Tin mới

Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ quyết đưa quân, máy bay, chiến hạm đến Qatar giữa lúc "dầu sôi"?

Thứ bảy, 10/06/2017, 14:08 (GMT+7)

Chỉ 2 ngày sau khi Doha bị một loạt láng giềng cắt quan hệ ngoại giao, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định cho phép binh lính nước này triển khai tại căn cứ đặt ở Qatar.

Chỉ 2 ngày sau khi Doha bị một loạt láng giềng cắt quan hệ ngoại giao, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định cho phép binh lính nước này triển khai tại căn cứ đặt ở Qatar.

Thời điểm nhạy cảm

Ankara sẽ điều động các máy bay và chiến hạm đến Qatar sau khi hoàn thành đợt triển khai binh sĩ đầu tiên tới căn cứ của Thổ Nhĩ Kỳ tại Qatar - báo Hurriyet (Thổ Nhĩ Kỳ) cho hay.

Hurriyet nói rằng Ankara có kế hoạch đưa khoảng 200-250 quân đến Qatar trong vòng hai tháng đầu.

Các nhà phân tích Thổ Nhĩ Kỳ gọi động thái trên là "sự ủng hộ rõ rệt đối với Qatar".

"Điều này có nghĩa là Thổ Nhĩ Kỳ xem quan hệ quốc phòng với Qatar như một trụ cột không thể thiếu trong vị thế chiến lược của họ ở khu vực, nhà phân tích quốc phòng Can Kasapoglu từ Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại và Kinh tế (EDAM) đánh giá.

Ông Kasapoglu nói với hãng tin Al Jazeera (Qatar), Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ không thay đổi tầm nhìn dài hạn đối với khu vực bởi cuộc biến động ngoại giao hiện nay.

"Thổ Nhĩ Kỳ đã có căn cứ và binh lính ở Qatar được một thời gian," Kadir Ustun - giám đốc điều hành Quỹ SETA ở Washington, DC, Mỹ, giải thích. "Gia tăng hiện diện quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ vào thời điểm này có thể là động thái trấn an Qatar".

Căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Qatar, cũng là cơ sở đầu tiên của nước này tại Trung Đông, được thiết lập như một phần thỏa thuận ký năm 2014, cho phép đồn trú 5.000 quân, và hiện đã có 200 lính Thổ Nhĩ Kỳ.

Vào tối thứ Tư (7/6), hai đạo luật đã được Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ thông qua, trong đó một cho phép binh lính nước này triển khai tại Qatar, và đạo luật còn lại chấp thuận một hiệp định về hợp tác huấn luyện quân sự giữa hai nước.

Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ quyết đưa quân, máy bay, chiến hạm đến Qatar giữa lúc dầu sôi? - Ảnh 1.

Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani (phải) bắt tay Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan (Ảnh: AP)

Một kế hoạch củng cố quyền lực

Chuyên gia Kasapoglu đánh giá, căn cứ quân sự ở Qatar là tài sản quan trọng cho sức mạnh Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara luôn xem Doha là đồng minh chiến lược trong khu vực và sử dụng căn cứ để thể hiện lập trường đó.

Nhưng các nhà phân tích cũng cho rằng không nên suy diễn quyết định đưa thêm quân đến Qatar là một hành động "chọn phe" của Ankara giữa cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh.

"Căn cứ Thổ Nhĩ Kỳ ở Qatar đã, đang và sẽ chỉ là một biểu tượng chứ không hơn," nhà phân tích chính trị Atilla Yesilada từ trung tâm Global Source Partners ở Istanbul nhận xét.

"Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ coi trọng quan hệ đối tác với Qatar và không đồng tình với tầm nhìn chính sách đối ngoại mà Saudi Arabia đang cố áp đặt lên người láng giềng, Ankara cũng không sẵn sàng - và không đủ khả năng - đối đầu với Riyadh."

Kasapoglu bình luận, việc thông qua các hiệp ước quân sự không phải là động thái "chống Saudi".

"Thổ Nhĩ Kỳ vẫn giữ chính sách theo hướng 'tôi không muốn gây chuyện giữa hai người bạn tốt của mình'," ông so sánh.

"Nhưng dù không ở vào vị thế chống lại Saudi, Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn vẫn ủng hộ Qatar. Ankara đặt lập trường chính trị lên trước, và cho thấy họ duy trì hiện diện quân sự [ở Qatar] là do cuộc khủng hoảng ngoại giao".

Chính sách tương đồng giữa Qatar-Thổ Nhĩ Ky

Hai nước có lịch sử lâu đời về "chung chiến tuyến" trong nhiều xung đột và vấn đề khu vực. Ankara và Doha cũng từ chối xếp các phong trào như Anh em Hồi giáo hay Hamas là "tổ chức khủng bố", đồng thời cùng ủng hộ các nhóm đối lập chống chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria.

Quan hệ đối tác chính trị song phương được củng cố mạnh mẽ sau khi Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani bày tỏ ủng hộ chính quyền Tổng thống Recep Tayyip Erdogan trong vụ âm mưu đảo chính quân sự hồi tháng 7 năm ngoái tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ cũng theo đuổi chiến lược "cân bằng" tương tự trong quan hệ với Iran, trong khi Saudi, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và Bahrain được cho là đang cố gắng xây dựng một chiến tuyến cô lập Iran, với sự ủng hộ của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Qatar, do không bằng lòng chính sách cứng rắn với nước Cộng hòa Hồi giáo, đã bị coi là "mắt xích yếu" trong liên minh trên.

Còn Thổ Nhĩ Kỳ, với quan hệ thương mại mạnh mẽ cùng Iran và hiển nhiên không muốn đối đầu Tehran, đang ủng hộ cách tiếp cận của Doha.

"Thái độ của hai nước về Iran thêm một lần nữa đã đặt Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ vào chung một chiến hào," Yesilada bình luận.

Theo ông Yesilada, Ankara đồng tình với Doha trong rất nhiều tầm nhìn đối ngoại, và tổng thống Erdogan đã nói rõ rằng ông không đồng ý với cáo buộc "tài trợ khủng bố" mà Riyadh nhằm vào Doha.

Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ quyết đưa quân, máy bay, chiến hạm đến Qatar giữa lúc dầu sôi? - Ảnh 2.

Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman al-Thani trả lời báo chí ngày 8/6 tại Doha (Ảnh: Reuters)

Qatar "không từ bỏ"

Chỉ vài giờ sau động thái của Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar tuyên bố ngày 8/6 rằng nước này chưa sẵn sàng thay đổi chính sách đối ngoại của mình, như yêu cầu của các láng giềng để giải quyết khủng hoảng.

Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman al-Thani nói Doha sẽ không thỏa hiệp.

"Chúng tôi đã bị cô lập bởi chúng tôi thành công và tiến bộ. Chúng tôi là một nền tảng cho hòa bình, chứ không phải chủ nghĩa khủng bố... Sự mâu thuẫn này đang đe dọa ổn định của cả khu vực," ông nói.

"Chúng tôi không sẵn sàng từ bỏ, và sẽ không bao giờ sẵn sàng, Để từ bỏ sự độc lập trong chính sách đối ngoại của mình," Ngoại trưởng Qatar nhấn mạnh.

Dù vẫn chưa nhận được báo cáo đầy đủ về yêu sách từ các quốc gia đã cắt quan hệ với Doha, Ngoại trưởng bin Abdulrahman al-Thanibin Abdulrahman al-Thani khẳng định căng thẳng sẽ được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình.

"Không bao giờ có giải pháp quân sự cho vấn đề này."

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news