Tin mới

VEC từ chối phục vụ vĩnh viễn 2 ô tô trên đường cao tốc: Tổng cục Đường bộ lên tiếng

Thứ ba, 12/02/2019, 10:51 (GMT+7)

Liên quan đến việc Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) ban hành quyết định từ chối phục vụ vĩnh viễn 2 phương tiện trên các tuyến cao tốc do đơn vị này quản lý, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã yếu cầu đơn vị này báo cáo sự việc.

Liên quan đến việc Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) ban hành quyết định từ chối phục vụ vĩnh viễn 2 phương tiện trên các tuyến cao tốc do đơn vị này quản lý, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã yếu cầu đơn vị này báo cáo sự việc.

Camera giám sát tại trạm thu phí ghi lại cảnh nhóm người tụ tập trước làn thu phí. Ảnh cắt từ clip.

Theo ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cả VEC và VEC E đều không có thẩm quyền này. “Việc cấm lưu hành, cấm dừng xe thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh. Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã yêu cầu VEC báo cáo về việc này,” ông Huyện khẳng định và cho rằng VEC chỉ có quyền từ chối phục vụ xe đi vào cao tốc đối với các phương tiện vi phạm về an toàn giao thông, không chấp hành điều kiện an toàn của đường cao tốc.

Trong khi đó, ông Lê Hồng Điệp, Vụ trưởng vụ Quản lý bảo trì đường bộ (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết: “Hiện không có luật nào xử lý phương tiện mà chỉ có thể xử lý hành vi vi phạm đối với đối tượng sử dụng phương tiện và chủ phương tiện bởi tài sản được dịch chuyển và có thể mua bán theo quy định pháp luật. Lỗi không bao giờ thuộc về tài sản.”

Trước đó, ông Nguyễn Viết Tân, Giám đốc Công ty Cổ phần dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E) cho biết, đơn vị vừa quyết định từ chối phục vụ vĩnh viễn đối với 2 phương tiện có BKS 51A-55850 và BKS 51G-77256 trên tất cả các tuyến cao tốc do VEC quản lý, khai thác.

Lý do được phía VEC E đưa ra là do 2 phương tiện này có các hành vi Vi phạm các quy định theo Quyết định số 13/QĐ-VEC-HĐTV ngày 10/01/2019 về việc ban hành Quy định từ chối phục vụ và phục vụ trở lại đối với các phương tiện vi phạm quy tắc giao thông khi tham gia trên các tuyến đường cao tốc do VEC quản lý, khai thác.

Trả lời về việc từ chối phục vụ vĩnh viễn 2 phương tiện này, ông Nguyễn Văn Nhi, Phó Tổng giám đốc VEC cho rằng, việc này căn cứ vào các quy định của pháp luật và Quyết định số 13 của Hội đồng thành viên VEC về việc ban hành Quy định từ chối phục vụ và phục vụ trở lại đối với các phương tiện vi phạm quy tắc giao thông khi tham gia trên các tuyến đường cao tốc.

Tuy nhiên, dưới góc độ pháp luật, các luật sư và chuyên gia giao thông đưa ra quan điểm việc từ chối phục vụ lưu thông này là trái pháp luật.

Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật BASICO khẳng định, việc từ chối phục vụ vĩnh viễn của VEC đối với 2 phương tiện là vô lý, trái với Hiến pháp của Việt Nam.

LS Đức cho rằng, việc cấm phương tiện di chuyển trên đường phải được quy định trong Luật Giao thông đường bộ. Tuy nhiên, hiện nay không có điều luật nào cấm vĩnh viễn xe ô tô di chuyển trên đường.

"Trong trường hợp này, BOT là dạng hợp đồng hành chính công, có yếu tố Nhà nước, nên doanh nghiệp hoàn toàn không có quyền từ chối phục vụ.

Hơn thế nữa, khác với việc cấm bay theo Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, nếu Luật Giao thông đường bộ dù có cấm cũng không hợp lý, thậm chí là trái với Hiến pháp. Đặc biệt, Thông tư và Nghị định càng không được phép cấm đoán việc sử dụng đường bộ. 

BOT không phải là dịch vụ thông thường, nên doanh nghiệp không thể muốn làm gì cũng được. Chưa kể phương tiện và người lái có thể không liên quan đến nhau, chẳng lẽ cái xe đó đã bán cho người khác vẫn bị cấm?", luật sư Đức nhấn mạnh thêm.

Đức Hoà (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news