Tin mới

Vì sao Trung Quốc chưa thể trở thành siêu cường?

Thứ tư, 14/09/2016, 15:36 (GMT+7)

Một quốc gia muốn trở thành siêu cường dẫn đầu thế giới cần phải có một số đặc tính như sức mạnh vật chất, khát vọng được công nhận và sự ủng hộ đầy đủ từ quốc tế. Và xét trên những yếu tố này, Trung Quốc rõ ràng chưa thể trở thành một siêu cường như tham vọng của họ.

Một quốc gia muốn trở thành siêu cường dẫn đầu thế giới cần phải có một số đặc tính như sức mạnh vật chất, khát vọng được công nhận và sự ủng hộ đầy đủ từ quốc tế. Và xét trên những yếu tố này, Trung Quốc rõ ràng chưa thể trở thành một siêu cường như tham vọng của họ.

Sức mạnh vật chất là ý tưởng cho rằng, một siêu cường có thể sống sót sau một thảm họa tự nhiên hoặc thảm họa nhân tạo do có lợi thế địa lý hoặc dân số lớn. Chẳng hạn, nước Nga từng chặn đứng tham vọng của Napoleon và sau này là đánh bại cuộc xâm lược của Hitler. Mỹ cũng có đủ sức mạnh vật chất để đóng vai trò chủ đạo trong việc xây dựng lại thế giới sau sự tàn phá của Thế chiến II. Và gần đây nhất, sức mạnh vật chất của Trung Quốc đã đưa nước này tới vị thế thống trị trong khu vực sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997 và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Các nhà lãnh đạo của các siêu cường thường cảm thấy bắt buộc phải có trách nhiệm hơn nữa trong việc lãnh đạo thế giới. Loại cảm giác trách nhiệm này bắt nguồn từ bản sắc dân tộc. Nhưng tìm kiếm sự công nhận quốc tế có thể dẫn tới việc đánh giá quá cao hoặc quá thấp sức mạnh quốc gia. Cuộc tìm kiếm sự thống trị ở châu Á của Nhật Bản trước đây là một ví dụ thích hợp. Và điều này cũng có thể được nhìn thấy ở Trung Quốc hiện nay - quốc gia đã trở thành cường quốc trên thế giới những vẫn chưa sẵn sàng để đóng tốt vai trò đó.

Trung Quốc chưa đủ khả năng để trở thành một siêu cường lãnh đạo thế giới. Ảnh: National Interest 

Cuối cùng, các siêu cường thường được phần còn lại của thế giới mong đợi sẽ mang đến khả năng lãnh đạo và giúp duy trì trật tự thế giới như là những siêu cường duy nhất mà họ có thể trông cậy vào để thực hiện điều này.

Sự tăng trưởng kinh tế liên tục của Trung Quốc trong 3 thập kỷ qua dẫn tới việc gia tăng kỳ vọng của quốc tế rằng Bắc Kinh sẽ đảm nhận vai trò lãnh đạo mới. Khái niệm mới "G2" của Trung Quốc và Mỹ, và sự nổi lên của Trung Quốc như "một bên liên quan có trách nhiệm" trong trật tự quốc tế là minh họa cho xu hướng này. Phần còn lại của thế giới, đặc biệt là Mỹ, có một vai trò quan trọng trong việc khuyến khích Trung Quốc thực hiện sứ mệnh của họ để xây dựng nên siêu cường mới.

Tuy nhiên, Mỹ vẫn phải kiên nhẫn chờ đợi bởi Trung Quốc hiện nay chưa sẵn sàng để trở thành một siêu cường. Có 4 lý do cho điều này.

Trước hết, ngay trong nội bộ Trung Quốc cũng chưa đạt được sự đồng thuận. Các nhà lãnh đạo và nhân dân Trung Quốc đang bị chia rẽ sâu sắc trong một loạt các vấn đề trong nước, từ vai trò của chính phủ trong đời sống kinh tế, xã hội, đến các vấn đề Chính sách ngoại giao như tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông. Lý luận "cánh tả" mới (do các học giả Wang Wen, Su Changhe, Wang Yiwei ban hành) hiện nay vẫn đang chiếm ưu thế ở Trung Quốc, và những tranh luận dân tộc gay gắt vẫn không ngừng gia tăng. Các rạn nứt giữa phe cánh tả và cánh hữu ở Trung Quốc ngày càng sâu sắc. Làm thế nào một Trung Quốc bị chia rẽ có thể đảm nhiệm vai trò lãnh đạo thế giới?

