Tin mới

Vụ gọi Quốc Tuấn là Chí Phèo, chủ Hãng phim truyện VN: "Anh ta đứng lên chửi, còn định đánh nhau với tôi"

Thứ hai, 09/10/2017, 08:51 (GMT+7)

"Bọn tôi bản chất là dân kinh doanh, 1 là 1, 2 là 2, không có cái kiểu lởm khởm cắt chỗ nọ bớt chỗ kia", ông Nguyễn Thủy Nguyên nói.

"Bọn tôi bản chất là dân kinh doanh, 1 là 1, 2 là 2, không có cái kiểu lởm khởm cắt chỗ nọ bớt chỗ kia", ông Nguyễn Thủy Nguyên nói.

Những ngày vừa qua, dư luận đặc biệt quan tâm đến phát ngôn của ông chủ Công ty cổ phần Hãng phim truyện Việt Nam gọi Nghệ sĩ Quốc Tuấn là "Chí Phèo" cùng những lời lẽ khá nặng nề.

Song hành với nó là những lùm xùm xoay quanh việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam và các nghệ sĩ đang làm việc tại đây.

Chúng tôi đã liên hệ với ông Nguyễn Thủy Nguyên (Chủ tịch hội đồng quản trị VIVASO - đơn vị mua lại hãng) để tìm hiểu thêm về sự việc. Đây cũng là bài phỏng vấn chính thức đầu tiên ông trả lời về sự việc ồn ào diễn ra xoay quanh câu chuyện này.

"Tôi không đánh đồng các nghệ sĩ. Tôi chỉ nói cá nhân anh Tuấn thôi"

- Dư luận đang phản ứng rất mạnh mẽ trước phát ngôn của ông gọi Nghệ sĩ Quốc Tuấn là "Chí Phèo". Ông có thể nói rõ hơn về sự việc này?

Tôi thật sự cảm thấy rất áp lực và mệt mỏi. Tôi không làm gì được. Mọi thứ được nhân lên gây bất lợi cho tôi. Vấn đề ở đây tôi không đánh đồng các nghệ sĩ. Tôi chỉ nói cá nhân anh Tuấn thôi. Tôi có thần kinh đâu mà đánh vào giới nghệ sĩ?

Hôm ấy anh ta đứng lên chửi tôi, còn định đánh nhau với tôi. Anh ta bảo tôi không phải là sếp tôi rồi các thứ này khác. Thế nên tôi mới nói chứ.

Câu chuyện bên lề đôi khi có những cái bị đánh lạc đi nên câu nói đó dẫn đến việc người ta hiểu sai đi, rằng tôi đang chọc vào giới nghệ sĩ.

Tự nhiên anh ta kéo các nghệ sĩ vào, tranh thủ nói lái sang để người ta nhìn trên góc độ khác đi. Anh Tuấn là dân đóng kịch, dân diễn mà.

.

Câu chuyện trả lương 540 nghìn cũng vậy. Thực chất anh ta đi làm ngoài, còn ở đây không đi làm mà vẫn lĩnh lương.

Bọn tôi bản chất là dân kinh doanh, 1 là 1, 2 là 2, không có cái kiểu lởm khởm cắt chỗ nọ bớt chỗ kia.

Bọn tôi cũng không quen với việc đi làm mà không coi sếp ra gì cả, cho rằng ông chả là cái gì của tôi. Rồi đi đâu cũng ghi âm, chụp ảnh. Nội quy, quy chế, quy tắc của công ty làm gì có chuyện ấy.

Đây trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã tường. Chuyện tốt đã đành đây toàn chuyện xấu. Mà tôi cũng không nói là cái xấu hay cái tốt, mà là bịa ra, ăn vạ.

- Tức là trong sự việc này có một số chi tiết không chính xác

Có đúng đâu. Ví dụ như ông Thanh Vân bảo làm ra 70 tỷ. Trong khi 2 năm ông không làm gì thì lấy đâu ra 70 tỷ? Rồi chuyện đi cổng trước cổng sau. Cửa chính cách cửa sau có mấy mà bảo bắt đạo diễn phải chui cửa trước với cả cửa sau?

