sinh Trần Thị Hồng Ngọc (SN 1998, ngụ phường Chánh Nghĩa, TP. Thủ Dầu Một) “hồn nhiên” khai: Bản thân không thể nhớ đã gây ra bao nhiêu vụ cướp giật.

Điều khiến cơ quan điều tra ngán ngẩm hơn là mới 16 tuổi, Ngọc đã sở hữu “thành tích” tình trường với 2 lần nạo thai khi “sống thử” với “đồng nghiệp”. Càng xót xa hơn khi biết trước lúc sa chân vào con đường tội lỗi, Ngọc từng là một học sinh giỏi, là niềm hy vọng của cả gia đình.

Sai lầm của người làm cha mẹ

Tiếp phóng viên, ông Trần Sinh Chu (SN 1950, ngụ tại Khu phố 10, P. Chánh Nghĩa, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, ông nội Ngọc) bắt đầu câu chuyện về cô cháu gái với tiếng thở dài: “Nếu Ngọc có tình yêu thương đầy đủ của ba, mẹ như những đứa trẻ khác thì đã không hư hỏng như vậy”.

Gần 20 năm trước, cha Ngọc đi bộ đội nghĩa vụ đóng quân ở huyện Long Khánh (tỉnh Đồng Nai) thì tình cờ gặp và yêu cô thôn nữ tên Hồng Phượng. Tình yêu tuổi mới lớn là những tò mò, khám phá và không tránh được những phút “dại dột”. Khi chưa kịp hiểu rõ về nhau, Hồng Phượng đã mang thai. Ngày con trai xuất ngũ, ông Chu ngỡ ngàng khi thấy anh dẫn theo người yêu bụng đã lùm lùm về nhà giới thiệu. Trước sự thể đã rồi, ông Chu đành tặc lưỡi chấp nhận tổ chức đám cưới.

Ông Trần Sang Chu buồn bã kể về đứa cháu nội.

Sau khi lập gia đình, cha Ngọc làm tài xế lái xe Bắc - Nam. Ông bố trẻ vẫn quen với lối sống vô tư bay nhảy, “trêu hoa ghẹo nguyệt”, có khi cả tuần mới về nhà. Cô vợ trẻ vốn chưa quen lo toan, lại thấy tính chồng “ong bướm” nên sinh ra ghen tuông, hờn dỗi.

Khi những mâu thuẫn nổ ra, anh chồng lý luận: Vợ không thể là mối quan tâm duy nhất. Ngược lại, mẹ Ngọc một mực yêu cầu: Người đàn ông phải có trách nhiệm lo lắng cho gia đình. “Hai vợ chồng trẻ không ai chịu nhường ai. Chán nản, con trai tôi bỏ đi biền biệt. Những lúc hiếm hoi nó trở về, con vợ ương ngạnh cũng chẳng thèm chuyện trò, tâm sự khiến cuộc sống gia đình ngày càng ngột ngạt”.

Cha mẹ “chiến tranh” thì con nhỏ luôn là đối tượng phải chịu nhiều bất hạnh nhất. Sau lễ đầy tháng của Ngọc, cha mẹ cô quyết định sống ly thân, mỗi người một ngả. Từ ngày mẹ bỏ đi, việc sinh hoạt, ăn uống và dạy dỗ Ngọc đều do ông bà nội đảm nhận.

Ông Chu kể: “Năm Ngọc vào lớp 1, mẹ cháu xin đón con về Long Khánh để tiện chăm sóc. Nhưng chăm một đứa trẻ không đơn giản, cái Phượng (mẹ Ngọc – PV) từ trước tới giờ chưa từng phải lo lắng cho con ăn uống, sinh hoạt. Thế nên vừa đón con về được một năm, nó đã mang con về nhờ vợ chồng tôi.

Ngọc là đứa bé thông minh, nhạy cảm, sớm ý thức được hoàn cảnh của mình. Có lần cháu hỏi: “Sao ba mẹ con không sống với nhau? Có phải con là người thừa nên bị đẩy qua đẩy lại không?” Tôi nghe mà đau xót”.

Ông Chu cho biết thêm, năm học lớp 6, Ngọc từng tâm sự với cô giáo chủ nhiệm, ước mơ duy nhất là cha mẹ quay lại với nhau, được cha mẹ đưa đón đi học như các bạn. Nhưng sau ngày cha mẹ chính thức ly hôn, mong muốn đó của cô bé không bao giờ thành hiện thực.

Ngày cha lấy vợ mới, mẹ Ngọc đến đón con về ở chung. Nhưng lúc đó, chị Phượng cũng đã có hạnh phúc mới nên sự chăm lo cho con gái không được trọn vẹn. Sau ngày Ngọc bị bắt, chị Phượng từng tâm sự đã nhận thấy con gái có biểu hiện bất thường. Thời gian sống bên mẹ, Ngọc vui buồn thất thường, hay hằn học với cha dượng. “Có thể Ngọc thấy chỗ dựa lớn nhất cũng thay đổi, đã thuộc về người khác nên con bé không còn tin vào tình thương của mẹ”, ông Chu chia sẻ.

Rời đèn sách thành kẻ cướp giật

Sống với mẹ một thời gian, Ngọc lại trở về ở cùng ông bà nội. Nhưng cũng từ đó, cô nữ sinh bắt đầu thay đổi. Từ chỗ liên tục là học sinh giỏi, Ngọc dần sa sút. Khi bị ông bà la mắng, cô bé bướng bỉnh cãi lại, hoặc nếu không thì giận dỗi bỏ về nhà mẹ.