Vấn đề tranh chấp trên Biển Đông cũng khiến nội bộ Trung Quốc bị chia rẽ. Ảnh: Reuters

Thứ hai, Trung Quốc từ chối công nhận các giá trị then chốt của trật tự quốc tế tự do như dân chủ, tự do và các quy tắc của pháp luật. Trong những năm gần đây, các giảng viên ở Trung Quốc thường xuyên lặp đi lặp lại rằng, họ không thể thảo luận về các giá trị này trong lớp học. Điều này cũng đặt ra câu hỏi về khả năng lãnh đạo của Trung Quốc.

Bên cạnh việc bác bỏ các giá trị tự do phổ biến, Trung Quốc cũng thất bại khi không thể đưa ra bất cứ lựa chọn thay thế đáng giá nào. Các giá trị cốt lõi của Nho giáo, trong đó nhấn mạnh sự phân cấp xã hội, không thể được công nhận trong xã hội đương đại luôn đề cao sự bình đẳng. Trung Quốc sẽ chỉ được coi là người lãnh đạo thế giới khi họ hoặc là chấp nhận các giá trị tự do hoặc tìm ra giải pháp thay thế được quốc tế chấp nhận.

Thứ ba, Trung Quốc không cung cấp đủ hàng hóa công cộng cho cộng đồng quốc tế. Mỹ đã tăng cường vai trò lãnh đạo toàn cầu bằng cách hỗ trợ phạm vi đa dạng hàng hóa công cộng dưới ô bảo trợ của Hệ thống Bretton Woods (bao gồm Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và chế độ tỷ giá hối đoái cố định được xây dựng quanh đồng đôla Mỹ gắn với vàng). Cho đến nay, Trung Quốc đã khởi xướng Tổ chức Hợp tác Thượng Hải và hiện đang dẫn đầu sự phát triển của Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á, song đây cũng mới chỉ là những sáng kiến khu vực.

Việc cung cấp hàng hóa công cộng là một chức năng của cả hai nguồn nhân lực và vật lực của một quốc gia. Trung Quốc đang bị hạn chế khả năng cung cấp hàng hóa công cộng của mình do khoảng cách tăng vọt giữa yêu cầu về nhân tài quốc tế và nguồn cung thực tế trong nước của Trung Quốc. Ví dụ, cho đến tháng 11/2011, chỉ có 519 tình nguyện viên trẻ Trung Quốc làm việc tại 19 quốc gia, trong khi phía Mỹ là hơn 220.000 tình nguyện viên Peace Corps làm việc tại 140 quốc gia từ năm 1961.

Cuối cùng, Trung Quốc còn thiếu một "tinh thần siêu cường" có thể truyền cảm hứng cho thế giới. Công dân của một siêu cường sẽ quan tâm đến sức khỏe và sự thịnh vượng của người dân cả trong và ngoài nước. Các siêu cường được kỳ vọng sẽ là một quốc gia hạnh phúc để cho đi nhiều hơn và nhận về ít hơn, chứ hoàn toàn không phải hoạt động trên cơ sở chi phí - lợi ích nghiêm ngặt.

Thế nhưng, Trung Quốc lại chưa sẵn sàng để cho đi nhiều hơn. Trung Quốc cung cấp viện trợ nước ngoài dựa trên nền tảng lợi ích lẫn nhau để thúc đẩy chủ nghĩa đa phương. Chính sách viện trợ nước ngoài cũng thường xuyên thu hút sự phản đối gay gắt ở Trung Quốc. Và, vấn đề càng trở nên tồi tệ hơn khi chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc đang gia tăng trong Cộng đồng mạng, một xu hướng nhiều khả năng sẽ đưa Trung Quốc đến chỗ bị cô lập thay vì hội nhập sâu hơn.

Vì vậy, trong khi còn cần thời gian để đảm nhận trọng trách toàn cầu trên cơ sở hợp tác, Trung Quốc vẫn chưa sẵn sàng để trở thành một siêu cường.

Lê Huyền (National Interest)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news