Tin mới

Tướng Sùng Thìn Cò: "Giáo dục cán bộ phải thấy tiền không thích"

Thứ năm, 09/11/2017, 21:04 (GMT+7)

Trong cuộc thảo luận tại tổ về Dự luật phòng chống tham nhũng sửa đổi, chiều nay (9/11) của các đại biểu Quốc hội,  tướng  Sùng Thìn Cò cho rằng, muốn chống tham nhũng, cán bộ phải lấy đức làm gốc, phải kiên định, thấy tiền không thích, thấy gái không ham.

Trong cuộc thảo luận tại tổ về Dự luật phòng chống tham nhũng sửa đổi, chiều nay (9/11) của các đại biểu Quốc hội,  tướng  Sùng Thìn Cò cho rằng, muốn chống tham nhũng, cán bộ phải lấy đức làm gốc, phải kiên định, thấy tiền không thích, thấy gái không ham.

Theo Trí thức trẻ, VTC đưa tin, sau khi nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về Dự luật phòng chống tham nhũng sửa đổi, chiều nay (9/11), Quốc hội tiếp tục thảo luận tại tổ về dự luật này. Phát biểu thảo luận tại tổ, ĐBQH, Thiếu tướng Sùng Thìn Cò (ĐBQH đoàn Hà Giang) cho rằng, tham nhũng làm mất lòng tin chứ không phải phản bội lòng tin của nhân dân.

“Quan chức về hưu làm nhà thờ họ vài chục tỷ có kê khai không?, dân rất bất bình. Giỗ chạp thì xe to xe nhỏ, ách tắc cả giao thông. Tóm lại, đó là không bình thường”, dẫn nguồn tin từ Trí thức trẻ, đại biểu thẳng thắn nói.

Thiếu tướng Sùng Thìn Cò.Ảnh Trí thức trẻ

Ngoài ra, Đại biểu Sùng Thìn Cò cũng nhấn mạnh: "Cán bộ không tốt thì dân không được nhờ, đức là gốc của người cán bộ. Có tài không có đức thì hại nước hại dân. Nên phải làm sao giáo dục cán bộ kiên định vững vàng, thấy tiền không thích; gái đẹp không đòi hỏi. Tôi là người lính đã từng cầm súng chiến đấu thì phải đấu tranh chống giặc nội xâm này. Kê khai tài sản khó lắm. Chả biết ai có, ai không”.

Đồng thời, tướng Sùng Thìn Cò còn nói thêm, việc kê khai tài sản phải trung thực, không nên để tình trạng khi kê khai thì cán bộ dưới xuôi lại… nghèo hơn cán bộ miền ngược.

Phát biểu tại tổ, ĐBQH, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái (ĐBQH đoàn Bạc Liêu) cho rằng: "Tham nhũng phức tạp, người tham nhũng là công chức, người có trình độ hiểu biết một khi mà có ý đồ giấu giếm thì việc phát hiện khó khăn. Do đó, trong phòng chống tham nhũng - quan điểm cá nhân tôi - phòng là chính. Chúng ta thiết kế làm sao, để cho người có ý đồ tham nhũng không thể tham nhũng, còn để tham nhũng rồi phát hiện, xử lý rất đau lòng.

Luật rất quan tâm đến biện pháp phòng ngừa. Làm sao thiết kế khuôn khổ pháp lý để phòng ngừa thật chặt để muốn tham nhũng, thậm chí lợi dụng kẽ hở để tham nhũng cũng không được. Có cơ chế kiểm soát, làm được việc này thì việc xử lý sẽ ít đi. Việc phòng ngừa có nhiều công cụ. Đầu tiên là thiết kế quy chế làm việc hết sức chặt chẽ, công khai minh bạch khi chuyển đổi vị trí công tác …Hiện nay trong luật cũ, đối tượng phải kê khai 1,1 triệu người nhưng kết quả đánh giá việc kê khai mới chỉ “hình thức”. Lần này sửa, chúng tôi đề nghị tập trung tính toán đối tượng đủ điều kiện để quản lý được. Làm sao, cán bộ kê khai đó buộc phải trung thực, phải báo cáo phản ánh nguồn gốc tài sản rõ ràng”.

Dẫn nguồn từ VTC, Thượng tướng Lê Quý Vương thì cho rằng, thực tế đối tượng tham nhũng rất đa dạng, không chỉ là lãnh đạo, quan chức.
"Vấn đề xác định được đối tượng tham nhũng, thông thường từ trước nay đều xác định là người có chức vụ, có quyền hạn, tức là có điều kiện để tham nhũng. Nhưng vừa qua kiểm tra ở một số địa phương, ngay cả nhân viên kế toán của nhà trường cũng thông đồng với hiệu trưởng làm sai lệch để rút tiền, quyết toán khống.

Trong quản lý kinh tế giữa người thủ trưởng và người kế toán gắn bó với nhau. Nếu không có kế toán thì không thể lấy tiền ra. Do đó, quy định đối tượng thế nào phải rất cân nhắc”, tướng Vương cho hay.

Hà Trang (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news