Tin mới

Vì sao MobiFone được "tự do"’ mà không phải trả giá?

Chủ nhật, 06/04/2014, 14:32 (GMT+7)

Nếu MobiFone tách khỏi VNPT và phải gánh thêm hàng chục doanh nghiệp đang làm ăn thua lỗ thì quá trình cổ phần hóa sẽ tiếp tục bị trì hoãn.

Nếu MobiFone tách khỏi VNPT và phải gánh thêm hàng chục doanh nghiệp đang làm ăn thua lỗ thì quá trình cổ phần hóa sẽ tiếp tục bị trì hoãn.

 

Khi quyết định tách MobiFone khỏi Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) được công bố, kèm theo thông tin mạng di động này không phải gánh thêm các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, nhiều người đã gọi đùa đây là tin Cá tháng tư. Sự trùng hợp ngẫu nhiên là quyết định này được công bố tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ diễn ra vào đúng 1/4 – ngày mà nhiều người thường trêu đùa nhau bằng những tin không có thực. Trao đổi với Zing.vn, một lãnh đạo cấp cao của MobiFone nói: “Chúng tôi rất vui mừng nhưng bất ngờ trước quyết định này”.

Vì sao MobiFone được tự do mà không phải trả giá?

MobiFone sẽ tách khỏi VNPT mà không phải "cõng" doanh nghiệp thua lỗ giúp đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa.  Ảnh: Hoàng Hà.

Trước đó, theo kế hoạch dự kiến trình Thủ tướng về đề án tái cơ cấu VNPT, MobiFone sẽ tách khỏi tập đoàn này nhưng phải cõng thêm hơn 60 doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả với số vốn khoảng 1.600 tỷ đồng. Lãnh đạo của MobiFone chia sẻ, dù đây không phải là một phương án tốt nhưng nhà mạng này vẫn phải chấp thuận để có được sự “tự do” mà họ mong ước từ lâu. Thêm vào đó, sau nhiều năm bị trì hoãn cổ phần hóa mà không có một lý do chính đáng nào, việc “con gà đẻ trứng vàng” của VNPT (đơn vị chiếm gần 80% lợi nhuận) phải gánh vách phần khó khăn khi ra riêng được coi như một sự đánh đổi.

Tuy nhiên, theo một chuyên gia về cổ phần hóa từng tham gia vào nhiều dự án lớn trong tiến trình đổi mới doanh nghiệp nhà nước, phía sau việc phải “cõng” thêm gánh nặng nghìn tỷ của hơn 60 doanh nghiệp thua lỗ mà VNPT chuyển sang không hẳn là tiền. Ông này phân tích, MobiFone đã hoàn tất việc định giá với tư vấn nước ngoài, nếu gộp thêm các doanh nghiệp thua lỗ khác, việc định giá để cổ phần hóa phải tiến hành lại từ đầu. Trước tiên là phải chọn lại nhà tư vấn, rồi việc định giá hàng chục doanh nghiệp thua lỗ đi kèm cũng mất thêm thời gian… Đây là chưa kể đến việc thành lập Tổng công ty MobiFone kinh doanh đa ngành đi kèm với các thủ tục tách hơn 60 công ty khỏi VNPT để nhập vào đơn vị mới.

“Cổ phần hóa sẽ không thể đẩy nhanh nếu như MobiFone có thêm những ‘cái đuôi’ đa ngành, thua lỗ đi kèm. Trước đây, VNPT từng khiến cho quá trình cổ phần hóa trì hoãn cả chục năm mà không có lý do nên việc để chậm trễ thêm là điều không nên”, ông này bình luận.

Trả lời Zing.vn, lãnh đạo cấp cao của MobiFone cũng chia sẻ: “Nếu gánh thêm hàng chục doanh nghiệp không thuộc ngành viễn thông, đang làm ăn thua lỗ, quá trình cổ phần hóa không thể đẩy nhanh. Tuy nhiên, chúng tôi thấy rằng, quyết định được đưa ra không phải căn cứ vào lợi ích cục bộ của VNPT hay MobiFone mà là bức tranh tổng thể của việc đổi mới các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước nói chung. Lợi ích toàn cục của ngành viễn thông và nền kinh tế chính là cơ sở cho quyết định này”.

Thực tế, việc tách MobiFone mà không kèm thêm các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ của VNPT không phải là “tin Cá tháng tư có thật” duy nhất trong ngành viễn thông thời gian gần đây. Trước đó, thay đổi nhân sự tại tập đoàn này và theo sau đó là cú nhảy vọt về lợi nhuận của VNPT năm 2013 (tăng 4.000 tỷ đồng) chỉ sau một thời gian ngắn cũng là điều mà rất nhiều người không ngờ tới.

“Những quyết định này được đưa ra trong thời điểm ngành viễn thông Việt Nam đang ở bước ngoặt của sự phát triển khiến chúng tôi có hy vọng lớn về một nấc thang mới sau thời kỳ bùng nổ trước đây”, vị lãnh đạo của MobiFone bình luận. Tuy nhiên, ông này cũng cho rằng, quyết định tách MobiFone mới chỉ là bước khởi đầu và còn rất nhiều việc phải làm.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news