Tin mới

Việc taxi truyền thống dán băng rôn trên xe có thể bị xử lý

Thứ hai, 09/10/2017, 08:59 (GMT+7)

Trước việc một số hãng taxi truyền thống đều dán băng rôn màu đỏ, ghi chữ vàng nổi bật với nội dung: “Yêu cầu Uber và Grab phải tuân thủ pháp luật Việt Nam”, theo các luật sư, với những hành vi trên thì tùy tính chất có thể bị xử lý về mặt hành chính, hoặc hình sự.

Trước việc một số hãng taxi truyền thống đều dán băng rôn màu đỏ, ghi chữ vàng nổi bật với nội dung: “Yêu cầu Uber và Grab phải tuân thủ pháp luật Việt Nam”, theo các luật sư, với những hành vi trên thì tùy tính chất có thể bị xử lý về mặt hành chính, hoặc hình sự.

Sáng 8/10, hàng loạt taxi của hãng Vinasun dán khẩu hiệu phản đối Uber, Grab Ảnh: Lê Phong/ NLĐ

Mới đây, trên một số diền đàn mạng xã hội xôn xao một số bức ảnh chụp taxi Vinasun dán băng rôn để biểu tình với nội dung: "Yêu cầu Uber và Grab phải tuân thủ pháp luật Việt Nam"; "Đề nghị dừng thí điểm Grab và Uber vì quá nhiều bất công về điều kiện kinh doanh".

Trước đó, trên đường phố xuất hiện nhiều xe taxi của các hãng gồm Mai Linh, Vina, Mỹ Đình, Sao Thủ Đô, Hoàn Kiếm… dán băng rôn ở đuôi xe với nội dung phản đối QĐ 24 của Bộ GTVT. Ảnh: Lao động

Động thái này nhằm phản đối sự cạnh tranh được cho là “phá giá” của 2 hãng vận chuyển Uber và Grab. Những chiếc taxi được dán băng rôn phía sau, đồng loạt xuống đường khiến nhiều người không khỏi bất ngờ.

Về việc này, trao đổi trên báo Người lao động, ông Tạ Long Hỷ - Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP HCM kiêm Phó Tổng giám đốc Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Taxi VinaSun), xác nhận có hiện tượng trên và thông tin đó là tình trạng tự phát của một số tài xế. Tuy nhiên, ông Hỷ cho rằng nội dung khẩu hiệu không quá đáng lắm. "Trước mắt, chúng tôi sẽ kiểm tra lại và có những hướng giải quyết. Hiện vẫn chưa biết bao nhiêu xe đã treo khẩu hiệu", ông Hỷ nói.

Tuy nhiên, trái ngược với lời khẳng định này, trên nhiều diễn đàn mạng, cánh tài xế đã tỏ ra bức xúc. Một số tài xế cho biết, việc dán decal biểu tình là do chính hãng Vinasun khởi xướng. “Tất cả những chiếc taxi khi chạy về xưởng đều được dán băng rôn”, một tài xế cho biết.

Anh N.L., một tài xế Vinasun, cho biết: "Việc dán khẩu hiệu là do công ty kêu gọi và công ty tự in chứ không phải chúng tôi làm".

Tối cùng ngày, đã có rất nhiều tài xế ký vào lá đơn cho rằng Vinasun phủi trách nhiệm, đồng thời tháo gỡ khẩu hiệu ra khỏi xe.

Về việc này, ông Nguyễn Tuấn Anh - Giám đốc Grab Việt Nam, cho biết hành động của tài xế Vinasun không ảnh hưởng đến đơn vị và ông không quan tâm đến chuyện này. Tương tự, đại diện hãng Uber Việt Nam cũng không bình luận và không có động thái phản đối.

Trao đổi về phương diện pháp lý, Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại luật gia Việt Nam (VLCAC) cho rằng, các doanh nghiệp taxi có hành vi dán khẩu hiệu phản ứng như vậy có dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh.

Trên tờ Tri thức trực tuyến dẫn lời Luật sư Hậu: "Việc dán khẩu hiệu như một hình thức nói xấu, xúc phạm người khác, Uber, Grab hoàn toàn có thể khởi kiện lại".

Cũng theo LS Hậu, Quyết định 24 của Bộ Giao thông Vận tải thí điểm đề án sử dụng công nghệ trong đặt xe với hợp đồng điện tử là một văn bản quy phạm pháp luật. Việc thí điểm sẽ thấy được điểm tốt và không tốt, sau đó cơ quan Nhà nước có thẩm quyền mới bổ sung ban hành, trên cơ sở xem xét đánh giá kết quả thí điểm.

Việc làm này của các doanh nghiệp taxi là đi ngược lại xu thế của thị trường, xã hội, làm xấu hình ảnh và thương hiệu của doanh nghiệp.

Còn theo Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sự TP Hà Nội) thì, các doanh nghiệp taxi có quyền bày tỏ quan điểm phản đối Uber, Grab, nhưng phải trong khuôn khổ pháp luật.

Cơ quan Nhà nước chưa hề có kết luận về việc Uber, Grab trốn thuế hay làm thất thu thuế. Nếu một số hãng taxi truyền thống cố tình đưa thông tin sai sự thật qua các khẩu hiệu về việc Uber, Grab gây thất thu thuế thì hành vi này vi phạm Điều 43 Luật Cạnh tranh.

Cụ thể, điều 43 Luật Cạnh tranh cấm doanh nghiệp này gièm pha doanh nghiệp khác bằng hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp đưa ra thông tin không trung thực, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó.

Về hình thức xử lý, doanh nghiệp vi phạm pháp luật về cạnh tranh có thể bị cảnh cáo, phạt tiền.

Ngoài ra, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung, như: Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề; tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm pháp luật về cạnh tranh.

“Chúng ta đã hội nhập vào sân chơi chung thì phải chấp nhận các loại hình kinh doanh một cách bình đẳng. Đó chính là động lực phát triển kinh tế xã hội. Những loại hình kinh doanh kém hiệu quả phải tự đổi mới nếu không sẽ tự đào thải", ông Thơm nhấn mạnh.

Theo luật sư, việc hãng taxi dán khẩu hiệu trên xe như vậy là trái với quy định pháp luật và cơ quan chức năng sẽ đứng ra xử lý.

Trước đó, ngay sau khi Hiệp hội Taxi Hà Nội có đơn kiến nghị dừng khẩn cấp kế hoạch thí điểm các loại xe taxi công nghệ tại các địa phương trong tháng 9/2017, trên đường phố Hà Nội xuất hiện hàng loạt xe taxi của các hãng taxi truyền thống như Mai Linh, Vina, Mỹ Đình, Sao Thủ Đô, Hoàn Kiếm… với băng rôn dán ở đuôi xe có nội dung: "Yêu cầu dừng ngay việc cấp phù hiệu xe thí điểm vì phá vỡ quy hoạch...", "50.000 xe thí điểm theo quyết định 24 của Bộ GTVT có Doanh thu 18.000 tỷ nhưng chỉ nộp thuế 15,8 tỷ".

Đức Hòa (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news