Tin mới

Luật sư "đòi" công tố viên tranh luận đến cùng trong vụ xử Đinh La Thăng và đồng phạm

Thứ sáu, 12/01/2018, 21:12 (GMT+7)

Nói thất vọng vì phần luận tội sơ sài, luật sư muốn được đối đáp "chất lượng" với VKS trên nguyên tắc suy đoán vô tội.

Nói thất vọng vì phần luận tội sơ sài, luật sư muốn được đối đáp "chất lượng" với VKS trên nguyên tắc suy đoán vô tội. 

VnexpressVietnamnet cho hay chiều ngày 12/1, bào chữa cho cựu tổng giám đốc PVN Phùng Đình Thực (bị VKS đề nghị 12-13 năm tù), luật sư Đinh Anh Tuấn cho hay ở phiên tòa này điều mong chờ là chất lượng đối đáp với cơ quan công tố theo tinh thần cải cách tư pháp. Tuy nhiên, hôm qua ông "thất vọng" vì phần luận tội của VKS sơ sài.

Bị cáo Đinh La Thăng. Ảnh: TTXVN

Theo đó, luật sư Tuấn cho rằng việc VKS nhận định ông Thực không thành khẩn khai báo là chưa chính xác. Ông Thực đưa ra phương án "cần có liên doanh tổng thầu" chứ không phải cùng với ông Đinh La Thăng chỉ định thầu với PVC như VKS cáo buộc. Ông Thực cũng không thúc ép việc ký hợp đồng EPC 33 chỉ để cho kịp tiến độ khởi công dự án.

Luật sư Tuấn cũng bày tỏ mong muốn được các công tố viên tranh luận "đến cùng" trên cơ sở các quy định về tranh tụng và nguyên tắc suy đoán vô tội. "Chúng tôi hoàn toàn không có ý hơn thua mà chỉ bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho thân chủ", ông Tuấn nói.

Là người bào chữa cho hai bị cáo Vũ Hồng Chương (nguyên trưởng ban quản lý dự án Nhiệt điện Thái Bình 2) và Trần Văn Nguyên (nguyên kế toán trưởng Ban quản lý dự án Nhiệt điện Thái Bình 2), luật sư Chu Thị Trang Vân đề nghị áp dụng điều 25 Bộ luật Hình sự 1999 miễn trừ trách nhiệm hình sự cho thân chủ.

"Các bị cáo đã có hành động tích cực ngăn chặn hậu quả phạm tội, đáng được tuyên dương, giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật", luật sư giải thích.

Cả hai thân chủ của bà Vân cùng được VKSND Tối cao đề nghị mức án 2-3 năm tù treo về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, theo điều 165 Bộ luật Hình sự 1999.

Ông Chương bị cáo buộc trong quá trình thực hiện Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 biết rõ Hợp đồng EPC số 33 được ký trái quy định, việc lãnh đạo PVN chỉ đạo Ban quản lý dự án tạm ứng cho PVC là trái quy định nhưng vẫn lập các thủ tục chi tạm ứng 6,6 triệu USD và 1.300 tỷ đồng cho PVC. Khi có tiền, cựu chủ tịch HĐQT PVC Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm sử dụng 1.115 tỷ đồng sai mục đích, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền 119 đồng.

Tiếp tục bảo vệ cho bị cáo Chương, luật sư Nguyễn Thế Truyền cho rằng ông Chương tạm ứng tiền là theo chỉ đạo nhưng sau đó đã cố gắng để tránh mức thiệt hại lớn hơn có thể xảy ra. Ông Chương cũng quyết liệt đề nghị xem xét lại việc tạm ứng, thanh lý hợp đồng.

Nói rằng những điều trên đã được thể hiện rõ trong hồ sơ, luật sư Truyền đánh giá hành vi của ông Chương không phạm tội cố ý làm trái và từ ngày 1/1 theo Bộ luật Hình sự 2015 đã không còn tội này.

