Tin mới

Vụ thai phụ bị chó cắn tử vong: Phụ nữ mang thai có tiêm được vắc-xin phòng dại?

Thứ hai, 28/03/2016, 11:33 (GMT+7)

Theo bác sỹ Bùi Ngọc Lâm, khi bị chó dại, súc vật dại cắn, phụ nữ có thai vẫn có thể tiêm phòng dại dưới sự chỉ định và theo dõi của bác sỹ, tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Theo bác sỹ Bùi Ngọc Lâm, khi bị chó dại, súc vật dại cắn, phụ nữ có thai vẫn có thể tiêm phòng dại dưới sự chỉ định và theo dõi của bác sỹ, tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Vừa qua, vụ việc 7 người bị chó cắn, trong đó, một phụ nữ mang thai tử vong xảy ra tại địa bàn Thị trấn Lang Chánh (tỉnh Thanh Hóa) đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của độc giả. Được biết, 6 người sau khi bị chó cắn đã đến Trung tâm Y tế huyện Lang Chánh để tiêm phòng và sức khỏe hiện đã ổn định. Còn thai phụ Nguyễn Thị H. (31 tuổi) chủ quan cho rằng, chó nhà dữ do mới đẻ nên không tiêm phòng dại nhưng bất ngờ bị lên cơn co giật, mất kiểm soát và tử vong sau đó.

Trao đổi với phóng viên, bác sỹ Bùi Ngọc Lâm (Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản Hà Nội) cho biết, nếu chị H. được xác định tử vong do bệnh dại thì đây trường hợp rất đáng tiếc vì hiện nay, trên thị trường vẫn có loại huyết thanh và vắc-xin phòng dại được chỉ định cho cả phụ nữ có thai. Do đó, khi bị chó dại cắn, thai phụ vẫn có thể đến các cơ sở y tế hoặc bệnh viện để được tư vấn và lựa chọn phương pháp điều trị an toàn.

Thai phụ bị chó dại cắn vẫn có thể tiêm vắc-xin phòng dại nhưng phải có sự theo dõi của bác sỹ chuyên khoa. Ảnh minh họa

Theo bác sỹ Lâm, với những người bị chó dại (hoặc nghi là chó dại) cắn vào các vị trí gần thần kinh trung ương như cổ, đầu, mặt, bộ phận sinh dục... thì cần tiêm phòng trong thời gian sớm nhất có thể bởi đối với những trường hợp này, thời gian phát bệnh rất nhanh. Một khi virut dại đã lên não và phát bệnh thì không có phương thuốc nào cứu vãn được bệnh nhân.

"Nếu bị chó dại (hoặc súc vật dại) cắn, việc đầu tiên là phải tiến hành rửa vết thương bằng dung dịch, chất sát khuẩn (xà phòng đặc 20%, nước muối sinh lý) và sát khuẩn bằng cồn. Việc sơ cứu này nhằm tránh sự phát tán của virut dại, sát khuẩn vết thương. Sau đó cần tới ngay cơ sở y tế để được điều trị. Trong trường hợp này, việc tiêm vắc-xin phòng dại và huyết thanh kháng dại là biện pháp duy nhất để cứu chữa" - bác sỹ Lâm cho biết.

Trước đó, cũng chia sẻ ý kiến liên quan tới vấn đề này, bác sỹ Nguyễn Trung Cấp - Phó Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết, nhiều trường hợp chủ quan, nghĩ là chó nhà nuôi cắn thì sẽ không nghiêm trọng, hơn nữa trước đó, con chó cũng không có biểu hiện gì của bệnh dại nên người bị cắn đã không đi tiêm phòng. Chỉ đến khi lên cơn dại mới vội đi tiêm vắc-xin phòng bệnh nhưng lúc này thì mọi chuyện đã quá muộn. Do đó, để tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra thì người bệnh cần đi tiêm phòng dại càng sớm càng tốt.

Vũ Đậu

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news