Tin mới

Vụ con ruồi trị giá nửa tỷ: Tân Hiệp Phát vi phạm thỏa thuận dân sự

Thứ hai, 09/02/2015, 02:09 (GMT+7)

Việc Tân Hiệp Phát đàm phán, hứa trả 500 triệu đồng để đổi lấy sự im lặng từ ông Minh là thỏa thuận dân sự giữa hai bên và được pháp luật cho phép. Có thể thấy phía công ty đã cố tình làm cho anh Minh hiểu rằng đề nghị bồi thường của khách hàng đã được phía công ty chấp nhận. Việc công ty đưa tiền rồi báo công an là vi phạm thỏa thuận.>>“Con ruồi nửa tỷ” trong chai nước ngọt: Tân Hiệp Phát lên tiếng>> Sự thật về "con ruồi nửa tỷ" trong chai nước của Tân Hiệp Phát

 

 

Việc Tân Hiệp Phát đàm phán, hứa trả 500 triệu đồng để đổi lấy sự im lặng từ ông Minh là thỏa thuận dân sự giữa hai bên và được pháp luật cho phép. Có thể thấy phía công ty đã cố tình làm cho anh Minh hiểu rằng đề nghị bồi thường của khách hàng đã được phía công ty chấp nhận. Việc công ty đưa tiền rồi báo công an là vi phạm thỏa thuận.

Liên quan đến vụ việc con ruồi trị giá nửa tỷ trong chai nước của Công ty Tân Hiệp Phát mà anh Võ Văn Minh (35 tuổi, ngụ xã An Cư, huyện Cái Bè, Tiền Giang) bị khởi tố về hành vi "Cưỡng đoạt tài sản". PV đã có cuộc trao đổi với các luật sư và cơ quan chức năng về góc độ pháp lý trong vấn đề này.

Tại sao Tân Hiệp Phát đồng ý bồi thường?

Sau khi vụ việc, ông Phạm Lê Tấn Phong - Giám đốc Đối ngoại của Tân Hiệp Phát phát biểu với báo chí: “Chúng tôi muốn chờ kết quả từ cơ quan điều tra rồi sẽ có phát ngôn chính thức của mình về sự việc.” Tuy nhiên, ông cũng khẳng định, "Chúng tôi là doanh nghiệp nước giải khát hàng đầu Việt Nam với hệ thống và quy trình sản xuất khép kín hoàn toàn, tiêu chuẩn quốc tế. Thế thì ruồi ở đâu ra mà ruồi?", ông Phong nói.

Nếu chai nước không phải của Tân Hiệp Phát tại sao lại đồng ý bồi thường?

Trước phát ngôn này, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam bày tỏ quan điểm:

“Công ty Tân Hiệp Phát cần sớm đưa ra câu trả lời, sản phẩm có con ruồi ấy có phải của công ty hay không?

Có việc mặc cả thỏa thuận giá giữa khách hàng và đại diện phía công ty để mua sự im lặng hay không? Nếu không phải sản phẩm của công ty thì tại sao phải thương lượng với khách hàng về giá tiền bồi thường lên tới 500 triệu?

Nếu thực sự có việc trao đổi để mua sự im lặng khi sản phẩm có vật thể không an toàn VSTP thì không thể chấp nhận được.”

Vụ việc của anh Minh, ông Hùng cho hay, luật pháp đã quy định người tiêu dùng có 8 quyền, trong đó có quyền được yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa không đúng tiêu chuẩn, chất lượng. Mức bồi thường đến đâu tùy thuộc vào sự thiệt hại và trên cơ sở quy định pháp luật. Theo quan điểm của ông, anh Minh đã vượt quá quyền hạn mà pháp luật quy định. “Đúng sai thế nào còn phải chờ cơ quan điều tra xác định”, ông Hùng nói.

Video chai nước chứa vật thể lạ của Tân Hiệp Phát

Anh Minh có quyền yêu cầu bồi thường 1 tỷ hay nhiều hơn nữa

Luật sư Giang Hồng Thanh – Văn phòng luật Giang Thanh (Đoàn Luật sư Hà Nội) phân tích:

Việc anh Võ Văn Minh có hành vi Cưỡng đoạt tài sản hay không cần phải xem xét dựa trên các tình huống.

Theo đó, trường hợp thứ nhất, giả thuyết con ruồi nằm trong chai nước giải khát mang nhãn hiệu Number One của Công ty Tân Hiệp Phát là do anh Võ Văn Minh đưa vào.

Theo kết quả giám định mới được công bố cho thấy, có sự can thiêp của con người vào phần nắp chai của chai nước Number One được đem đi giám định và làm cho nó bị biến dạng.

Trong tình huống này, hành vi của anh Võ Văn Minh đã cấu thành tội Cưỡng đoạt tài sản bởi lẽ anh Minh đã ngụy tạo việc chai nước có ruồi là do lỗi của nhà sản xuất, sau đó buộc nhà sản xuất phải trả tiền cho mình để mình không công bố sự việc này ra công luận. Đây là hành vi uy hiếp về mặt tinh thần của người khác khiến cho người đó vì lo sợ ảnh hưởng đến uy tín mà phải giao tài sản.

Võ Văn Minh cùng tang vật bị bắt giữ - (Nguồn ảnh: Internet).

