Tin mới

Vụ gian lận thi cử ở Hà Giang: Chuyển công tác là hết trách nhiệm?

Thứ sáu, 04/10/2019, 08:36 (GMT+7)

Việc Hà Giang công bố 151 cán bộ, đảng viên liên quan vụ gian lận thi cử năm 2018, ĐBQH Hồ Thị Minh cho rằng, người đứng đầu tỉnh dù đã chuyển công tác nhưng tại thời điểm xảy ra vụ việc còn đương nhiệm thì cũng phải chịu trách nhiệm.

Ngày 1/10 vừa qua, Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang vừa công bố kết quả kiểm tra, xem xét xử lý đối với những cán bộ đảng viên liên quan đến sai phạm kỳ thi THPT Quốc gia 2018.

Tổng số cán bộ, đảng viên có liên quan đến sai phạm là 151 trường hợp (bao gồm cả 2 trường hợp đã được kiểm tra, xử lý là ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và ông Vũ Văn Sử, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang đã thi hành kỷ luật hai ông này bằng hình thức cảnh cáo, Ủy ban Kiểm tra trung ương đang kiểm tra việc thi hành kỷ luật Đảng).

Với 149 cán bộ, đảng viên còn lại, tỉnh Hà Giang kiểm tra, xem xét, xử lý đối với 137 trường hợp, còn 12 trường hợp ngoài Đảng bộ tỉnh quản lý.

Phiên toà xét xử vụ gian lận thi cử ở Hà Giang ngày 18/9 đã phải tạm hoãn do vắng mặt nhiều người làm chứng (Ảnh: Phạm Tùng).

Thông tin này tiếp tục nhận được sự quan tâm của đông đảo dư luận. Nhiều người đặt ra một dấu hỏi về trách nhiệm của người đứng đầu tỉnh như thế nào? Trách nhiệm nêu gương, trung thực trong cán bộ ra sao?

Trước thông tin công bố 151 cán bộ, đảng viên ở Hà Giang liên quan đến vụ việc gian lận thi cử, PV báo điện tử Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ĐBQH Hồ Thị Minh (đoàn Quảng Trị). Là một người từng làm trong ngành giáo dục, nên bản thân đại biểu Minh cảm thấy rất buồn trước vụ việc gian lận thi cử năm 2018.

Thưa đại biểu Hồ Thị Minh, Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang vừa công bố kết quả kiểm tra, xem xét xử lý đối với những cán bộ đảng viên liên quan đến sai phạm kỳ thi THPT Quốc gia 2018, bà đánh giá như thế nào trước việc công bố kết quả kiểm tra, xem xét xử lý này?

Vừa qua tôi có theo dõi Hà Giang công bố những người liên quan đến việc gian lận thi cử ở tỉnh này, trong đó có cả các lãnh đạo lớn nhỏ. Tuy nhiên, ở đây trách nhiệm chính vẫn là của người đứng đầu, nêu gương của người đứng đầu.

Trước đó, sau khi phát hiện ra sự việc thì hầu như tính tự giác không có, tôi thắc mắc tại sao tất cả những người trong cuộc họ đều cho rằng mình vô tội, họ không có lỗi và không làm gì. Nhưng, khi có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan, trong đó bộ Công an vào cuộc mạnh mẽ thì danh sách tên tuổi của những người sai phạm mới lộ ra.

Theo tôi được biết, những người sai phạm, kể cả ở thời điểm mới phát hiện vụ việc, đã mạnh miệng nói mình không liên quan. Điều đó, chứng tỏ tính nêu gương, tính trung thực, trách nhiệm của người trong cuộc chưa cao. Làm mất rất nhiều công sức, tiền của của các lực lượng chức năng, đến bây giờ sự thật mới phơi bày, là điều đáng buồn.

ĐBQH Hồ Thị Minh cho rằng trách nhiệm của người đứng đầu vẫn phải xử lý.

Trong mỗi vụ việc, cá nhân sai phạm là người chịu trách nhiệm chính, lãnh đạo sẽ chịu trách nhiệm liên đới. Tuy nhiên, cái dư luận cần là sự lên tiếng trước công luận và sự dám nhận trách nhiệm trước công luận của những người đứng đầu tỉnh, đại biểu nghĩ sao về điều này?

Tất cả sự việc này xảy ra trên một địa phương, quan điểm của tôi là dù muốn hay không thì trách nhiệm của người đứng đầu vẫn phải xử lý. Bởi, anh buông lỏng kỷ cương, không nắm vấn đề và không điều hành nên có thể năm 2018 nhiều quá mới lộ ra như thế, nhưng biết đâu trước đó đã có sự việc này rồi… May là phát hiện ra, còn nếu không phát hiện ra thì học sinh sẽ thiệt thòi.

Theo tìm hiểu được biết, có những vị lãnh đạo tỉnh Hà Giang thời điểm này đã chuyển công tác, vậy với những người đã chuyển công tác, nhưng tại thời điểm xảy ra vụ việc như vậy thì theo đại biểu những vị này có phải chịu trách nhiệm?

Tôi nghĩ là có. Dù họ chuyển công tác, nhưng thời điểm đang đảm nhận chức vụ ở địa phương, sự việc xảy ra trong thời gian đảm nhiệm cương vị đó thì dù có chuyển công tác vẫn phải chịu trách nhiệm. Như vậy, mới có tính răn đe. Nếu cứ điều hành, vi phạm rồi lại chuyển công tác xem như không có chuyện gì là không được. Nên, dù đã chuyển công tác hay nghỉ hưu thì người đó cũng phải bị xử lý, làm sao lấy được niềm tin thật sự trong nhân dân.

Thưa đại biểu, rõ ràng, câu chuyện về gian lận thi cử 2018 là rất đau lòng. Vậy, trong những năm tiếp theo cần phải làm như thế nào để tạo được niềm tin của nhân dân đối với sự nghiệp giáo dục?

Tôi thấy có một số cách thức chấm thi đã được đưa ra, như thi trực tiếp trên máy tính, chấm trực tiếp… đây cũng là cách chống gian lận thi cử. Còn khi phát hiện sự việc xảy ra tại địa phương nào đó thì phải vào cuộc ngay. Nên cần phải xử lý nghiêm, đặc biệt những người có chức có quyền, đảng viên sai phạm càng phải bị xử lý nghiêm hơn theo các quy định, phải như thế thì mới thật sự lấy lại được niềm tin của nhân dân.
Xin cảm ơn đại biểu!

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news