Tin mới

Tuyên bố chấn động về vụ ám sát Thủ tướng Thụy Điển 34 năm trước

Thứ tư, 10/06/2020, 11:19 (GMT+7)

34 năm trôi qua, hàng ngàn người bị thẩm vấn, 130 người nhận tội nhưng vụ ám sát Thủ tướng Olof Palme vẫn là bí ẩn chính trị lớn nhất thời đại.

Thủ tướng Palme bị ám sát năm 1986. Ảnh: Sky News

Ông Palme bị bắn tại trung tâm Stockholm vào năm 1986 sau khi tới rạp chiếu phim cùng vợ và con trai. Vụ án mạng châm ngòi cho một cuộc săn lùng lớn và nhiều thuyết âm mưu liên quan tới các thế lực mờ ám, từ CIA và phe ly khai người Kurd cho đến các cơ quan an ninh của Nam Phi. Christer Pettersson bị kết án trong vụ giết Thủ tướng Palme tuy nhiên bản án sau đó đã được đảo ngược.

Christer Pettersson được tha bổng trong vụ giết người. Ảnh: Sky News

Ông Palme là thủ tướng Thụy Điển từ năm 1969-1976 và từ 1982-1986. Một số người ca ngợi ông là kiến trúc sư của Thụy Điển hiện đại. Nhưng những người bảo thủ thì ghét quan điểm chống thực dân và chỉ trích Mỹ của ông. Vì vậy, nhiều năm sau vụ án mạng, một số người Thụy Điển vẫn mong đợi lời giải cho vụ giết người gây chấn động nhất của nước này. Vào tháng 2 năm nay, công tố viên Krister Petersson thông báo ông đã gần kết thúc cuộc điều tra và điều này đã gây ra một cơn bão tranh luận. Ông kín tiếng kể từ đó và sẽ công bố kết luận điều tra tại một cuộc họp báo.

Hans Holmér, cựu trưởng phòng điều tra giơ 2 khẩu súng lục ổ quay Smith & Wesson 357 Magnum trong cuộc họp báo ngày 31/3/1986. Ảnh: Sky News

Nếu chúng ta nhận được câu trả lời rõ ràng, điều đó có nghĩa là một trong những bí ẩn chính trị và tư pháp lớn nhất Thụy Điển cuối cùng cũng được giải đáp", Gunnar Wall, một nhà báo đã viết trong vài cuốn sách về vụ giết Palme nói. "Nếu những gì được đưa ra chỉ là một giả thuyết không chắc chắn khác... nó sẽ chỉ củng cố cảm giác của nhiều người đó là hệ thống tư pháp Thụy Điển hoạt động không tốt".

Thủ tướng Palme được chôn cất tại Adolf Fredrikskyrkogård, Stockholm ngày 15/3. Ảnh: Sky News

Những chi tiết đằng sau bí ẩn:

- Vào đêm 28/2/1986, ông Palme bị bắn một phát vào sau lưng ở cự ly rất gần khi đang đi bộ cùng vợ, bà Lisbeth dọc con phố đông đúc ở Stockholm.

- Viên đạn duy nhất làm đứt tủy sống, khiến thủ tướng tử vong ngay lập tức. Khi đó ông 59 tuổi. Viên đạn thứ hai sượt qua bà Lisbeth.

- Một vài nhân chứng nhìn thoáng qua kẻ tấn công. Hắn mặc áo khoác tối màu và đã trốn vào một con hẻm bỏ chạy lên một con đường ở phía trên.

- Vũ khí giết người, được cho là một khẩu súng lục ổ quay Smith & Wesson .357 hoặc tương tự đã được tìm thấy.

- Một nghi phạm có liên quan đến nhóm cánh hữu đã bị bắt giam 17 ngày sau vụ giết người, nhưng sau đó nhanh chóng được thả ra.

- Điều tra viên chính đã từ chức sau khi không tìm thấy bằng chứng trong cuộc đột kích vào một hiệu sách có liên quan tới nhóm ly khai người Kurd (PKK) năm 1987. Khi đó, nhóm này bị chính phủ của ông Palme liệt vào danh sách khủng bố.

- Christer Pettersson, người có tiền án giết người đã bị kết tội vào năm 1980 nhwgn được tòa án cấp cao thả tự do trong bối cảnh tòa nghi ngờ quá trình nhận diện của bà Lisbeth. Kể từ khi Petersson được tha bổng, không có nghi phạm nào bị bắt và vụ giết người chưa được giải quyết đã khiến 4 nhà điều tra chính thất vọng.

- Cảnh sát Thụy Điển đã đến Nam Phi năm 1996 sau khi một cựu chỉ huy cảnh sát cáo buộc vụ giết người do lực lượng an ninh thời kỳ phân biệt chủng tộc chỉ đạo. Mục đích là để chặn họng những chỉ trích từ nước ngoài.

- Nhà báo, nhà văn viết truyện trinh thám nổi tiếng Thụy Điển Stieg Larsson đã nghiên cứu giả thuyết vụ án liên quan đến bộ máy an ninh Nam Phi cho tới khi ông qua đời năm 2004.

- Các giả thuyết khác đã đổ lỗi cho các đối tượng khác đứng sau vụ án, từ các thành phần cánh hữu trong cảnh sát Thụy Điển cho đến các phần tử ly khai Croatia.

- Hàng ngàn người đã bị thẩm vấn và hơn 130 người đã thú nhận tội ác. Điều này đã trở thành nỗi ám ảnh quốc gia. Một đội quân thám tử nghiệp dư đã truy lùng thủ phạm với phần thưởng lên đến 4,3 triệu bảng Anh (hơn 126 tỷ đồng).

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news