Thực ra bao nhiêu năm trời mối quan hệ giữa giám đốc với các ông này tuy im lặng nhưng nó là một sự thỏa hiệp thôi.

Năm nào cũng kiện tụng, năm nào cũng có đơn hết. Lịch sử của hãng phim này là suốt ngày kiện tụng.

Cho nên các ông trước thỏa hiệp bằng cách chứ để họ lấy lương, kệ, không đi làm mà vẫn có lương để cho đỡ kiện tụng.

- Từ tuần tới công ty sẽ áp chế độ làm việc ngày 8 tiếng và chấm công bằng dấu vân tay?

Anh là người lao động thì anh phải đi lao động, có làm có hưởng. Làm theo sản phẩm thì ông ăn theo sản phẩm.

Tôi đưa ra quy định chấm dấu vân tay, có ghi rõ là NSND, Trưởng - Phó phòng thì không phải chấm. Thế nhưng họ phải có kế hoạch: làm thế nào? ra cái gì? ở đâu? Còn không tôi cũng không trả tiền.

Ví dụ như bây giờ ông đi quay phim. Tôi trả lương cho ông nếu ông ký hợp đồng quay phim với tôi. Chứ không thể bảo tôi cứ trả lương cho ông để ông đi quay phim với người khác.

Mà các ông ấy không kiếm sống từ đây là chính, chỉ lấy thêm thôi. Nhưng từ cái lấy thêm đó tôi mất 700 triệu mỗi tháng: Tiền lương hơn 300 triệu, tiền đóng bảo hiểm hơn 100 triệu, 200 triệu đóng tiền đất. Cộng với lặt vặt những cái như tiền điện nước các thứ.... Hiện tại lỗ 700 triệu mỗi tháng mà sản phẩm thì không có gì.

Chưa kể việc mình có cảm giác bị coi thường. Bây giờ giám đốc muốn gặp phải gọi đến họ mới đến, chứ cả ngày có đến hãng đâu. Nếu có đến thì cũng phải sau 9 giờ, còn 9 giờ đến chả có ai.

- Nhiều ý kiến cho rằng việc áp dụng quy định chấm công không phù hợp với đặc thù công việc của nghệ sĩ?

Tôi thấy cũng có phần đúng thôi. Nhưng mà họ cũng đừng vin vào cái cớ đó.

- Khi nãy ông có nói các nghệ sĩ tỏ thái độ không tôn trọng với lãnh đạo mới. Cụ thể như thế nào?

Quá không tôn trọng ấy chứ. Họ bảo ông không đủ tư cách, không xứng đáng làm giám đốc. Bảo công ty tôi lập đểu. Mà công ty thì có dấu có má có quyết định đàng hoàng.

Bây giờ tôi cũng không muốn bình luận nữa. Mình muốn người ta tôn trọng mình thì mình phải tôn trọng người ta đã. Chứ bây giờ phân tích lời bay qua bay lại thì mệt.

Tôi chỉ nói rằng một ông xích lô đi ăn phở, hay một ông hàng phở hỏi đi xích lô thì cả 2 người đều tôn trọng nhau sẽ khác.

Còn khi tự người ta sướng ra sự không tôn trọng mình rồi lời qua tiếng lại sẽ không hay nữa. Tôi không muốn bình luận thêm về sự việc này.

Chuyện đất đai. Chuyện đạo cụ. Chuyện làm phim...

- Có rất nhiều câu chuyện xôn xao xung quanh giá trị thật của miếng đất vàng nơi đang đặt Hãng phim?

Nhưng vấn đề đây là đất thuê, cần có một cái giấy thu hồi là hết, có cái gì đâu. Còn thương hiệu thì nhà nước quy định rồi, 3 năm không lãi thì đã bằng 0 rồi. Tổng giá trị doanh nghiệp là 91 tỷ, trong đó nợ phải trả là 70 mấy tỷ.

