Tin mới

Vụ 2.000 file ghi âm tố ngoại tình: "Lục" điện thoại nhặt được có phạm luật?

Thứ bảy, 04/06/2016, 06:00 (GMT+7)

Quyền riêng tư của cá nhân được pháp luật công nhận và được quy định trong các văn bản pháp luật như Hiến Pháp, Bộ luật dân sự.

Theo luật sư, người nhặt được điện thoại đã kiểm tra file lưu trữ và thấy thông tin về vợ ông K. nên đã đưa cho ông K. chiếc điện thoại đó để kiểm tra thông tin, sử dụng thông tin đi tố cáo không phải là hành vi nguy hiểm cho xã hội đến mức phải xử lý hình sự.

Theo nội dung vụ việc được đăng tải trên báo chí, ngày 8/10/2015, một người dân nhặt được chiếc điện thoại, sim và thẻ nhớ trong đó có lưu giữ hình ảnh của ông Phạm Thanh Đ. - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Phú Hội, An Giang, bà Phạm Thị Ngọc A.- cán bộ tuyên giáo xã Phú Hội và trên 2.000 file ghi âm. Sau đó, người này đưa chiếc điện thoại nói trên cho ông Nguyễn Văn K., cán bộ thủy sản xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú (là chồng bà A.).

Sau đó, ông K. làm tường trình kèm theo file ghi âm gửi đơn tố cáo lên Đảng ủy xã Phú Hội. Nhận đơn tố cáo, Ban thường vụ huyện ủy An Phú đã họp bỏ phiếu kín vào chiều 31/5, quyết định kỷ luật ông Đ. và bà A. bằng hình thức khai trừ Đảng.

Vụ việc khiến dư luận đặt câu hỏi, vậy người dân lượm được điên thoại của ông Đ. rồi đưa cho ông K., sau đó, ông K. đem đi tố cáo có vi phạm pháp luật?

Trao đổi với phóng viên, Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp – Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết: Quyền riêng tư của cá nhân được pháp luật công nhận và được quy định trong các văn bản pháp luật như Hiến Pháp, Bộ luật dân sự.

Luật sư Đặng Văn Cường - văn phòng luật sư Chính Pháp - Đoàn luật sư TP Hà Nội

Đối với hành vi xâm phạm bí mật đời tư của người khác như đọc phần lưu trữ trên thẻ nhớ điện thoại, xem ảnh và các file ghi âm trong điện thoại mà chưa được sự đồng ý của chủ sở hữu mà trước đó đã bị xử lý hành chính hoặc bị kỷ luật mà còn vi phạm thì có thể bị xử lý về tội “xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác” theo điều 125 BLHS.

Tuy nhiên, trong vụ việc này, theo thông tin trên báo chí thì người nhặt được điện thoại có thông tin về vợ ông K. sau đó đã đưa cho ông K. chiếc điện thoại đó để kiểm tra thông tin, sử dụng thông tin đi tố cáo không phải là hành vi nguy hiểm cho xã hội đến mức phải xử lý hình sự.

Người nhặt được điện thoại không có ý định cố ý chiếm đoạt tài sản, cố ý xâm phạm bí mật đời tư. Do có thông tin liên quan tới hạnh phúc, đời tư của ông K. và có hành vi dấu hiệu vi phạm pháp luật nên người này mới cung cấp thông tin, vật chứng đó cho ông K. để thực hiện thủ tục tố cáo theo quy định pháp luật.

Vì vậy, xét về hậu quả thì người này không gây ra hậu quả xấu gì cho xã hội, sự việc này còn có thể góp phần đấu tranh phòng chống tội phạm (tội đánh bạc) và đấu tranh với hành vi vi phạm quan hệ hôn nhân một vợ một chồng, vi phạm kỷ luật đảng của một số cán bộ, đảng viên có liên quan. Hành vi của người nhặt được điện thoại cung cấp thông tin cho ông K. không vi phạm pháp luật nên sẽ không bị xử lý”, Luật sư Cường nói.

Trước băn khoăn của một số độc giả, trong trường hợp này, ông K. có bị xem xét trường hợp “chiếm hữu trái phép tài sản” của người khác?, Luật sư Đặng Văn Cường cho biết, để xem xét trách nhiệm của ông K. thì cần làm rõ một số vấn đề: ông K. có mục đích chiếm đoạt, sử dụng trái phép tài sản (chiếc điện thoại) của ông Đ. hay không?, tài sản đó có trị giá từ 5 triệu đồng trở lên hay không?, ông Đ. có yêu cầu trả lại tài sản hay không ?.

Luật sư Cường nêu quan điểm: trong vụ việc này, ông K. giữ lại chiếc điện thoại đó chỉ nhằm mục đích là vật chứng để tố cáo hành vi của ông Đ. và vợ mình, thậm chí ông K. sẽ giao nộp chiếc điện thoại và thẻ nhớ đó cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo. Ông K. không có ý định chiếm giữ, sử dụng trái phép tài sản của ông Đ., không có hành vi xâm phạm quyền sở hữu... do vậy, theo quy định pháp luật hiện hành thì ông K. sẽ không bị xử lý về hành vi chiếm giữ, sử dụng các thông tin, tài sản này.

Chiếc điện thoại trên chứa đựng những thông tin liên quan tới quan hệ nhân thân của ông K., hạnh phúc gia đình ông K. và chứa đựng cả thông tin về hành vi vi phạm pháp luật (đánh bạc) của ông Đ. và vợ ông K. vì vậy, ông K. có quyền giữ lại để làm chứng cứ tố cáo ông Đ. và vợ mình theo quy định của luật tố cáo và các văn bản pháp luật có liên quan, hành vi này là phù hợp với quy định pháp luật và có giá trị tích cực cho xã hội nên sẽ không bị xem xét xử lý”, luật sư Cường cho biết.

Tiểu Phương

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news