Tin mới

Tuyệt kỹ võ công “Cửu Âm Chân Kinh” qua lý giải của võ sư Chưởng môn ở Việt Nam

Thứ năm, 01/11/2018, 09:14 (GMT+7)

Theo vị võ sư Việt Nam, trên thực tế chỉ cần đạt được 1/1000 công lực của “Cửu Âm Chân Kinh” như trong tiểu thuyết Kim Dung cũng là điều cực kỳ gian khổ.

Theo vị võ sư Việt Nam, trên thực tế chỉ cần đạt được 1/1000 công lực của “Cửu Âm Chân Kinh” như trong tiểu thuyết Kim Dung cũng là điều cực kỳ gian khổ.

Sự lợi hại của Cửu Âm Chân Kinh trong tiểu thuyết Kim Dung

Cửu Âm Chân Kinh là tên gọi một bộ tuyệt kỹ võ công lần đầu xuất hiện trong bộ truyện Anh hùng xạ điêu của tác giả Kim Dung. Sau này, Cửu Âm Chân Kinh còn xuất hiện trong 2 tác phẩm khác của Kim Dung là "Thần điêu đại hiệp" và "Ỷ Thiên Đồ Long ký".

Trong tiểu thuyết Kim Dung thì đây là bộ tuyệt kỹ ẩn chứa sức mạnh vô biên, có thể giúp các cao thủ xưng hùng xưng bá giới võ lâm. Cũng chính vì sự lợi hại của Cửu Âm Chân Kinh nên trong giang hồ luôn xảy ra những cuộc tranh giành ác liệt để sở hữu bí kíp tuyệt đỉnh này.

Cửu Âm Chân Kinh gắn liền với nhiều cao thủ trong tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung. Ban đầu, tuyệt kỹ này được viết bởi Hoàng Thường, một nhân vật được cho là có thật sống thời Bắc Tống.

Tuyệt kỹ võ công “Cửu Âm Chân Kinh” qua lý giải của võ sư Chưởng môn ở Việt Nam - Ảnh 1.

Một tài liệu ghi chép về Cửu Âm Chân Kinh.

Sau khi Hoàng Thường qua đời, có năm nhân vật sở hữu công phu bất phàm cùng đấu với nhau trên đỉnh Hoa Sơn để tranh giành Cửu Âm Chân Kinh gồm Hoàng Dược Sư (Đông Tà), Âu Dương Phong (Tây Độc), Đoàn Trí Hưng (Nam Đế), Hồng Thất Công (Bắc Cái), và Vương Trùng Dương.

Về sau, Cửu Âm Chân Kinh được một số nhân vật khác luyện thành như Lão Ngoan Đồng Chu Bá Thông, Quách Tĩnh…

Trong tiểu thuyết Kim Dung thì Cửu Âm Chân Kinh còn là nền tảng để cho ra đời những bộ võ công rất lợi hại, tiêu biểu có Cửu âm bạch cốt trảo.

Kim Dung từng mô tả về cách luyện Cửu Âm Chân Kinh rằng: "Năm ngón phát kình, không gì cứng không phá được, chụp vào đầu óc như xuyên vào đậu hũ…". Còn yếu chỉ của bộ Cửu Âm Chân Kinh lại được viết là đường lối học theo tự nhiên của Ðạo gia, xua quỷ trừ tà để trường sinh dưỡng mệnh...

Tuyệt kỹ võ công “Cửu Âm Chân Kinh” qua lý giải của võ sư Chưởng môn ở Việt Nam - Ảnh 2.

Quách Tĩnh trong tiểu thuyết của Kim Dung là một trong những người từng sở hữu Cửu Âm Chân Kinh.

Cửu Âm Chân Kinh qua lý giải của võ sư chưởng môn tại Việt Nam

Giống như ở Trung Quốc thì những môn võ xuất hiện từ truyện kiếm hiệp Kim Dung, trong đó có Cửu Âm Chân Kinh cũng là chủ đề thu hút sự quan quan tâm và đầu tư nghiên cứu của không ít sư Việt Nam, trong đó có võ sư Ngô Xuân Thi, Chưởng môn phái Thiếu Lâm – Long Quyền Pháp.

