Tin mới

Uber khiếu nại việc bị truy thu gần 70 tỷ tiền thuế: Cơ quan chức năng nói gì?

Thứ hai, 25/09/2017, 10:41 (GMT+7)

Cục Thuế TP.HCM đã ấn định con số tiền thuế mà Uber phải đóng là gần 70 tỷ đồng, trong đó bao gồm cả tiền phạt chậm nộp. Tuy nhiên, doanh nghiệp lại phản ứng bằng cách khiếu nại lên tổng cục Thuế và bộ Tài chính.

Cục Thuế TP.HCM đã ấn định con số tiền thuế mà Uber phải đóng là gần 70 tỷ đồng, trong đó bao gồm cả tiền phạt chậm nộp. Tuy nhiên, doanh nghiệp lại phản ứng bằng cách khiếu nại lên tổng cục Thuế và bộ Tài chính.

Mới đây, cục thuế tp.Hồ Chí miMinh đã tiến hành thanh tra công ty TNHH Uber B.V (Hà Lan, gọi tắt Uber) và phát hiện nhiều kê khai sai. Theo đó, thời gian được ngành thuế thanh tra từ khi doanh nghiệp bắt đầu hoạt động tại Việt Nam năm 2014 đến tháng 6/2017. Kết quả cho thấy, trong quá trình hoạt động, Uber đã kê khai sai, dẫn đến thiếu số tiền phải nộp. Về hành vi này, Uber bị xử phạt hơn 10 tỷ đồng.

Không chỉ thế, công ty chưa nộp trên 26 tỷ đồng tiền thuế VAT khấu trừ nộp thay, gần 10,5 tỷ đồng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp và gần 15 tỷ đồng tiền thuế thu nhập cá nhân khấu trừ nộp thay. Chưa dừng lại ở đó, Uber còn phải nộp tiền chậm nộp (tính đến ngày 31/8) gần 5 tỷ đồng. Như vậy, tổng số tiền doanh nghiệp phải đóng liên quan đến thuế là gần 67 tỷ đồng.

Sau khi có kết quả, cục Thuế TP.HCM đã ban hành quyết định truy thu thuế đối với doanh nghiệp này trong thời hạn cụ thể.

Quyết định có đoạn: “Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định này, Uber phải nghiêm chỉnh chấp hành và có trách nhiệm nộp số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt theo quy định vào tài khoản của cục Thuế mở tại kho bạc Nhà nước TP.HCM. Quá thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định này mà công ty không chấp hành thì sẽ bị cưỡng chế thi hành”.

Tổng số tiền doanh nghiệp phải đóng liên quan đến thuế gần 67 tỷ đồng.

Chưa đồng tình với quyết định này, Uber đã có đơn khiếu nại gửi tổng cục Thuế và bộ Tài chính. Một cán bộ cục Thuế TP.HCM cho biết: “Do đây đang là thời điểm doanh nghiệp khiếu nại nên chưa thể thi hành cưỡng chế. Nhưng nếu không có gì thay đổi, đơn vị này phải nộp thêm số tiền chậm nộp. Uber phải có trách nhiệm tự tính bổ sung số tiền chậm nộp được tính từ sau thời gian chốt thuế các khoản đến thời điểm nộp toàn bộ số tiền thuế nói trên vào ngân sách Nhà nước”.

Ngoài doanh nghiệp này, theo tìm hiểu của PV, trước đó, tại TP.HCM cũng có hiện tượng tương tự. Ông Lê Đình Lợi, Phó cục trưởng cục Hải quan TP.HCM cho biết: “Tại TP.HCM đang có 2 doanh nghiệp ô tô nợ thuế với số tiền lên tới gần 760 tỷ đồng và chưa thể thu hồi. Lý do là các doanh nghiệp này đang khiếu nại nên chưa thể thu hồi số tiền nói trên”.

Điều đáng nói, chỉ tính riêng 2 doanh nghiệp ô tô này đã dẫn tới công tác truy thu thuế của hải quan TP.HCM đang đạt tỉ lệ rất thấp, vì nó chiếm gần toàn bộ chỉ tiêu số thuế cả năm. Theo đó, trong 7 tháng của năm 2017, ngành này mới chỉ thu được trên 42 tỷ đồng tiền nợ thuế, đạt gần 4,5% chỉ tiêu của tổng cục Hải quan giao (gần 940 tỷ đồng).

Thuế của Uber được tính ra sao?

Cán bộ cục Thuế TP.HCM cũng cho biết: “Việc tính thuế này không liên quan gì tới Uber Việt Nam. Bởi, đơn vị này chỉ hoạt động mang tính chất tư vấn, quản lý các hoạt động của Uber B.V. Đồng thời, họ cũng được trả công cho hoạt động này từ công ty mẹ ở Hà Lan. Thực chất, các hoạt động chính, điều tiết thông qua phần mềm trên thiết bị thông minh, điện thoại, giao dịch điện tử, thanh toán quốc tế... đều do Uber đảm nhận. Chính vì thế, việc kiểm soát rất khó khăn đối với cơ quan quản lý, kể cả ngân hàng”.

