Tin mới

Tượng Vua Hùng "da trắng, môi đỏ" gây tranh cãi: Cán bộ văn hóa tỉnh Gia Lai lên tiếng

Thứ tư, 13/05/2015, 07:58 (GMT+7)

Liên quan đến bức tượng Vua Hùng "da trắng, môi đỏ" gây tranh cãi, lãnh đạo Sở VHTTDL cho biết, sẽ có chỉ đạo điều chỉnh lại về mặt mỹ thuật để đáp ứng sự tôn kính của nhân dân đối với Quốc Tổ Hùng Vương.

Liên quan đến bức tượng Vua Hùng "da trắng, môi đỏ" gây tranh cãi, lãnh đạo Sở VHTTDL cho biết, sẽ có chỉ đạo điều chỉnh lại về mặt mỹ thuật để đáp ứng sự tôn kính của nhân dân đối với Quốc Tổ Hùng Vương.

Như tin tức đã đưa, bức tượng Quốc Tổ Vua Hùng với "nước da trắng như tuyết, môi đỏ như son, móng tay đỏ chót, râu và tóc đen như gỗ mun" gây tranh cãi dữ dội trên Cộng đồng mạng nhiều ngày qua. Trong đó, có ý kiến cho rằng bức tượng trên giống như chú Tễu ở các vở tuồng, chèo dân gian, hoặc những nhân vật trong các câu chuyện xưa.

Trao đổi trên Dân trí, ông Ngô Tuyến, Trưởng phòng nghiệp vụ văn hóa- Sở VHTTDL tỉnh Gia Lai- cho biết, tới đây Sở sẽ tổ chức họp hội đồng Nghệ thuật để đưa ra cách chỉnh sửa tượng Quốc Tổ ở Công viên Đồng Xanh (xã An Phú, TP Pleiku) cho phù hợp hơn. 

Ông Tuyến cho biết, tượng Quốc Tổ Vua Hùng tại Công viên Đồng Xanh (TP Pleiku, Gia Lai) được dựng năm 2007, là loại tượng thờ cúng trong nhà.

Tượng Vua Hùng

Cư dân mạng bức xúc trước tượng Quốc tổ "lòe loẹt". (Ảnh Thanh Niên)

Tuy nhiên, trước ý kiến của dư luận về bức tượng Quốc Tổ Vua Hùng này đã gây phản cảm, về góc độ đánh giá của Sở VHTTDL- Đây là bức tượng được đầu tư công phu (Tượng cao 6m, được làm bằng gỗ mít nguyên khối, nặng gần 6,5 tấn, sơn thếp vàng bên ngoài do nghệ nhân Đinh Văn Chiêu thực hiện). Về mặt quy mô là hoành tráng, về mặt nghệ thuật còn hạn chế. Vì đây là loại tượng tương tự tượng thờ cúng (như ở các đền thờ thành hoàng) nên không tránh khỏi việc sơn vẽ tả thật. Tuy nhiên nghệ nhân không tiết chế được liều lượng, sắc độ (vì đây là tác phẩm do nghệ nhân thực hiện, không qua hội đồng nghệ thuật) và được Công ty CTC xây dựng trong khuôn viên của mình và Công ty chịu trách nhiệm về nội dung này.

“Qua việc này, Sở VHTTDL sẽ có chỉ đạo để Công ty CTC điều chỉnh lại về mặt mỹ thuật để đáp ứng sự tôn kính của nhân dân đối với Quốc Tổ Hùng Vương”, ông Tuyến cho biết thêm.

Trước đó, trên báo Công an Nhân dân cho biết, nhân dịp Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2015, ngày 28/4 vừa qua, Công ty cổ phần Dịch vụ Du lịch Gia Lai đã tổ chức Lễ dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ các Vua Hùng và đón nhận Bằng kỷ lục quốc gia Việt Nam về công trình quần thể tượng Quốc tổ và 18 Vua Hùng được Tổ chức kỷ lục Guiness Việt Nam công nhận lớn nhất Việt Nam.

Theo VOV cho biết, Công trình tượng Quốc tổ và 18 tượng Vua Hùng do Công ty cổ phần CTC Gia Lai đầu tư xây dựng trong hai năm (từ 2007 đến 2009). Trong đó, Tượng Quốc tổ cao 6 mét, được làm bằng gỗ mít nguyên khối, nặng gần 6,5 tấn, sơn thếp vàng bên ngoài. 18 tượng Vua Hùng, mỗi tượng cao 4 mét, làm bằng bê tông cốt thép, sơn nhũ đồng bên ngoài.

Toàn bộ quần thể công trình Tượng Quốc Tổ và 18 tượng vua Hùng tọa lạc tại Công viên Đồng Xanh ở xã Chư Á, TP.Pleiku (Gia Lai) với diện tích hơn 1ha.
Tuy nhiên, những bức ảnh chụp tượng Quốc tổ “da trắng như tuyết, môi đỏ như son, móng tay sơn đỏ” xuất hiện trên mạng xã hội mới đây đang được cư dân mạng bàn tán với nhiều ý kiến trái chiều.

Theo báo Thanh Niên, không ít người cho rằng, bức tượng này vô cùng phản khoa học lịch sử, thậm chí nhìn tượng Quốc tổ này chỉ thấy giống chú Tễu trong các vở tuồng, chèo dân gian.

“Ai là người cố vấn cho công cuộc làm nail, make up và tắm trắng cho tượng Quốc tổ? Mình thà tưởng tượng vua Hùng trong trí nhớ hơn là đến thắp nhang vái lạy pho tượng này, thấy nó kỳ kỳ sao sao á không trang nghiêm gì hết”, báo Thanh Niên dẫn chia sẻ của nhà sản xuất phim kiêm diễn viên Hồng Ánh.

Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, Quốc tổ hay các Vua Hùng đều là những nhân vật của truyền thuyết, sáng tạo từ trí tưởng tượng của dân gian nên khó phân định các bình luận đúng sai.

H.M (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news