Mà hồ sơ cứ kêu nọ kia chứ trong quá trình làm ông Thanh Vân (NSND Thanh Vân - PV) kí hết chả thiếu chữ nào cả. Thậm chí có những giấy tờ mà không cần ông Thanh Vân kí nhưng biết ông này hay kiện tụng nên vẫn bảo kí vào. Đương nhiên nhà nước làm phải chắc chứ làm bừa sao được.

Tôi nói thật là cuộc sống của tôi rất thanh bình, tôi không theo cái kiểu kiện tụng. Bây giờ vô tình có nói 1 câu vớ vớ vẩn vẩn lại bị ăn vạ, lấy chỗ nọ ghép chỗ kia thành ra bị vạ lây.

- Chuyện đem "bán đồng nát" những đạo cụ có giá trị của Hãng cũng khiến nhiều người bức xúc?

Người ta nói chuyện cái bi-đông, phích nước bảo đó là tài sản quốc gia. Nhưng chẳng có đâu mà tài sản quốc gia. Bây giờ giá trị lịch sử phải gắn với những người có tên tuổi, có chức quyền chứ không thể nói gắn kỷ niệm với ông.

Tôi cũng có hơn 8 năm đi bộ đội. Tôi cũng muốn giữ đôi dép của mình, muốn giữ khẩu súng của mình để làm kỉ niệm nhưng đó là cho cá nhân tôi thôi.

Chứ bây giờ không có chuyện cái ghế ngày xưa ông kê ngồi giờ ông bảo kỉ niệm muốn chất vào đó làm bảo tàng. Đâu có được. Bảo tàng cũng chỉ có một số cái giới hạn thôi chứ.

- Một trong những điều gây bức xúc nhất cho các nghệ sĩ là Ban lãnh đạo mới không có động thái hay định hướng làm phim?

Đã có thời gian đâu. Từ khi chúng tôi về đến cái hôm xảy ra lùm xùm còn chưa được 2 tháng. Chính xác là còn 5 ngày nữa mới được 2 tháng.

Mà 2 tháng đấy còn biên bản bàn giao, rồi kiểm kê, rồi còn đi dỡ từng cái lệnh cấm vận của bên thuế. Rồi còn đi làm thủ tục bao nhiêu thứ trên đời chứ đã làm được cái gì đâu. Chúng tôi chưa bắt tay vào làm được bất cứ cái gì cả thì xảy ra như thế.

Tóm lại là tôi không thể tưởng tượng được cái cách sống ấy. Mình cũng không thuộc cái dân như thế nên tốt nhất là thôi cứ làm theo đúng luật.

"Tôi là ông bầu. Tôi thích thì tôi đầu tư"

- Nhiều người đặt câu hỏi tại sao một đơn vị kinh doanh vận tải thủy lại muốn kinh doanh nghệ thuật?

Người ta nói cũng chả đúng cái gì cả. Người ta là nhà đầu tư người ta phải có trí tuệ. Tôi không đứng ra làm phim, mà tôi sẽ tìm một người có trình độ chuyên môn giỏi để làm chủ tịch, làm giám đốc.

Tôi chỉ là người đầu tư thôi. Tôi chỉ là ông bầu thôi. Bản chất sự việc này cần hiểu đúng rằng tôi chỉ là một ông bầu. Tôi thích thì tôi đầu tư. Lãnh đạo điều hành sẽ là một người khác. Thời điểm này ông Vương Đức nghỉ, nên chưa tìm được người thay.

Việc ông nọ ông kia đầu tư vào bóng đá, phim ảnh, nọ kia cũng là chuyện bình thường. Có phải mình đứng ra để làm phim đâu?

- Ông có sợ rằng khi không hiểu về lĩnh vực đó mà đầu tư vào thì quá mạo hiểm, thậm chí kéo theo nhiều hệ lụy? Bởi nghệ thuật là một lĩnh vực rất khác biệt, không giống những loại hình kinh doanh khác.

Bạn nên nhớ rằng điện ảnh là mạo hiểm mà tôi thích sự mạo hiểm. Những cái mạo hiểm một là chết thì chết luôn, sống thì hoành tráng. Tôi thích sống ở "mép biên".