Trước thực trạng này, các doanh nghiệp, tài xế taxi truyền thống trong nước đã nhiều lần phản ánh sự mất công bằng khi Uber hoạt động mà đóng thuế... như không. Tổng giám đốc một hãng taxi tại TP.HCM chia sẻ: “Các doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi truyền thống trong nước đang phải cõng nhiều loại thuế, phí. Trong khi đó, Uber chỉ chịu mức thuế 4 - 5% Doanh thu là điều bất hợp lý”.

Cũng theo vị này, chỉ tính riêng tại TP.HCM và TP.Hà Nội đang có khoảng 30.000 taxi hoạt động thì trung bình các doanh nghiệp phải đóng thuế, phí cho Nhà nước lên tới khoảng 2.000 tỷ đồng mỗi năm.

“Nhưng điều trớ trêu là thậm chí có số xe hoạt động lớn hơn, tới khoảng 31.000 chiếc đang hoạt động như taxi nhưng ngành thuế chỉ thu được... 20 tỷ đồng của các hãng như Uber, Grab. Đó có phải thất thu các khoản thuế rất lớn và liệu có sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp hay không?”, vị này cho biết thêm.

Tuy nhiên, đến nay, ngành thuế cũng đã chốt phương án tính thuế bằng tỉ lệ trên doanh thu đối các đơn vị hoạt động như Uber. Theo tính toán của ngành thuế, Uber không đáp ứng điều kiện nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) theo phương pháp khấu trừ, không đáp ứng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp trên cơ sở kê khai doanh thu, chi phí để xác định thu nhập chịu thuế.

Do đó, nghĩa vụ thuế của Uber sẽ được tính theo tỉ lệ % để tính thuế GTGT trên doanh thu được hưởng 3% và tỉ lệ % để tính thuế thu nhập doanh nghiệp trên doanh thu được hưởng 2%. Đến nay, cộng các khoản của đơn vị này là gần 70 tỷ đồng cần phải truy thu.

Còn đối với các tổ chức, cá nhân liên kết với Uber sẽ được tính toán khác. Theo đó, các tổ chức có ký hợp đồng với Uber phải kê khai, nộp thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với phần doanh thu được hưởng theo hợp đồng. Còn đối với cá nhân sẽ được tính theo tỉ lệ % để tính thuế GTGT trên doanh thu được hưởng 3% và tỉ lệ % để tính thuế thu nhập cá nhân trên doanh thu được hưởng 1,5%.

Các chuyên gia cho rằng, Uber đã có nhiều kinh nghiệm, hoạt động tại nhiều nơi nên rất khôn ngoan nhằm tránh các quy định của pháp luật Việt Nam.

Đánh giá về cách thức vận hành của Uber, một chuyên gia Kinh tế - Tài chính tại TP.HCM cho rằng: “Công ty này đã có nhiều kinh nghiệm, hoạt động tại nhiều nơi trước khi đến Việt Nam nên họ rất khôn ngoan nhằm tránh các quy định của pháp luật Việt Nam. Rõ ràng, họ đã nghiên cứu rất kỹ điều này, nhất là nghĩa vụ thuế, khi tổ chức kinh doanh, hợp đồng với các taxi, chủ xe, thuế... Do đó, các đơn vị thuế cần phải rà soát thật kỹ hành lang pháp lý để họ không khiếu nại. Vì đây là các khoản thuế đương nhiên họ phải nộp khi hoạt động tại Việt Nam”.

Còn ông Nguyễn Trí Thành, Giám đốc một doanh nghiệp vận tải hành khách tại TP.HCM nhìn nhận: “Lẽ ra, ngay từ đầu khi Uber, Grab xuất hiện, cơ quan chức năng nên bắt buộc các xe chạy hợp đồng cho các hãng này phải đăng ký và phải có môn bài kinh doanh, đồng thời kê khai tài khoản. Nếu xe nào không có môn bài, đương nhiên là hoạt động chui, kinh doanh trái phép. Còn tài xế nào chạy xe nhưng không kê khai hoặc kê khai sai số tài khoản là trốn thuế”.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết: “Trong mức độ nào đó, bộ Tài chính đã thiếu trách nhiệm trong quản lý thuế đối với loại hình như Uber. Do vậy, cơ quan chức năng cần phải vào cuộc mạnh mẽ và quyết liệt để nhằm tránh thất thu thuế. Nếu Uber tiếp tục không hợp tác thì cơ quan thuế phải cưỡng chế theo quy định của pháp luật Việt Nam”.

Thanh Tùng

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news