Tin mới

Về ca nghi nhiễm Ebola tại Đà Nẵng: Công tác kiểm dịch tại sân bay còn lỏng lẻo

Thứ hai, 03/11/2014, 15:23 (GMT+7)

Hai công nhân xuống sân bay Tân Sơn Nhất, đã khai báo rõ là về từ Conakry (Guinea), trong đó Chung đang sốt cao, song không có bất cứ sự kiểm soát nào của bộ phận kiểm dịch y tế tại sân bay.

 

 

Hai công nhân xuống sân bay Tân Sơn Nhất, đã khai báo rõ là về từ Conakry (Guinea), trong đó anh Chung đang sốt cao, song không có bất cứ sự kiểm soát nào của bộ phận kiểm dịch y tế tại sân bay.

Anh T - người đã cùng anh Chu Văn Chung (26 tuổi, quê ở xã Quảng Cát, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) trở về từ Conakry (Guinea) - kể: “Lịch bay bọn em là 25.10, song sân bay Conakry bị sự cố, chuyến bay hoãn đến 26.10, hành khách phải ngủ lại KS tại sân bay. Đến 4 giờ 27.10 mới bay sang Marocco. Vì trễ cả ngày, nên bọn em bị lỡ chuyến bay chuyển tiếp sang Doha - Qatar để về VN. Vì các hãng đổ lỗi cho nhau nên bọn em đã phải ngủ lạnh một đêm tại ghế phòng chờ.

Có lẽ do bị nhiễm lạnh, nên Chung đã sốt cao. Em cho Chung uống 2 viên Paradol. Hôm sau, 28.10 bọn em được bố trí khách sạn và Chung đỡ sốt. Sáng 29.10, khi lên chuyến bay sang Doha (Qatar), Chung bị sốt lại. Từ đó, bọn em chờ thêm 2 tiếng để bay tiếp về Thành phố Hồ Chí Minh. Từ Doha đến khi xuống Tân Sơn Nhất, Chung đều sốt cao, nhưng không hiểu sao vẫn được nhập cảnh bình thường”.

Người đi cùng bệnh nhân Chung cho biết, cán bộ y tế tại sân bay Tân Sơn Nhất không dí

máy đo thân nhiệt để kiểm tra từng người (Ảnh: Vntimes)

Theo lời kể của anh T, khi làm tờ khai nhập cảnh, cả hai đều ghi rõ hành trình trở về từ Conakry, Guinea. Trên bàn kiểm dịch y tế tại SB Tân Sơn Nhất cũng thấy có máy đo thân nhiệt giống súng như các sân bay khác, song cán bộ y tế ở đây không dùng, gí vào đầu từng người để đo như các sân bay trước đó.

Đêm 29.10, anh T và anh Chung ngủ lại khách sạn Thịnh Thành (10/11A, Xuân Diệu, Q.Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh). Đêm đó, Chung sốt cao cả đêm, T đã phải mua thuốc hạ sốt để hôm sau cả 2 bay về Đà Nẵng. Đến trưa 1.11, khi tái sốt, Chung mới vào nhập viện tại bệnh viện Hoàn Mỹ.

 

Mãi đến khi T đến viện thăm Chung, khai báo là họ đã cùng về từ Conakry, Guinea thì bệnh viện Hoàn Mỹ mới hốt hoảng, di tản hết bệnh nhân ở phòng cấp cứu, đưa Chung vào khoa Y học nhiệt đới, BV Đà Nẵng để điều trị cách ly. Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã chỉ đạo ngành y tế Đà Nẵng theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình bệnh nhân, có phương án chuẩn bị, ứng phó kịp thời với tình huống theo quy định, đồng thời yêu cầu Đội phản ứng nhanh khu vực miền Trung kịp thời kiểm tra, giám sát, xác minh”.

 

Đến cuối ngày 2.11, kết quả xét nghiệm Real-time PCR và PCR cả 2 lần của Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho thấy, bệnh nhân Chung âm tính với virus Ebola. Ngành y tế Đà Nẵng lúc này mới hạ mức “báo động đỏ” bộ máy đối phó với bệnh dịch. Tuy nhiên, qua sự việc này, có thể thấy việc kiểm dịch Ebola từ cửa khẩu sân bay vẫn còn lỏng lẻo.

Theo Vũ Đậu tổng hợp (Người đưa tin)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news