Thực sự, tôi chưa bao giờ ra ngoài báo chí, nhưng tôi thấy sự việc đã quá lên, tôi đành phải ra. Nhưng ra rồi tôi rút luôn, từ giờ không ra nữa. Bởi vì tôi hiểu cái cảnh này. Đúng 10 câu, sai 1 câu thôi cũng mệt.

Về việc Nghệ sĩ Quốc Tuấn "định đánh" ông Nguyễn Thủy Nguyên dẫn đến những lời nói nặng nề đó, chúng tôi đã liên hệ với nhà quay phim - NSƯT Vũ Quốc Tuấn - một người cũng có mặt trong cuộc họp hôm đó để xác minh sự việc.

Anh Vũ Quốc Tuấn dùng danh dự của một người nghệ sĩ ra đảm bảo không hề có sự việc đó. Theo lời anh Vũ Quốc Tuấn: "Khi ông Nguyên xúc phạm con anh Tuấn, lúc đó, anh Tuấn không thể chịu được nữa nên mới đứng lên nói.

Ông Nguyên đề nghị anh Tuấn ngồi xuống, anh Tuấn bảo: Anh chưa phải chủ tôi nên ông không bắt tôi ngồi được. Đang trong giai đoạn thanh tra, vả lại đến 2018 cổ phần hóa xong anh mới là chủ chính thức Tôi phải nói ra tất cả những điều anh đã làm sai.

Câu nói to nhất của anh Tuấn chỉ vậy thôi, tất cả mọi người đều chứng kiến hết mà. Nên không thể có chuyện anh Tuấn định đánh ông Nguyên được. Nếu cần thiết chúng tôi có thể cung cấp toàn bộ đoạn băng ghi âm cuộc họp ngày hôm đó.

Sau đó, vì phải bận đón con nên anh Tuấn xin phép về trước. Tôi lấy danh dự của người nghệ sĩ ra để nói những điều đó. Hôm ấy còn có cả anh Thắng - Chủ tịch hội đồng quản trị công ty cũng có mặt".

Trước đó, về sự việc bị ông Thủy Nguyên gọi là Chí Phèo, Nghệ sĩ Quốc Tuấn đã bức xúc nói rằng: "Thực ra tôi cảm thấy rất bình thường vì điều đó không làm ảnh hưởng đến tư cách của tôi, nhưng lại bộc lộ chính cái phông văn hóa của ông ấy, bộc lộ chính bản chất con người của ông ấy".

Đồng thời cho biết ông Thủy Nguyên thường xuyên có những ứng xử như vậy với anh em ở Hãng.

Anh nhận định tư duy phim ảnh của ông Thủy Nguyên cũng có nhiều vấn đề cần phải xem xét lại khi ông đang nắm trong tay một đơn vị sản xuất nghệ thuật phim ảnh, chứ không phải một công ty kinh doanh đơn thuần.

Về quy chế chấm công, Nghệ sĩ Quốc Tuấn cho rằng không phù hợp. Và bản thân việc lâu nay các nghệ sĩ đi làm ngoài vì trong Hãng không hề có phim để làm.

Các nghệ sĩ đồng lòng mong muốn được làm việc, được sáng tạo nghệ thuật. Vì thế với họ, việc định hướng làm phim, được làm phim đúng nghĩa mới là điều khiến họ quan tâm nhất.

Bên cạnh đó quy trình cổ phần hóa còn nhiều điều khúc mắc, chưa thỏa đáng là điều khiến họ cảm thấy bức xúc và quyết định sẽ cùng nhau đấu tranh đến cùng.

Ngoài nghệ sĩ Quốc Tuấn, có rất nhiều nghệ sĩ khác cũng đã bức xúc lên tiếng về chuyện này như: NSND Thanh Vân, NSND Hồng Ngát, NSND Trà Giang, NSƯT Minh Đức, NSND Thế Anh, nhà văn Chu Lai....

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo Bộ Văn hóa cũng đã có một số chỉ đạo liên quan đến sự việc này.

Theo Trí Thức Trẻ

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news