Nhận thấy những biểu hiện bất thường của cháu, ông Chu nhiều lần nhỏ to dặn con dâu cũ phải nghiêm khắc dạy dỗ Ngọc. Ông lo sợ nếu tình trạng này kéo dài thì Ngọc sớm muộn cũng sa vào con đường hư hỏng. “Tôi đã nhắc đi nhắc lại nhưng Phượng lại không nghe theo. Thay vì nghiêm khắc dạy con, nó lại dung túng cho những hành động của Ngọc. Suốt một năm trời, con bé liên tục đi lại giữa nhà tôi và mẹ nó. Những lúc nó không ở nhà, tôi không biết đường nào mà kiểm soát. Rồi bước vào năm học lớp 8, nó dọn hẳn đồ đạc chuyển sang ở với mẹ. Sau này, tôi mới được cô giáo Ngọc kể: “Cháu từng tâm sự ông bà nội khó tính lắm. Cháu thích tự mình đi học, không muốn ai giám sát, đưa đi đón về như em bé”, ông Chu nhớ lại.

Ngọc được mẹ sắm cho chiếc xe đạp điện để tiện đi học. Nhưng 2 tháng sau khi có xe, cô nữ sinh đã bỏ học, nhất quyết không chịu đến lớp nữa. Vừa hay tin “sét đánh”, ông Chu vội sang tận nơi đón cháu nội về, “cưỡng chế” đến trường.

Nhưng vừa về nhà ông bà nội hôm trước thì hôm sau, Ngọc đã âm thầm bỏ đi bụi. Thời gian ấy, ông Chu đã nghe tin cháu nội đi cướp giật, sống bầy đàn với đám choai choai cùng tuổi. Càng nghĩ càng xót xa, ông nhiều lần cất công đi tìm. Song vừa thấy bóng dáng người thân, Ngọc đã nhanh chóng chuyển chỗ hoặc chạy trốn mất dạng. “Sau mấy lần tìm kiếm không thành, tôi lại nghĩ nó sẽ tự về.

Mới hơn chục tuổi đầu, gia đình không cung cấp tiền bạc thì nó làm sao tự sống nổi ngoài xã hội. Không ngờ, nó tự nuôi thân bằng cách đi cướp”, giọng ông Chu lộ rõ vẻ chán nản.

Ngày công an báo tin cháu gái bị bắt vì tội cướp giật tài sản, với tập hồ sơ là hàng loạt vụ cướp giật táo tợn của học sinh ngay cổng trường hoặc trên đường, ông Chu bàng hoàng không dám tin vào tai mình.

Tại cơ quan điều tra, Ngọc khai đã quen Trần Quang Hiếu (SN 1996, quê Thừa Thiên - Huế) và Bùi Anh Lê (SN 1998, quê Đồng Nai) từ khi sống với bà ngoại ở Long Khánh. Trước đây, Ngọc vẫn hy vọng cha mẹ sẽ trở về bên nhau nên em không buồn nhiều. Từ lúc chứng kiến cha mẹ ly dị rồi có hạnh phúc mới, Ngọc cảm thấy mình trở thành người thừa.

Cũng vì mặc cảm, xấu hổ với bạn bè, cô bé chẳng còn thiết tha đến việc học. Đúng vào thời gian mẹ đón về ở cùng, Ngọc gặp lại Hiếu và Lê – hai người bạn trai hư hỏng rồi nhanh chóng kết thân thành một nhóm.

Ngày bị ông bà bắt về ép đi học lại, Ngọc phản ứng bằng cách bỏ nhà, thuê nhà nghỉ sống như vợ chồng với Hiếu. Kết quả của hành động dại dột ấy là cô bé phải đi phá thai đến 2 lần. Để có tiền tiêu xài, cả nhóm bàn nhau đi cướp giật tài sản của các nữ sinh. Theo phân công, Ngọc sẽ trực tiếp ra tay, Hiếu là tài xế còn Vũ đóng vai trò người cản đường. Sau khi Ngọc “ăn hàng” thành công, Vũ đi phía trước sẽ giảm tốc độ, lạng lách xe để kiềm chân những người truy đuổi.

Khoảng một tháng đầu, nhóm Ngọc chỉ thực hiện những “mối” mình biết từ thời còn đi học. Nhưng sau này, chính Ngọc phải đóng giả nữ sinh vào trường học để tìm kiếm những “con mồi” giàu có. Với thủ đoạn này cùng “chiến thuật” thường xuyên thay đổi điểm gây án và chỗ ở, nhóm Ngọc trở thành nỗi ám ảnh của các nữ sinh khu vực Bình Dương – Sài Gòn với hàng chục vụ trộm cắp, cướp giật.

Số lượng các vụ cướp nhiều đến nổi chính “nữ quái” tuổi teen cũng không nhớ hết.

“Ngày nó bị bắt, tôi dọn dẹp quần áo thì phát hiện một cuốn album lưu giữ rất nhiều hình ảnh chụp khi gia đình còn hạnh phúc, kể cả hình cưới của cha mẹ. Đây là tấm hình tôi trước đây bỏ ở trong cuốn album chung của gia đình. Nghe nói khi đi học, một số bạn học hay trêu ghẹo nó là con hoang. Giá như Ngọc có một mái ấm hạnh phúc thì đã không ra nông nỗi này”, ông Chu buồn bã nói về cô cháu gái.

Theo Giadinh.net.vn

 

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: cháu nội