"Như vậy, hành vi của ông Chương không còn, không thuộc nhóm hành vi nguy hiểm cho xã hội, đề nghị áp dụng theo Bộ luật Hình sự 2015 để miễn hình phạt", luật sư nói.

Trong một diễn biến khác trên Vietnamnet, chiều 11/1 phiên tòa xét xử bị cáo Đinh La Thăng và đồng phạm chuyển sang phần tranh luận. Đại diện VKSND TP Hà Nội trình bày phần luận tội.

Theo đại diện VKSND TP Hà Nội, việc VKSNDTC truy tố các bị cáo về tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo khoản 3 điều 165 và tội tham ô tài sản theo khoản 4, điều 278 bộ luật Hình sự năm 1999 là hoàn toàn có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Thực hiện bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, căn cứ nghị quyết số 41 ngày 20/6/2017 về việc áp dụng bộ luật Hình sự năm 2015, theo nguyên tắc có lợi cho người phạm tội thì hành vi tham ô tài sản của các bị cáo trong vụ án này cần được áp dụng xét xử theo điểm a khoản 4 điều 353 bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 có hiệu lực thi hành từ 1/1/2018.

Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận xã hội hết sức quan tâm. Hậu quả của vụ án là hết sức nghiêm trọng. Số tiền thiệt hại 119 tỷ đồng và 13 tỷ tham ô chưa nói được hết tính chất mức độ nghiêm trọng của vụ án.
Ngoài việc gây thiệt hại ban đầu xác định được, việc làm trên của các bị cáo đã làm dự án kéo dài gấp đôi, làm đội vốn đầu tư gần chục ngàn tỷ đồng, số tiền nếu phạt theo tiến độ của hợp đồng đã lên tới hàng trăm triệu USD.

Khi có vốn tạm ứng, các bị cáo sử dụng tùy tiện, trái nguyên tắc, gây thất thoát lớn vốn nhà nước mà ở vụ án này do điều kiện thời hạn về tố tụng nên chưa kịp làm rõ.

Đây cũng là sai phạm điển hình của PVN trong thời điểm mà bị cáo Đinh La Thăng giữ trọng trách cao nhất của Tập đoàn. Thực tế cho thấy, bằng việc đầu tư, góp vốn tràn lan, dàn trải, thiếu kiểm soát, mang tính lợi ích nhóm đã dẫn tới việc kinh doanh thua lỗ, thất thoát vốn nhà nước hàng ngàn tỷ đồng ở nhiều dự án khác, đó cũng là tiền đề cho tham nhũng, lãng phí, thất thoát. 

Không những bị cáo Đinh La Thăng phải chịu trách nhiệm hình sự trong vụ án này mà còn kéo theo hàng loạt cán bộ, lãnh đạo chủ chốt từ Tập đoàn tới các đơn vị thành viên của PVN bị xử lý. Đau xót hơn cả, trong đó có nhiều người xuất sắc, nhiều người đã từng là những nhà khoa học trong ngành dầu khí...

Theo đại diện VKS, hành vi phạm tội của các bị cáo trong vụ án này là biểu hiện một phần của tệ nạn tham nhũng, lãng phí, quan liêu, lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, không chỉ gây thiệt hại lớn về kinh tế mà còn tác động rất xấu đến chính trị, xã hội, gây bức xúc trong dư luận, làm suy giảm niềm tin của nhân dân.

Vì vậy, việc đưa vụ án này ra xét xử đã thể hiện quyết tâm cao độ của Đảng và Nhà nước trong việc kiên quyết đấu tranh phòng, chống tệ nạn tham nhũng lãng phí, thực hiện nguyên tắc thượng tôn pháp luật, tỏ rõ thái độ không khoan nhượng, không có vùng cấm đối với bất kỳ ai, dù họ ở cương vị nào.

Mọi hành vi vi phạm pháp luật, nhất là các hành vi liên quan đến tội phạm tham nhũng đều phải bị xử lý, tài sản tham nhũng phải bị thu hồi, công lý phải được thực thi, qua đó củng cố lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Hồng Hạnh (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news