Tin mới

Tướng Sùng Thìn Cò: Kê khai 3 đời, người dân mới biết cán bộ có những tài sản gì

Thứ tư, 08/11/2017, 19:26 (GMT+7)

Thiếu tướng Sùng Thìn Cò cho rằng, việc kê khai rõ 3 đời đã có từ rất lâu chứ không phải bây giờ mới nói và nếu không khai như vậy thì không thể biết cán bộ có tài sản gì.

Thiếu tướng Sùng Thìn Cò cho rằng, việc kê khai rõ 3 đời đã có từ rất lâu chứ không phải bây giờ mới nói và nếu không khai như vậy thì không thể biết cán bộ có tài sản gì.

Hôm nay (8/11), bên lề kỳ họp Quốc hội, Thiếu tướng , Phó Tư lệnh quân khu 2 (đoàn Hà Giang) đã có những trao đổi xung quanh đề xuất trước đó của ông trong phòng chống tham nhũng.

Cụ thể, tại phiên thảo luận về công tác tư pháp, đấu tranh phòng chống tội phạm, tham nhũng vào sáng 7/11, Thiếu tướng Sùng Thìn Cò, Phó Tư lệnh Quân khu 2 (đoàn Hà Giang) đã cho rằng: "Trong vấn đề chống tham nhũng, khi nói về kê khai tài sản thì ít nhất phải khai báo 3 đời và sau đó phải công khai, treo ở các nơi, công chúng nhìn được thì người dân mới giám sát rõ".

Một số ý kiến cho rằng, việc ông đề xuất cần kê khai tài sản 3 đời của cán bộ là rất hay nhưng không dễ để thực hiện, ông nghĩ sao về điều này?

Việc kê khai rõ 3 đời đã có từ rất lâu rồi chứ không phải bây giờ mới nói. Khi muốn vào Đảng hiện nay cũng yêu cầu các cá nhân phải khai lý lịch rõ ràng 3 đời. Nếu anh không khai 3 đời thì làm sao có thể biết được cán bộ có những tài sản gì.

Ngay như Tổng thống các nước họ kê khai tài sản mấy chục trang, rõ ràng về tài sản. Ở ta nếu làm chỉ cần kê khai một đoạn ngắn thôi có gì đâu. Tài sản trên 50 triệu thì khai báo, quy định rõ rồi.

Ví dụ, ông Sùng Thìn Cò về tài sản ông có những gì, con ông ở đâu, có những gì... và chỉ kê khai những tài sản lớn thôi, trên 50 triệu đồng. Làm như thế người dân mới biết rõ được.

Ông có đề xuất nên làm phiếu thăm dò đối với cán bộ công chức và nhân dân xem vị nào có tham nhũng nhiều nhất sẽ cho nghỉ. Vậy, chúng ta nên thực hiện thế nào để đạt hiệu quả nhất?

Chúng ta có thể làm phiếu thăm dò như phiếu đánh giá tín nhiệm đối với cán bộ.

Còn làm thì có thể thăm dò ở mức độ cơ quan hoặc tất cả cán bộ công nhân viên chức của huyện, tỉnh đó đối với người lãnh đạo các cấp, ở các vị trí nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng như ở các sở, phòng, ban cả trong Đảng, chính quyền... rồi ở các phòng liên quan đến tiền nong, đầu tư các dự án, ban quản lý dự án, văn phòng UBND...

Sau khi thăm dò, nếu xem những vị nào tham nhũng, tiêu cực nhất thì cho nghỉ.

Nhưng một số ý kiến cho rằng, Luật phòng chống tham nhũng không có hành lang pháp lý để thực hiện việc làm phiếu thăm dò như thế này?

Không phải không có cơ sở pháp lý để làm việc thăm dò này mà mình có làm hay không thôi. Bởi vì, giữa cái thực tiễn và pháp luật thì pháp luật luôn đi sau xã hội, anh không thể quy phạm được hết các vấn đề phát sinh.

Còn tôi nghĩ, ở đây, pháp luật có rồi thì cần phải có cơ chế, chế tài để thực hiện, xử lý.

Phát biểu trước Quốc hội vào sáng 7/11, đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng, về lý thuyết chống tham nhũng ở Việt Nam là "dễ nhất thế giới" bởi muốn tham nhũng phải có quyền lực và nước ta gần như quyền lực thuộc về Đảng.

Đảng viên cũng chỉ là thiểu số cư dân, chỉ 1/20 dân số. Trong 1/20 dân số thì cũng chỉ thiểu số trong đó quyền chức thực sự và ở những người đó, cũng chỉ có một số ít người tham nhũng.

Ông nhìn nhận thế nào về ý kiến này?

Tôi đi nhiều tôi biết, chưa chắc mấy ông lãnh đạo huyện, tỉnh hay trưởng các Bộ, ngành đã tham nhũng, lấy tiền của dân mà chính một số cán bộ chuyên môn ở các cơ quan đơn vị đó, nơi dễ xảy ra tham nhũng đã lạm dụng chức quyền của các ông để tham nhũng, tiêu cực.

Ví dụ như mấy cán bộ chuyên môn ép người dân là phải đưa họ từng này, từng kia mới làm cho việc này việc khác nhưng mấy vị lãnh đạo đâu có biết.

Tôi nghĩ rằng, không phải tất cả lãnh đạo đều tham nhũng, bởi nếu mà như vậy thì hỏng hết từ lâu rồi. 

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news