Tin mới

Vì sao tâm thư liên tiếp được gửi đến tân Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ?

Thứ tư, 20/04/2016, 19:37 (GMT+7)

Ngay khi vừa nhậm chức, tân Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã liên tiếp nhận được những "tâm thư" từ các chuyên gia giáo dục, giáo viên, phụ huynh.

Ngay khi vừa nhậm chức, tân Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã liên tiếp nhận được những "tâm thư" từ các chuyên gia giáo dục, giáo viên, phụ huynh đối với nền giáo dục nước nhà.

Vừa qua, việc tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ liên tục nhận được tâm thư, những lời góp ý ngay khi vừa mới tiếp nhận trọng trách mới đã phần nào thể hiện sự kỳ vọng của của nhân dân đối với tân Bộ trưởng trong lĩnh vực mà ông phụ trách. Và với kinh nghiệm hơn 30 năm giảng dạy và quản lý, "tư lệnh" của ngành giáo dục quốc gia được người dân gửi gắm hy vọng là sẽ mang lại nhiều đổi mới đối với một nền giáo dục đang tồn tại rất nhiều vấn đề như hiện nay.

Nội dung tâm thư gửi tân Bộ trưởng đều đề cập tới những vấn đề khó khăn, bất cập trong lĩnh vực ngành mà Bộ trưởng phụ trách. 

Đó là vấn đề đổi mới phương pháp dạy học với hy vọng góp phần mang tới diện mạo mới cho nền giáo dục nhưng suốt nhiều năm qua, thực tế cho thấy,  "đổi" rất nhiều lần nhưng lại chưa thể thấy cái "mới" trong hiệu quả.

Đó là tình trạng thất nghiệp chung của sinh viên ngành sư phạm với con số hàng chục nghìn người mỗi năm. Có những người may mắn xin được công việc dạy hợp đồng nhưng hơn chục năm vẫn chưa thể vào được "biên chế". 

Tân Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đối mặt với sự kỳ vọng lớn của nhân dân khi vừa tiếp nhận vị trí lãnh đạo ngành giáo dục. Ảnh: báo Đại đoàn kết

Đó là tình trạng giáo viên phải bám nghề với đồng lương còm cõi. Và một thực tế khá phổ biến là, vừa chăm lo phụng sự cho công tác giảng dạy, giáo viên còn phải oằn mình làm thêm các công việc khác, kiếm nguồn thu nhập khác để đảm bảo cuộc sống. Tăng lương cho giáo viên - một động thái thể hiện sự trân trọng của xã hội đối với ngành giáo dục, để các thầy cô yên tâm giảng dạy, công tác nhưng suốt nhiều năm qua, mong muốn đó đó mới chỉ dừng lại ở... lời đề nghị.

Đó là tính thiếu thiết thực giữa Chính sách và thực tiễn khi các thầy cô giáo phải oằn mình gánh thêm hàng tá trách nhiệm về sổ chủ nhiệm, sổ theo dõi chất lượng giáo dục, sổ hàng tuần, sổ họp, sổ bàn giao và các loại giấy tờ không hề liên quan tới... giáo án. Bên cạnh đó, họ còn chịu áp lực thi đua giáo viên dạy giỏi các cấp, áp lực thành tích trong khi vẫn phải lo đảm bảo hoàn thành công tác giảng dạy trong nhà trường.

Đó là việc họ bị đứng "ngoài lề" trong các cuộc phản biện liên quan tới cải cách, đổi mới các chương trình dạy và học. Vì bản thân các thầy cô là những người trong cuộc, họ chính là những người trực tiếp thực hiện sự "đổi mới" đó nhưng lại không hề được bày tỏ ý kiến của mình.

v.v...

Tân Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhận hoa từ người tiền nhiệm. Ảnh: Tiền phong

Mỗi tâm thư đều chứa đựng những suy nghĩ, trăn trở của những người thực sự tâm huyết đối với những vấn đề tồn tại của nền giáo dục nước nhà trong suốt thời gian qua. Và có thể nhận thấy, các vấn đề được đề được "nhắn nhủ" tới tân Bộ trưởng không phải là mới mẻ, bởi nó vốn dĩ là những tồn tại của ngành từ trước đó, trong một quãng thời gian có thể coi là khá dài. Bộ trưởng tâm niệm "chỉ khi nào xã hội có niềm tin vào giáo dục, mới thắng lợi, chưa có niềm tin thì vẫn thất bại". Như vậy, việc dân gửi gắm những góp ý, chia sẻ của mình đối với người lãnh đạo ngành qua tâm thư đã phần nào thể hiện được niềm tin đó. Bởi vì đặt KỲ VỌNG đối với tân Bộ trưởng, điều đó có nghĩa là dân TIN ở ông.

Đảm nhận vai trò mới, điều đó đồng nghĩa với việc Bộ trưởng Nhạ chắc phải gánh trên đôi vai mình không ít trách nhiệm nặng nề, song như lời của Chủ tịch HĐQT - Đại học FPT Lê Trường Tùng, thì chỉ mong trong vô vàn công việc, hy vọng Bộ trưởng chọn được việc đáng làm và ưu tiên thực hiện. Bởi vì từng đứng trên bục giảng, kinh qua công tác quản lý trong ngành giáo dục, hơn ai hết, Bộ trưởng là người có thể hiểu rõ những bất cập trong ngành sau một quãng thời gian dài loay hoay vật lộn với "cải cách" và "đổi mới". Do đó, trên cương vị mới, nhân dân hy vọng Bộ trưởng có thể thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại "nổi bật" của ngành để tìm hướng tháo gỡ, khắc phục. Và thời gian nhiệm kỳ 5 năm có thể là quá ngắn để cân đối lại các "thế cờ" nhưng nhân dân lại rất kỳ vọng Bộ trưởng sẽ có những quyết sách phù hợp để sớm cải tổ nền giáo dục nước nhà./.

Vũ Đậu

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news