Tin mới

Việt Nam ghi nhận 8 ca mắc Covid-19 tử vong: BN 496 có tiền sử suy thận mạn giai đoạn cuối

Thứ ba, 04/08/2020, 11:49 (GMT+7)

Trong sáng 4/8, Việt Nam ghi nhận thêm 2 ca mắc Covid-19 tử vong. Giống như trường hợp bệnh nhân 426, bệnh nhân 496 cũng được chẩn đoán suy thận mạn giai đoạn cuối, nhiễm trùng huyết, suy tim cấp.

THeo tin tức trên Sức khoẻ & Đời sống, Người lao động, trưa 4/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại TP. Đà Nẵng thông tin về trường hợp tử vong của bệnh nhân Covid-19.

Bệnh nhân 496, nam, 65 tuổi, quê quán tại Hòa Vang, Đà Nẵng. Ông có tiểu sử suy thận mạn tính giai đoạn cuối, thận nhân tạo chu kỳ, nhiễm khuẩn huyết. Ông điều trị tại khoa Nội thận, Bệnh viện Đà Nẵng trong 5 tháng và ra viện ngày 24/7.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, hiện nay còn một số bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao trong thời gian sắp tới do bệnh lý nền nặng và tuổi cao. Ảnh minh hoạ

Ngày 28/7, bệnh nhân có kết quả dương tính với SARS-COV-2 và được chuyển đến Khoa Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Đà Nẵng trong tình trạng khó thở, đặt nội khí quản và thở máy.

Ngày 29/7 – 1/8, bệnh nhân nằm yên dưới tác dụng thuốc an thần và thở máy. Đến ngày 2/8, ông phải thở máy, lọc máu liên tục và huyết áp giảm.

7h45 sáng 4/8, bệnh nhân hôn mê, đồng tử giãn, mất hoàn toàn phản xạ. Đến 8h30 thì tử vong, chẩn đoán suy thận mạn giai đoạn cuối, nhiễm trùng huyết, suy tim cấp và Covid-19.

Như vậy đến nay, Việt Nam ghi nhận 8 trường hợp nhiễm Covid-19 tử vong, gồm bệnh nhân 426, 428, 429, 437, 475, 496, 499 và 524. Phần lớn họ đều cao tuổi, có nhiều bệnh lý nền. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, hiện nay còn một số bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao trong thời gian sắp tới do bệnh lý nền nặng và tuổi cao.

Sáng cùng ngày, bệnh nhân 426 (BN 426) là nữ, 62 tuổi, quê quán: Hòa Vang, Đà Nẵng có tiền sử suy thận mạn tính 10 năm, cũng đã tử vong.

PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay, khi mắc COVID-19, nhóm đối tượng có nguy cơ cao diễn biến tăng nặng sẽ tập trung vào nhóm người cao tuổi (trên 60 tuổi), có bệnh lý nền (tiểu đường, cao huyết áp, suy thận mãn, lọc máu chu kỳ, ung thư, phổi tắc nghẽn mãn tính…) hoặc có cơ địa, thể trạng béo phì, suy kiệt…

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế phân tích, các bệnh nhân này đã suy các cơ quan quan nội tạng trong quá trình điều trị trước đây. Hệ thống miễn dịch, sức đề kháng suy yếu. Có những bệnh nhân suy thận mạn chạy thận chu kỳ trên 10 năm; nhiều bệnh nhân suy tim, bệnh nhân ung thư; nhiều bệnh nhân cao tuổi, có bệnh nhân đã 100 tuổi... Nay bệnh nhân bị mắc thêm COVID-19 làm cho cơ hội tiến triển của các bệnh mạn tính tăng lên, trở thành những bệnh nhân nhiễm COVID-19 nặng và rất nặng.

Một số ý kiến cho rằng, số lượng bệnh nhân tử vong đang tăng cao chứng tỏ độc lực của virus chủng SARS-CoV-2 mới tại Đà Nẵng cao hơn nhiều so với chủng trước đây?.

Về việc này, BSCKII. Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho rằng, rất "không may", đợt dịch lần này ở Đà Nẵng rơi vào 3 nhóm bệnh nhân rất nguy hiểm gồm: bệnh nhân suy thận mạn, chạy thận nhiều năm; bệnh nhân ở khoa ung bướu và bệnh nhân khoa hồi sức.

"Đây là nhóm bệnh nhân dù không mắc COVID-19 cũng đã tiềm ẩn nguy cơ tử vong. Việc bị nhiễm SARS-CoV-2 chỉ như "giọt nước tràn ly", dẫn đến tử vong cao bất thường như hiện tại, chứ không phản ánh sức khỏe cộng đồng hay độc lực của virus", BS. Cấp nói.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: Việt Nam