Thứ hai, con ruồi nằm trong chai nước là có sẵn trong chai, không phải do anh Võ Văn Minh đưa vào. Tình huống này lại phân chia thành hai trường hợp khác nhau.

Cụ thể, nếu anh Minh nhân sự việc này mà yêu cầu Công ty Tân Hiệp Phát phải trả tiền cho mình để mình không công bố sự việc ra công luận, hành vi của anh Minh vẫn cấu thành tội Cưỡng đoạt tài sản, bởi vì Công ty Tân Hiệp Phát không có nghĩa vụ phải trả tiền cho anh Minh kể cả khi đó là lỗi của họ, nếu như lỗi đó không gây thiệt hại cho anh Minh.

Nếu sự việc này làm ảnh hưởng đến uy tín của cửa hàng do anh Minh làm chủ, anh Minh yêu cầu Công ty Tân Hiệp Phát phải bồi thường cho mình do uy tín bị xâm hại, thì việc làm của anh Minh không cấu thành bất cứ tội danh nào. 

Công ty Tân Hiệp Phát có thể bồi thường hoặc không bồi thường theo yêu cầu của anh Minh. Còn việc hai bên thương lượng mức bồi thường 500 triệu đồng, 1 tỷ đồng hay một số tiền nào đó là quan hệ dân sự giữa hai bên. Nếu không đồng ý mức bồi thường các bên có thể khởi kiện ra tòa.

Bắt giam, khởi tố khi chưa có kết luận là quá vội vàng

Ông Minh yêu cầu bồi thường 1 tỉ hay 10 tỉ đồng đi nữa là chuyện của ông Minh. Tân Hiệp Phát cử người đàm phán với ông Minh, hứa trả 500 triệu đồng để đổi lấy sự im lặng cũng là chuyện thỏa thuận giữa hai bên.

Điều này còn có thể hiểu là Tân Hiệp Phát ngầm thừa nhận sản phẩm của mình có vấn đề. Nếu Tân Hiệp Phát báo cho công an bắt ông Minh thì rõ ràng là Tân Hiệp Phát vi phạm thỏa thuận.

Ở đây, Tân Hiệp Phát đồng ý trả cho ông Minh 500 triệu đồng, ông Minh cũng đồng ý với số tiền đó. Vậy thì làm gì có dấu hiệu của tội phạm?

Việc còn nhiều ý kiến khác nhau, đặc biệt là không biết trong chai nước có ruồi do quá trình sản xuất hay do ông Minh cố tình bỏ vào, còn phải chờ điều tra làm rõ, nhưng cơ quan chức năng đã bắt tạm giam, khởi tố ông Minh về tội “cưỡng đoạt tài sản”, theo tôi là chưa đủ cơ sở, còn quá vội vàng.

Đó là những ý kiến của ông Đinh Văn Quế (nguyên chánh tòa hình sự TAND tối cao) trả lời trên Tuổi Trẻ.

“Việc công ty đưa ra các đề nghị, chấp nhận một phần đề nghị của anh Minh (500 triệu đồng khi anh Minh đề nghị 1 tỉ đồng) có thể thấy phía công ty đã cố tình làm cho anh Minh hiểu rằng đề nghị bồi thường của khách hàng đã được phía công ty chấp nhận. Vì thế anh Minh đã yên tâm đến nhận tiền "bồi thường" và bị công an bắt, cho nên trong ý thức chủ quan có thể anh Minh không nghĩ rằng hành vi của mình là sự đe dọa mà cho rằng đó là sự tự nguyện bồi thường của công ty”, theo luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn luật sư TP.HCM).

Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng: “Vụ việc không phải là bồi thường thiệt hại, vì nguyên tắc theo quy định của pháp luật, yêu cầu bồi thường thiệt hại phải là thiệt hại trực tiếp, nếu thiệt hại về tinh thần cũng tối đa chỉ 10 tháng lương tối thiểu.

Việc lợi dụng hoàn cảnh của công ty Tân Hiệp Phát và "uy hiếp" đòi 500 triệu đồng là có yếu tố hình sự. Cách xử lý của Tân Hiệp Phát là 1 quyết định đúng đắn nếu đứng vị trí 1 doanh nghiệp.

Theo tôi, Tân Hiệp Phát cũng đã lường hết hậu quả của việc phản ứng tiêu cực của người tiêu dùng”, một luất sư tại Hà Nội bày tỏ quan điểm.

Kết luận giám định vụ chai nước Number one 

Ngày 7/2, Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) đã có kết luận giám định vụ chai nước Number one bằng nhựa của Công ty Tân Hiệp Phát: “Phát hiện thấy dấu vết biến dạng nắp chai nước nhãn hiệu Number 1 gửi giám định, dấu vết có chiều từ dưới lên trên, từ trong ra ngoài hình thành do công cụ sắc nhọn tạo ra.

Mực nước trong chai gửi giám định thấp hơn mực nước trong chai gửi làm mẫu so sánh. Các dị vật bên trong chai nước nêu trên là các bộ phận cá thể ruồi”.

Riêng phần thân của chai nước được đưa đi giám định còn nguyên vẹn, không bị thủng hoặc phát hiện dấu hiệu bất thường nào.

Đức Thuận

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news