Võ sư Ngô Xuân Thi là người từng tập nhiều môn võ khác nhau như Hồng Gia La Phù Sơn, Vĩnh Xuân Quyền… Ông từng là HLV võ thuật tại trường Sĩ quan Đặc công, từng đảm nhận công tác bảo vệ nguyên thủ và có nhiều năm dạy võ tại Nga.

Nói về Cửu Âm Chân Kinh, võ sư Ngô Xuân Thi cho rằng: "Thứ võ công này là óc sáng tạo, nhân cách hóa của một nhà văn viết tiểu thuyết. Nhưng theo tôi, trong thực tế nếu đạt được 1/1000 như vậy thì đã là sự cố gắng rất lớn".

Tuyệt kỹ võ công “Cửu Âm Chân Kinh” qua lý giải của võ sư Chưởng môn ở Việt Nam - Ảnh 3.

Võ sư Ngô Xuân Thi từng là HLV đào tạo võ thuật cho lực lượng đặc công.

Trước câu hỏi rằng trên thực tế, liệu có thứ công phu nào gần giống so với Cửu Âm Chân Kinh hay không và nếu có thì người luyện sẽ đạt được những kỹ năng ra sao, Chưởng môn Ngô Xuân Thi cho rằng:

"Trong võ thuật có ý-khí-lực. Công lực là thứ có thật do thể chất và do duyên của từng người tập luyện. Tôi lấy ví dụ, trên thực tế các cụ ta ngày xưa có thể nhảy lên mái nhà, đó là khinh công và là thứ hoàn toàn có thật do quá trình rèn luyện.

Hay như võ tướng Mạc Đăng Dung khi xưa đánh giặc bằng cây đại đao nặng tới 36kg, bây giờ vẫn giữ trong bảo tàng của dòng họ Mạc. Đó là những thứ có thật. Một số công phu khác là có như Dịch Cân Kinh dùng để luyện gân cốt, Tẩy Tủy Kinh luyện khí hóa thần để sống trẻ, sống lâu, đó là thứ có thật.

Nhưng để đạt được những khả năng như Cửu Âm Chân Kinh trong truyện của Kim Dung thì đó tất nhiên là điều đã được cường điệu lên. Như các bạn tập Vịnh Xuân chẳng hạn, nếu đánh nhanh nhưng không có nội lực thì đòn đánh như phủi bụi. Ở đây, khi Kim Dung sáng tạo ra Cửu Âm Chân Kinh nói riêng và nhiều công phu khác nói chung, là nhằm mục đích đề cao yếu tố nội lực trong võ thuật.

Tuyệt kỹ võ công “Cửu Âm Chân Kinh” qua lý giải của võ sư Chưởng môn ở Việt Nam - Ảnh 4.
 

Nội lực có thể hiểu nôm na rằng đó là cách để các võ sư ngày xưa tính lực phát ra từ một đòn đánh, cũng giống như chuyện một cú đấm của dân boxing ngày nay có sức nặng bao nhiêu pound.

Cửu Âm Chân Kinh hay một bộ bí kíp nào đó là do sự sáng tạo của Kim Dung nhưng có thể không phải hoàn toàn là cư cấu. Tôi được nghe câu chuyện mà rất nhiều người dân đã chứng kiến và kể lại. Có một vị đạo sĩ ẩn cư cuối cùng của núi Thất Sơn hiện vẫn còn sống đã từng giết được 2 con hổ, con to nặng tới hơn 300 kg.

Người này từng dùng đòn Bình sa lạc nhạn luyện 30 năm để giết một con rắn hổ mây khổng lồ. Ông ta bay lên trên không rồi lộn cắm đầu xuống, né đòn mãng xà chộp, liền đó lao xuống, dùng cây rựa tự chế dài 1,5m chém đứt cổ con rắn hổ mây. Bây giờ, ông là thầy thuốc ở Núi Thất – An Giang, vùng giáp Campuchia.

Tựu chung lại, Cửu Âm Chân Kinh là một sản phẩm hư cấu nhưng có thể dựa theo một vài cơ sở có thật. Bộ sách này chú trọng yếu tố nội lực trong võ thuật và ngày nay, người có nội lực cao sẽ bổ trợ rất nhiều trong chiến đấu cũng như dưỡng sinh".

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news