Tin mới

Vì sao tỷ lệ tử vong vì Covid-19 ở Italia gấp 12 lần các quốc gia khác?

Thứ sáu, 13/03/2020, 09:37 (GMT+7)

Với hơn 1.000 người chết, tỷ lệ tử vong do nhiễm virus Covid-19 tại Italy hiện ở mức cao nhất thế giới và gấp 12 lần các quốc gia khác.

Tính tới 6 giờ sáng 13/3, thế giới đã có 134.510 người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2) gây ra và 4.970 ca tử vong.

Trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của bệnh, chính phủ Italy đã tuyên bố phong tỏa cả nước cho tới ngày 3/4. 60 triệu dân Italy được yêu cầu hạn chế di chuyển và được khuyên tốt nhất nên ở nhà. Ảnh: THX

Trong vòng 24 giờ qua, thế giới đã có thêm 8.296 ca nhiễm mới và 342 người tử vong, tăng mạnh so với một ngày trước đó khi WHO tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu. Hiện đã có 126 quốc gia/vùng lãnh thổ có người mắc SARS-CoV-2.


Italy trở thành điểm dịch nóng nhất ngoài Trung Quốc khi chứng kiến số ca mắc bệnh và thiệt mạng tăng vọt. Ngày 12/3, các số liệu chính thức công bố cho thấy, với 189 trường hợp tử vong mới được công bố, số ca tử vong tại Italy vì Covid-19 hiện đã là 1.016 người, nhiều thứ 2 chỉ sau Trung Quốc.

Tổng số ca mắc Covid-19 đã tăng thêm 2.651 ca, nâng tổng số ca mắc bệnh tại Italy lên 15.113 ca.

Theo Hiệp hội các bệnh truyền nhiễm và rối loạn miễn dịch thế giới (Waidid) cảnh báo, tỷ lệ tử vong do nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Italy hiện ở mức cao nhất thế giới và gấp 12 lần các quốc gia khác.

Waidid cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là không có sự thống nhất trong các phương pháp điều trị trên toàn lãnh thổ Italy. Mặt khác, sự yếu kém trong khả năng truy xuất nguồn gốc nhiễm bệnh đối với các trường hợp dương tính không có triệu chứng và không được xét nghiệm nhanh (mặc dù đã tiếp xúc gần với các trường hợp nhiễm bệnh được xác định) đã đẩy nhanh tình trạng lây lan dịch bệnh ở quốc gia Nam Âu này

Cũng theo Waidid, ở Italy, nhiều ca dương tính với virus SARS-CoV-2 không có triệu chứng đang được tự do đi lại.

Trước thực trạng trên, Waidid đã kêu gọi Italy áp dụng các biện pháp mạnh mẽ hơn nữa để ngăn chặn dịch bệnh, đồng thời khuyến cáo Rome thực hiện theo phương châm: Chẩn đoán sớm, cách ly và điều trị là nền tảng để ngăn chặn dịch bệnh; truy tìm nguồn gốc nhiễm bệnh là cơ bản.

Ngoài ra, theo một số giả thuyết khác cho rằng, số ca nhiễm bệnh ở Italy lại tăng nhanh hơn nhiều so với các nước châu Âu khác là vì virus đã nhanh chóng lây lan trong hệ thống y tế trước khi các bác sĩ Italy nhận ra vấn đề. Khoảng 10% nhân viên y tế tại Lombardy đã nhiễm bệnh và chính lực lượng y bác sĩ cũng chiếm tới 5% số ca nhiễm tại nước này.

Một số chuyên gia cho rằng tình hình ở Italy nghiêm trọng bởi tỉ lệ dân số già ở nước này. COVID-19 gây ra triệu chứng nghiêm trọng đối với người lớn tuổi. Do đó, cùng với sự gia tăng của số ca dương tính, hệ thống y tế nước này đã phải hoạt động vượt ngưỡng giới hạn thông thường để chống dịch.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news